Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Kể từ đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 xuất hiện và lan rộng, Chính phủ đã có các gói chính sách hỗ trợ, từ giãn thời gian nộp các loại thuế, giãn thời gian trả nợ vay, đến hỗ trợ doanh nghiệp giữ lao động… Mục tiêu là hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp vào thời điểm dòng tiền bị đứt gãy.

Hiện, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đang có diễn biến rất phức tạp. “Sức khỏe” doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực như: du lịch, dịch vụ, thương mại… rơi vào trạng thái bấp bênh, đình đốn và họ đang hy vọng nhiều về các gói hỗ trợ mới…

Mới đây, Chính phủ cũng đã chính thức công bố về việc quyết định ban hành và triển khai thực hiện các chính sách tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2021, quy định mới về những khoản chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng.

Theo quan điểm của không ít chuyên gia kinh tế, đây là những hỗ trợ quý báu và kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng đã đến lúc không thể tiếp tục cách thức hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp như lần đầu tiên phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, mà cần một giải pháp dài hơi hơn, đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, hỗ trợ phát triển…

Bởi theo các chuyên gia, dù các doanh nghiệp vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, cho lao động nghỉ việc… nhưng sau một năm chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, tình hình doanh nghiệp rất khác. Nhiều doanh nghiệp đã không thể trụ được, phải giảm số lao động, thậm chí đã đóng cửa hoặc chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác.

Thực tế buộc các doanh nghiệp phải thay đổi, cơ cấu lại hoạt động, chiến lược kinh doanh, bộ máy tổ chức… Và người lao động cũng vậy, cũng không ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc như năm ngoái, vì họ đã thấy tình thế, phải tìm kiếm việc làm mới. Trong tình hình như vậy, việc đề xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi.

Giữ quan điểm, thay vì hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp chúng ta cần có những giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi, phát triển, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất, thứ nhất, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư. Để làm được việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có vai trò lớn trong việc rà soát, đề xuất các giải pháp mới phù hợp. Cần xem lại các ngành nghề kinh doanh đang được khuyến khích đầu tư, như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới… có vướng mắc gì trong thực thi chính sách không, có cần thêm chính sách khuyến khích gì không… để có phương án trình Chính phủ, trình Quốc hội bổ sung. Mục tiêu là thúc đẩy tối đa các hoạt động đầu tư này để tạo năng lực mới cho nền kinh tế, tạo ra động lực chuyển đổi cơ cấu theo mục tiêu mà nền kinh tế đang cần. Các nút thắt trong thủ tục đầu tư cũng phải được gỡ quyết liệt.

Thứ hai, đây chưa phải là lúc khuyến khích đầu tư, kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa. Nên tập trung chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ các trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Đây sẽ là nơi cần hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng vào thời điểm này, khi các doanh nghiệp được đặt trong bối cảnh phải cơ cấu lại, xem xét lại chiến lược kinh doanh. Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên những dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, chứ không phải là hỗ trợ chung chung.

Thứ ba, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp vẫn phải đặt ưu tiên và cần có giải pháp quyết liệt trong hành động. Việc này có thể làm được ngay, có tác động trực tiếp ngay, nếu thực sự hành động. Cụ thể, cần hỗ trợ các kế hoạch kinh doanh, đầu tư hiện hữu, khả thi của doanh nghiệp, hỗ trợ phần cung, chứ không đơn thuần là hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ cầu như các gói chính sách năm ngoái. Nếu có gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng của COVID-19, thì mục tiêu là hỗ trợ phục hồi, chứ không hỗ trợ cầm cự.

Về vấn đề này, theo Bộ Tài chính, thời gian sắp tới, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ đang theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thực tế về tình hình dịch bệnh COVID-19, về hoạt động của doanh nghiệp cũng như thị trường và các định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước để xem xét, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành tài chính. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cải cách các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp... góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển.

Ở góc độ doanh nghiệp, thiết nghĩ, cũng đã đến lúc, chính bản thân các doanh nghiệp cần tạo lập cho mình khả năng thích ứng, tự ứng phó các tác động tiêu cực do dịch COVID-19 gây ra để vượt qua khó khăn.

Và hơn thế, thay vì mong ngóng sự trợ giúp bằng những chính sách hỗ trợ thanh khoản để lay lắt kéo dài sự tồn tại, các doanh nghiệp cần quyết liệt thay đổi về cơ cấu, chiến lược kinh doanh, tạo năng lực mới, tạo động lực chuyển đổi cơ cấu theo mục tiêu mà nền kinh tế đang cần để tận dụng hiệu quả những cơ hội có được sự trợ giúp từ hệ thống chính sách thúc đẩy, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, khuyến khích đầu tư… 

Bằng cách thay đổi mục tiêu hỗ trợ từ việc cho "con cá" sang tặng "cần câu" sẽ dần xóa đi sự thụ động nhận hỗ trợ, và doanh nghiệp sẽ tự tin vượt khó, đồng hành cùng Nhà nước kiến tạo nền kinh tế thêm vững vàng hơn./

 
Minh Phương