Hồ Chí Minh - Con người huyền thoại 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài và muôn vàn kính yêu của nhân dân Việt Nam - Anh hùng giải phóng dân tộc; Nhà văn hoá kiệt xuất. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là bản hùng ca, một tấm gương sáng chói về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam. Chính vì vậy, Người không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam mà nền văn minh nhân loại và lịch sử thế giới hiện đại đều dành những trang viết, đánh giá phong phú, độc đáo về Người. Tiến sĩ M. Atmét, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO là một trong nhiều chính khách quốc tế đã viết “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó” khi ca ngợi Bác Hồ.

Với những hiểu biết hết sức nhỏ bé của mình, xin có ba điều cảm nhận về sự huyền thoại của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước hết, Bác Hồ là nhà tiên đoán kỳ diệu.  Tháng 8-1914, từ nước Anh, trong một bức thư gửi cụ Phan Chu Trinh, Bác Hồ (lúc này lấy tên Nguyễn Tất Thành) đã viết: “Tiếng súng đang rền vang, thây người đang phủ đất. Năm nước lớn đang đánh nhau. Chín nước đã vào vòng chiến. Cháu bỗng nhớ cách đây vài tháng cháu đã nói với bác về cơn sấm động này...”. Qua thư này, chúng ta hiểu được trước đó, Bác Hồ của chúng ta đã tiên đoán cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất 1914-1918 sắp nổ ra.

Sau này, trong tác phẩm ‘Lịch sử nước ta” do Người biên soạn và Việt Minh xuất bản vào dịp xuân Canh Ngọ (2-1942). Cuối tác phẩm có mục “Những năm tháng quan trọng” ghi những sự kiện  lớn  trong lịch sử dân tộc. Sự kiện cuối cùng, Người viết: 1945-Việt Nam độc lập. Trong thực tế, một năm sau đó (1943) các nguyên thủ của phe Đồng minh họp ở Tê-hê-răng chỉ dự tính phải đến năm 1946 mới có thể hoàn thành đánh bại được lực lượng phát xít, kết thúc chiến tranh. Vậy mà, tháng 5-1945, phát xít Đức đầu hàng, Liên Xô đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hi-rô-si ma và Na-ga-da-ki, Nhật đầu hàng vô điều kiện. Nắm bắt cơ hội này, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến hành khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám giành  lại độc lập cho đất nước. Thật là một dự báo kỳ diệu.

Trong Diễn văn lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9/1960, Bác viết: “Trong lúc chúc mừng ngày Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng tưởng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ -Diệm. Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bĩ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc-Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”. Người còn gạch dưới bản thảo các chữ “chậm lắm là 15 năm nữa”. Và năm 1975 với thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã giải phóng miền Nam, thống nhât đất nước như tiên đoán của Bác.

Và một dự báo nữa đó là Mỹ sẽ đánh phá miền Bắc. Điều này, chúng ta không hề mong tới. Nhưng trước đó, Người đã chỉ ra mưu đồ của đế quốc Mỹ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội  rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, mà chuẩn bị”. Người còn dự báo: “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Và điều đó đã diễn ra đúng như tiên đoán của Bác. Sau khi thất bại nặng nề trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ mới chịu ký kết Hiệp định Pari, buộc phải thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và rút  quân về nước.

Lý giải về những lời tiên tri kỳ diệu của Bác, sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Thiên tài của Hồ Chí Minh là nắm bắt rất nhanh quy luật của lịch sử và biết tận dụng nó đúng nơi, đúng  mức, đúng cách để làm ra lịch sử, từ không làm nên có, từ cũ làm ra mới, biến thành hiện thực những điều mà người bình thường tưởng như vô vọng”.

Thứ hai: Hồ Chí Minh sáng ngời tấm gương đạo đức.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và chiến đấu gần gũi của Bác Hồ đã từng là cố vấn chương trình Khoa học cấp nhà nước “Tư tưởng Hồ Chí Minh” và Chủ  nhiệm đề tài “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” đã khẳng định: “Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo chú ý nhiều nhất đến vấn đề đạo đức. Tư tưởng đạo đức của Người có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng nền đạo đức học mới của Việt Nam, cả quan niệm về vai trò, vị trí đạo đức, chuẩn mực đạo đức và phương pháp, biện pháp xây dựng đạo đức mới." Người thường xuyên yêu cầu mỗi cán bộ đảng viên phải có đạo đức, phải gương mẫu và chính người là một tấm gương mẫu mực về đạo đức.

          Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, là một trong nhiều người có nhiều công trình nghiên cứu về Bác đã viết: “Cái vĩ đại Hồ Chí Minh đừng đem thước ra đo những điều cụ viết được in thành sách, mặc dù điều viết ra không ít lại đặc sắc, mà còn phải tìm trong lối sống, phong cách ứng xử lời nói". Còn Ông Ziad Salem Ageel (người Tordani) khi tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của Người đã viết "Các công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thống nhất rằng: Đạo đức của Người là viên ngọc sáng trong chiếc vương niệm tư tưởng Hồ Chí Minh. Nó bao hàm những gì tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam và của thời đại, trong đó bao trùm lên là tư tưởng nhân văn, thể hiện ở mục tiêu giành độc lập, tự do cho dân tộc, công bằng và hạnh phúc cho nhân dân, hoà bình và hữu nghị cho các dân tộc".       

Chỉ đưa ra một vài trong số hàng ngàn, hàng triệu câu nói, nhận định tốt đẹp về Bác để khẳng định một điều, đạo đức cách mạng của người là giá trị vĩnh hằng, là di sản quý báu của toàn Đảng, toàn dân ta. Cuộc đời của Người là tấm gương sáng, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc. Người đã biến lý tưởng đó thành một niềm ham muốn tốt bậc, là làm sao ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Và cảm nhận thứ ba: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mà lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, không những phải tìm hiểu thế giới mà còn phải cải tạo thế giới. Nói đi đôi với làm là nguyên tắc đạo đức của Người. Người khuyên chúng ta:"Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành". (1) Và chính Người là tấm gương mẫu mực về điều đó.      

          Sau cách mạng tháng Tám-1945, nước ta lâm vào tình trạng đói rét. Đây là một trong ba thứ giặc mà chính quyền non trẻ của ta phải đối mặt. Trước một thực tế như vậy, ngoài biện pháp chủ yếu là phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm Bác Hồ đã đề xuất "Mỗi người, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa đem gạo đó (một tháng một bơ) để cứu dân nghèo(2). Bác là người khởi xướng và cũng là người đầu tiên thực hiện chủ trương này. Ai đã từng biết chuyện: Có ngày đúng vào bữa cơm mà theo "lịch" nhịn ăn thì Bác phải tiếp khách. Và hôm sau Bác cương quyết nhịn ăn bù như mọi người đều không khỏi bùi ngùi, cảm động. Khi kêu gọi toàn dân tăng gia sản xuất thì sau giờ làm việc Bác đã cùng anh em cuốc đất trồng rau, nuôi cá, chăm sóc cây trái trong vườn. Người kêu gọi toàn dân tập thể dục, bởi  "Dân cường thì nước thịnh". Và chính Người ngày nào cũng luyện tập thể dục, thể thao. Người khuyên cán bộ phải cần, kiệm, liêm chính thì Người là một mẫu mực về lối sống giản dị, thanh bạch. Người đã từ chối không ở ngôi nhà sang trọng thuộc toàn quyền Đông Dương mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ toàn quyền thời đó. Ai đã từng một lần có dịp vào thăm nơi ở và làm việc của Người sẽ hiểu và biết thêm nhiều điều về tính cần kiệm và lối sống giản dị của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì vô ích. Đó là một tật xấu"(3)  Bởi theo Người: "Mỗi đảng viên là một ngưòi thay mặt cho Đảng trước quần chúng để giải thích chính sách của Đảng và của chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước làm theo". Vì vậy: "... muốn cho quần chúng nghe lời mình làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải làm thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu.

Những ngày này, chúng ta đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày tổ chức UNESCO ra Nghị quyết số 24C/18.65 - khuyến nghị các nước thành viên tiến hành các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà Văn hóa kiệt xuất” nhằm “làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người”, đồng thời thông qua việc kỷ niệm này “trên phạm vị quốc tế, góp phần thực hiện các mục tiêu của UNESCO và đóng góp vào sự hiểu biết trên thế giới”; trong tâm khảm của mỗi người dân Việt, tưởng nhớ Người, tự hào về Người để rồi mỗi người trên cương vị của mình từ trong cuộc sống, công tác hàng ngày trước hết hãy làm tốt trách nhiệm và bổn phận công dân và sau đó là trách nhiệm đảng viên, đoàn viên, hội viên... cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu đưa Quảng Trị phát triển nhanh và bền vững; cùng cả nước quyết tâm để nuớc ta sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra. Đó là cách tốt nhất để  chúng ta thoả trọn vẹn ước nguỵen của Người " Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. "

                                                                                                                                           Trí Ánh

______________        

  1. Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB CTQG, H.2002, tập11, trang 136).
  2. Hồ Chí Minh, tuyển tập, tập 1 NXB ST, Hà Nội 1960 trang 220).
  3. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 11 NXB CTQG, H 2002  trang 136).

 

2146 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 768
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 768
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87003789