Học sinh dân tộc nội trú góp ý sửa Luật Giáo dục 

(Chinhphu.vn) – Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú mong muốn tăng cường nội dung bình đẳng giới vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Còn giáo viên mong muốn được tăng hệ số lương để yên tâm công tác và có sự chia sẻ nhất định từ xã hội.

 

Bộ GD&ĐT lấy ý kiến giáo viên, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục chính trị công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh đã chủ trì buổi Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Ông Bùi Văn Linh cho biết, Luật Giáo dục năm 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân. Theo đó, mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về bình đẳng giới trong hoạt động giáo dục, trong chương trình giáo dục, sách giáo khoa và phương pháp giáo dục trong khi vấn đề bình đẳng giới luôn được quan tâm bởi các tổ chức quốc tế và cũng như các quốc gia.

Theo đó, hướng chỉnh sửa bổ sung của Ban soạn thảo Luật Giáo dục là bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo bình đẳng giới tại một số Điều luật của Dự thảo như: Điều 7 về chương trình giáo dục, Điều 12 về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, Điều 30 về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa.

Góp ý về nội dung này, cô giáo Lê Thị Bằng Giang cho rằng tại Điều 12 về quyền và nghĩa vụ học tập của các em học sinh nên thay từ "nam nữ" bằng từ "giới tính", để nội hàm rộng hơn và tạo tính mở trong hội nhập với quốc tế.

Cô Giang cũng cho rằng vấn đề về giới cần được lồng ghép vào trong dạy học cụ thể. Chương trình sách giáo khoa Ngữ văn hiện tại có khoảng 2/3 các tác phẩm nói về nam giới, số ít ỏi còn lại chỉ nói về sự hi sinh đầy đau khổ của nữ giới. Vì vậy, cô đề nghị nên lựa chọn hình ảnh đảm bảo tính bình đẳng giới, nói nhiều về quyền được bảo vệ, chống xâm hại tình dục, công bằng trong mọi nghề nghiệp như nam giới.

Các em cần được chỉ dạy nhiều hơn, khéo léo đưa vào trong từng tiết học, không đơn thuần chỉ giáo dục trong môn Sinh học, môn GDCD… rất khô cứng như hiện nay.

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: VGP/Nhật Nam

Học sinh Nguyễn Thị Xuyến (lớp 12A3) cho rằng, dự thảo có ghi giáo dục đáp ứng mục tiêu bình đẳng giới (mục 2, điều 7) là chưa được rõ ràng. Đồng thời, cần có nhiều hơn các chương trình riêng dạy cho học sinh của 4 bậc học từ mầm non đến THPT về phòng tránh xâm hại, lên tiếng nói khi bị bắt nạt, quyền được bảo vệ và giáo dục giới tính thực tế hơn thay vì né tránh do e ngại hay coi nhẹ.

Học sinh Nguyễn Thị Xuyến cũng chia sẻ, trong nội quy của nhà trường quy định các bạn nam, nữ không được ngồi cùng nhau, không được gặp riêng sau giờ học vậy là hơi khắt khe, cần cho chúng em được vui chơi, hòa nhập để chia sẻ, thấu hiểu cùng bạn bè trang lứa hơn giúp cải thiện vấn đề bình đẳng giới hơn là chỉ đọc trong sách vở.

Học sinh Mai Phương Thảo, lớp 12A1 cho biết, vấn đề bình đẳng giới có thể bổ sung thêm vào khoản 1 và 2 điều 14 về giáo dục hòa nhập vì “bản thân chúng em thuộc dân tộc thiểu số nên bố mẹ không quan tâm tới chuyện giáo dục giới tính, đều phải tự tìm hiểu, đôi khi còn sai lệch. Chúng em rất cần các thầy, cô giáo quan tâm và có thể được đầu tư nhiều về tinh thần, vật chất giúp chúng em được phát triển toàn diện hơn về trí tuệ, hòa nhập như các bạn ở các trường bình thường khác".

Vừa là thầy cô, cũng vừa là cha mẹ

Về chính sách cho giáo viên trường dân tộc nội trú, cô giáo Phạm Thu Thủy cho rằng, trường nội trú, bán trú cần có quy định chung để thống nhất giữa các địa phương và cần nâng tỉ lệ số giáo viên, số quản sinh, nhân viên thư viện trong trường nội trú. Ở trường nội trú, giáo viên vừa là thầy cô, cũng vừa là cha mẹ. Hiện nay 100% giáo viên vừa đứng lớp vừa phải thay phiên trực quản lý học sinh ngoài giờ lên lớp từ 19 giờ tối ngày hôm trước đến 7 giờ sáng ngày hôm sau, chưa kể nhiều đêm gần như thức trắng khi có học sinh bị ốm đau… Thế nhưng cả ngày vẫn phải đảm bảo số giờ dạy trên lớp, đủ số tiết/tuần, nhiều giáo viên đi dạy xa nhà vài chục cây số, như vậy rất vất vả.

Thầy Hoàng Trung Đông cho rằng, trong cả dự thảo luật sửa đổi và thông tư hiện nay, chúng ta đang bỏ ngỏ vấn đề quản lý học sinh dân tộc nội trú, các trường phổ thông dân tộc nội trú đều chưa có nhân viên quản lý ngoài giờ học. Trong khi, nhiều vụ việc đánh nhau, bắt nạt bạn bè, bỏ trốn… lại xảy ra trong thời gian này. Theo thầy Đông, trong Thông tư 01/2016 của Bộ GD&ĐT quy định thầy cô giáo sẽ cùng tham gia vào công tác quản lý học sinh nội trú nhưng thực chất giáo viên đang trực tiếp quản lý thay vì hỗ trợ hay tham gia. Lý do các trường đang trong quá trình tinh giảm biên chế, không có người quản sinh chuyên biệt nên giáo viên cần được đãi ngộ tốt hơn nữa trong Luật và các văn bản dưới luật.

Ở trường nội trú, giáo viên vừa là thầy cô, cũng vừa là cha mẹ. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Theo cô Thủy, nếu chưa thể giải quyết được bài toán về nhân lực thì Luật Giáo dục (sửa đổi)  nên quy định tăng mức hưởng lương và phụ cấp đối với các trường nội trú, bán trú đặc thù. Hiện tại, hệ số lương của giáo viên đứng lớp là 2.4, giáo viên trường dân tộc nội trú mong muốn được nâng lên 2.6 hoặc 2.7 để đội ngũ giáo viên được yên tâm công tác và có sự chia sẻ nhất định từ xã hội.

Cảm ơn góp ý của giáo viên, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bùi Văn Linh ghi nhận và đánh giá rất cao các ý kiến góp ý thẳng thắn, đầy trách nhiệm. Ông Linh cho biết, trên toàn quốc có hơn 50 trường phổ thông dân tộc nội trú, một số ít tỉnh có 2 trường, các ý kiến sẽ được ghi nhận để Bộ GD&ĐT và Chính phủ có sự quan tâm ban hành những chính sách tốt hơn cho các trường dân tộc nội trú. Tất cả những ý kiến góp ý sẽ được gửi tới Ban soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi để xem xét trong quá trình xây dựng dự thảo luật này. Ý kiến của các giáo viên, học sinh sẽ giúp Bộ GD&ĐT hoàn thiện Luật Giáo dục (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 1/2019 sắp tới./.

Nhật Nam

351 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1492
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1492
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87168198