Hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn 

(ĐCSVN) - Chiếm 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp 45% tổng sản lượng quốc nội và 31% ngân sách quốc gia, nhưng hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chỉ có dư nợ tín dụng ở mức 22- 25%, nghĩa là chỉ chiếm 1/5 tổng dư nợ cả nước. Trong khi đó, khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác cũng rất hạn chế.

 

Không chỉ khó vay vốn, ngân hàng, SME cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn khác, như phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu, quỹ đầu tư…

Ảnh minh họa: (Nguồn: M.P)

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng thành viên Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp thuộc nền kinh tế tư nhân còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, thứ nhất đó chính là việc thiếu thông tin. “Cả về phía doanh nghiệp, cơ quan quản lý, phía ngân hàng đều thiếu thông tin. Thông tin minh bạch chính là điều kiện vô cùng quan trọng để có thể giải quyết vấn đề này”. - ông Lực nhìn nhận.

Nguyên nhân thứ hai, các chương trình của Chính phủ chưa được phát triển tốt, chương trình luật bảo lãnh, chương trình về quỹ hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tiếp theo là còn thiếu các dịch vụ đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp như: đào tạo, tư vấn, thông tin…

Về phía các tổ chức tín dụng, một số tổ chức tín dụng chưa thực sự “mặn mà” đối với cho vay doanh nghiệp tư nhân (một phần do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động cao).

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cũng cho biết, mặc dù tín dụng đối với SME trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả, nhưng qua tiếp nhận thông tin, Ngân hàng Nhà nước NHNN nhận thấy tín dụng đối với SME vẫn còn gặp những khó khăn.

Trước hết phần lớn các SME chưa coi trọng việc cập nhật thông tin hoạt động cũng như tổ chức hạch toán kế toán theo quy định, thường nộp báo cáo tài chính cho ngân hàng chậm, số liệu thiếu chính xác, chưa có kiểm toán độc lập nên ảnh hưởng đến quá trình xem xét và thẩm định hồ sơ vay vốn. Ngoài ra, các SME còn thiếu các tài sản đảm bảo (TSĐB) cho khoản vay theo quy định hoặc TSĐB có giá trị thấp, quyền sở hữu TSĐB không minh bạch...

Theo TS. Cấn Văn Lực, chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng cần tập trung cải thiện 3 yếu tố giúp phát triển khu vực kinh tế tư nhân: Tính bài bản, tính chuyên nghiệp và sự minh bạch để tăng cường khả năng tiếp cận vốn.

TS. Cấn Văn Lực nhận định, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) hiện đang đóng vai trò vô cùng quan trọng cho nền kinh tế khi đã đóng góp 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước, đóng góp 30% cho ngân sách nhà nước (theo số liệu từ Tổng cục Thống kê). Về vấn đề vốn đầu tư, vốn đầu tư cho kinh tế ngoài nước chiếm khoảng 39%, vốn cho kinh tế nhà nước gần 38%. Vấn đề kinh tế ngoài nước nhưng đóng góp cho GDP 43% trong khi khu vực kinh tế nhà nước chỉ chiếm 29% GDP. "Tính sơ bộ chỉ số hệ số sử dụng vốn (ICOR) của 3 khu vực kinh tế, kinh tế ngoài nhà nước ICOR luôn thấp hơn khu vực kinh tế nhà nước, đồng vốn bỏ ra mang lại hiệu quả hơn. Như vậy, phân bổ nguồn lực của chúng ta có vấn đề, ưu tiên của chúng ta có vấn đề.

Đáng buồn là ICOR trong suốt 15 năm của chúng ta không hề giảm, hệ số chung từ 4,3-5 lần, xu thế gần như không giảm, đây là điều đáng buồn cho nền kinh tế chúng ta". - ông Lực nói.

Theo TS. Cấn Văn Lực hiện nguồn vốn còn khá khập khiễng, chưa có sự cân đối khi lượng lớn nguồn vốn còn tập trung nhiều từ ngành ngân hàng. Cụ thể, với vốn tín dụng dành cho khu vực tư nhân, riêng ngân hàng chiếm khoảng 41-42% nguồn vốn cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là cho vay cá thể, hộ kinh doanh chiếm khoảng 30%. Trong khi đó, nguồn vốn nhà nước còn có hai quỹ rất quan trọng dường như bị bỏ quên và ít dùng đến đó là quỹ phát triển doanh nghiệp, quỹ bảo lãnh vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vẫn theo TS. Cấn Văn Lực, nguồn vốn từ kênh chứng khoán hiện nay vẫn chưa phải là nhiều, trong năm 2017, tổng số vốn huy động từ thị trường chứng khoán đạt khoảng 417.000 tỷ. Rõ ràng thị trường này chưa phải là kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, quy mô chỉ tương đương với quy mô huy động vốn của một ngân hàng cỡ khá ở Việt Nam, trong khi quy mô huy động vốn từ hệ thống ngân hàng khoảng 7 triệu tỷ đồng. Như vậy so sánh cho thấy kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán còn rất khiêm tốn.

Vì vậy, chia sẻ giải pháp, đối với cơ quan quản lý, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần đẩy mạnh 4 đột phá (nguồn nhân lực; kết cấu hạ tầng; thể chế - môi trường cạnh tranh bình đẳng và đổi mới, sáng tạo; và khoa học-công nghệ). Đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế (nhất là DNNN và hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…). Đối với khu vực kinh tế tư nhân cần minh bạch hoạt động, báo cáo tài chính, có thiện chí hợp tác, phối hợp với tổ chức tín dụng trong cung cấp thông tin, cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, chủ động tăng hiểu biết về tài chính-tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ (nên có chuyên viên về quản lý tài chính/vốn).

Bên cạnh đó cần có sự phối hợp giữa cả 3 bên Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng họ cần tập trung cải thiện 3 yếu tố giúp phát triển khu vực kinh tế tư nhân: tính bài bản, tính chuyên nghiệp và sự minh bạch – TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh./.

Kim Dung

662 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 698
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 698
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88304345