|
Ảnh minh họa |
Theo đó, tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân dân y trên cơ sở kết hợp nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dân y và quân y trên cùng địa bàn.
Theo Thông tư, có 4 hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân dân y và các tiêu chí thành lập tương ứng, cụ thể như sau: 1- Bệnh viện quân dân y: Chỉ áp dụng đối với các bệnh viện quân dân y đã được cấp có thẩm quyền thành lập trước ngày Nghị định 118/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 30/10/2018); 2- Bệnh xá quân dân y: Chỉ thành lập tại xã biên giới, huyện biên giới, xã đảo, huyện đảo, xã và huyện thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; 3- Trung tâm y tế quân dân y: Chỉ thành lập tại các huyện đảo và huyện biên giới; 4- Trạm y tế quân dân y: Chỉ thành lập tại xã biên giới, xã đảo và xã thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nơi không có các hình thức tổ chức trên.
Thông tư nêu rõ, cơ sở khám bệnh, chữa quân dân y có trách nhiệm tổ chức cấp cứu, vận chuyển, khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và bộ đội trên địa bàn trong phạm vi chuyên môn được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh cho nhân dân và bộ đội trên địa bàn; tổ chức lực lượng, sẵn sàng huy động toàn bộ hoặc một phần nguồn lực của đơn vị để tổ chức cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị bệnh nhân trong thiên tai, thảm họa và các tình huống có thương, vong hàng loạt.
Bên cạnh đó, tổ chức huấn luyện, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức về y học quân sự, y học thảm họa cho nhân viên y tế trên địa bàn; định kỳ hoặc đột xuất tổ chức khám bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng chính sách; tham gia thực hiện công tác dân vận và đối ngoại ở khu vực biên giới, hải đảo; tham gia thực hiện các chương trình y tế theo nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao; thực hiện công tác thống kê, báo cáo theo quy định; các nhiệm vụ khác do cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2020.
Tuệ Văn