Hồ tiêu và thách thức giã từ cuộc đua gia tăng diện tích 

(Chinhphu.vn) - Cũng nằm trong nhóm hàng xuất khẩu “tỷ đô” và ở vị trí “thống lĩnh” thị trường thế giới về sản lượng, nhưng ngành hồ tiêu lại đang đối mặt với nguy cơ cung vượt cầu do gia tăng diện tích tự phát.
Ảnh minh họa
Khi ‘thống lĩnh’ sản lượng cũng gặp khó

Không thể phủ nhận sự phát triển của ngành hồ tiêu Việt Nam thời gian qua là khá ấn tượng, với sự thay da đổi thịt của hàng loạt vùng nông thôn nhờ vào trồng tiêu. Thế nhưng, dường như sự phát triển quá nóng về diện tích (tăng gấp 3 lần chỉ từ 2010-2017), mà thiếu quan tâm, đầu tư cần thiết cho chất lượng sản phẩm… đang khiến cả doanh nghiệp (DN) lẫn người trồng hồ tiêu đối mặt với nhiều rủi ro.

Riêng ở Bà Rịa-Vũng Tàu, báo cáo tại hội nghị ngành hồ tiêu mới diễn ra cho thấy, diện tích trồng tiêu cả tỉnh đã gần gấp đôi so với quy hoạch. Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 7.000 ha hồ tiêu, nhưng ước tính cho thấy diện tích trồng tiêu có thể chạm mốc 13.200 ha trong vòng 2 năm tới.

Thực vậy, diện tích hồ tiêu Việt Nam năm 2017 đã là 152.000 ha, tăng 22,5% so với 2016. Ở nhiều vùng trồng tiêu khác trên thế giới, hiện tượng trên cũng diễn ra tương tự. Cán cân nghiêng về bên cầu khiến cho giá tiêu năm 2017 giảm mạnh từ khoảng 200.000 đồng/kg về còn hơn 60.000 đồng/kg.

Cú sốc giảm giá kỷ lục khiến xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam tuy tăng 20% về sản lượng, nhưng kim ngạch lại giảm tới 22%.

Theo Tổng cục Hải quan, quý I/2018, cả nước xuất khẩu được hơn 60.000 tấn hồ tiêu các loại với kim ngạch đạt hơn 222 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2017, sản lượng xuất khẩu tuy tăng 18%, nhưng kim ngạch lại giảm mất 31% do giá tiêu lao dốc mạnh suốt một năm qua.

May mắn là dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho hay, giá tiêu năm nay tuy khó hồi phục, nhưng cũng sẽ không giảm mạnh như năm 2017 do nhiều nước không còn thấy hiệu quả kinh tế lớn từ hồ tiêu ở mức giá hiện nay nên cũng không khuyến khích đầu tư, phát triển.

Năm 2018, Việt Nam sẽ vẫn giữ vị trí dẫn đầu thế giới về sản lượng hồ tiêu xuất khẩu, tương đương như 2017, với khoảng 180.000-200.000 tấn. Riêng ước tính về kim ngạch vẫn còn là ẩn số để ngỏ…

Dự báo tình hình năm nay cho nông dân và nhà sản xuất hồ tiêu tuy mang màu sắc lạc quan hơn năm ngoái, nhưng theo các DN và phân tích chung của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cú sốc giảm giá kỷ lục của năm 2017 là những dấu hiệu cảnh báo sớm cho thấy một nền sản xuất tự phát đã thực sự mấp mé ngưỡng cửa rủi ro khi cung vượt cầu. Và hơn hết hồ tiêu lại là mặt hàng gia vị, không phải hàng tiêu dùng thiết yếu hay lương thực thực phẩm, nên những cuộc “giải cứu” nông sản sẽ khó phát huy hiệu quả như với nhiều mặt hàng khác trước nay…

Nguy cơ ‘mất bò’, phải lo ‘làm chuồng’

Cũng theo Hội Hồ tiêu Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện mối liên kết giữa chính quyền, người dân và DN chưa chặt chẽ, dẫn đến các vùng trồng hồ tiêu phát triển tự phát; chưa có hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại rõ ràng cho hồ tiêu, quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý hồ tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chưa được khai thác, chưa gắn liền với thương hiệu hồ tiêu quốc gia... Cùng với đó, giá giảm mạnh khiến nông dân lại chuyển sang găm hàng chờ giá lên. Công tác thu mua của nhiều DN vì thế gặp khó khăn.

Nhưng “ánh sáng cuối đường hầm” đã xuất hiện khi những vùng hồ tiêu được liên kết chặt với nông dân, có chất lượng đạt chứng nhận quốc tế, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính đang dần hình thành. Dù mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng diện tích hồ tiêu toàn tỉnh, nhưng rõ ràng, cả DN và một bộ phận nông dân đang ý thức rõ hơn lúc nào hết đã tới lúc phải thay đổi tập quán trồng trọt, giã từ cuộc đua tăng trưởng diện tích và sản lượng.

Bà Trần Phước Hậu, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ XNK Trân Châu cho biết, năm qua DN này liên tục bị bên mua ép giá, hàng rào kỹ thuật tại các thị trường lớn của hồ tiêu Việt Nam cũng bị nâng lên. Một phần nguyên nhân khó khăn của xuất khẩu hồ tiêu nằm ở nguy cơ cung vượt cầu. “Để tập trung nâng cao chất lượng hồ tiêu nên từ năm 2017, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch sản xuất hồ tiêu bền vững và tìm thêm thị trường mới ở Đông Âu”, bà Hậu chia sẻ.

Trong cuộc dịch chuyển ấy, dường như các DN FDI đã nhanh hơn một bước. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice (DN Hà Lan), ông Willem Van Walt Meijer thông tin: Đã hợp tác liên kết với 1.600 nông dân ở Bình Phước suốt gần 7 năm qua với mục tiêu đầu tiên là bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đến từng nông hộ. Nơi nào chưa có sản phẩm chất lượng thì DN sẽ có đội ngũ khuyến nông hỗ trợ điều chỉnh quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản; thậm chí có cả chính sách thưởng cho những nông hộ có sản phẩm tốt.

“Giải pháp duy nhất cho hồ tiêu Việt Nam lúc này là phải cải thiện chất lượng. Ngày càng nhiều khách hàng Nhật Bản tìm tới chúng tôi và sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm đạt yêu cầu của họ”, ông Willem Van Walt Meijer cho biết.

Năm 2017 vừa qua cũng là năm mà hiện tượng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu có lẽ đã giảm đáng kể khi các nước nhập khẩu không lần nào phải ra cảnh báo về tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật đối với hồ tiêu từ Việt Nam.

Bên cạnh nguyên nhân giá thấp nên nông dân không muốn tốn thêm chi phí cho phân-thuốc, một phần có lẽ cũng nhờ người trồng tiêu đã nắm được kỹ thuật tốt hơn, đồng thời hiểu biết nhiều hơn về xu thế thị trường toàn cầu khi hội nhập.

Phương Hiền

526 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 785
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 785
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88319884