Hình ảnh Quảng Trị rung động thế giới 

Hội nghị Truyền hình công thế giới (INPUT) ra đời từ năm 1977, là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa những người làm truyền hình công trên toàn thế giới.

BTV Lưu Hoài An (bên phải) và các đồng nghiệp. Ảnh: Lê Tuyển

 

Những câu chuyện thật

Trong 2 năm trở lại đây, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã có 2 bộ phim lọt vào danh sách được trình chiếu, đó là phim “Sống trong lòng đất” được trình chiếu tại Hy Lạp năm 2017; phim “Hành trình bất tận” trình chiếu tại Hoa Kỳ năm 2018; 2 bộ phim tài liệu này đều nằm trong Dự án VTV đặc biệt; điều “đặc biệt” hơn là 2 bộ phim nói trên đều được các đồng nghiệp VTV lấy chất liệu, bối cảnh, đề tài, nhân vật, câu chuyện tại Quảng Trị.

INPUT - 2018 diễn ra từ ngày 30/4 đến 4/5/2018 tại New York - Mỹ, vinh dự lớn là phim “Hành trình bất tận” được trình chiếu và cũng được chọn cho phiên thảo luận tại Hội nghị. Bộ phim đã để lại ấn tượng và nhận được nhiều phản hồi tích cực; đồng thời, phim đã xuất sắc lọt vào danh sách các phim tiêu biểu nhất của các Đài truyền hình công tại INPUT năm 2018.

Phim tài liệu “Hành trình bất tận” do các biên tập viên thuộc Ban Truyền hình Đối ngoại, VTV thực hiện, mang tới khán giả câu chuyện về hành trình tìm lại công lý của các nạn nhân da cam ở Việt Nam và Mỹ. Để thực hiện phim, ê-kíp sản xuất đã có một tháng tác nghiệp tại 5 bang ở bờ Đông nước Mỹ gồm: New York, thủ đô Washington, Texas, Wisconsin, Michigan.

Ở Việt Nam, ê-kíp làm phim đã tìm đến xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị để ghi hình. Toàn xã Cam Nghĩa có gần 400 người đang mang trên mình dị tật, dị dạng, trong đó có nhiều người nằm liệt giường nhiều năm, với thân xác da bọc xương.

Như trong phim đã tiếp cận và đề cập, nói đến nỗi đau da cam ở Cam Nghĩa, có lẽ gia đình ông Nguyễn Văn Lộc, bà Lê Thị Mít ở thôn Phương An là hứng chịu nặng nề nhất, với 3 người con bị phơi nhiễm đã đẩy họ và những đứa con tội nghiệp đến một sự đọa đày chưa từng có trên thế gian.

Trong phim, bà mẹ Lê Thị Mít đã than: “Họ sinh con mà tôi cũng sinh con, mà sao hoàn cảnh quá khó khăn, họ nuôi con đến tuổi trưởng thành là bắt đầu có người yêu rồi; còn tôi chôn chặt, muôn đời muôn kiếp không có chi hết”.

Cùng với than vãn của bà mẹ đã hết đời khổ tận vì con là hình ảnh nấm mồ, tấm bia khắc ghi tên tuổi đứa con trai ngoài nghĩa địa; cứ thế, trong làn khói hương nghi ngút đã làm nhói đau thêm cho mỗi phận đời, cả người đang sống và người đã khuất, của gia đình nạn nhân và của toàn xã hội.

Đánh giá về bộ phim, nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng ban Điều hành Dự án VTV đặc biệt cho biết, trong những ngày diễn ra hội nghị, các đồng nghiệp trên thế giới đánh giá rất cao bộ phim “Hành trình bất tận”. Họ nói chúng tôi muốn được xem nhiều hơn những hình ảnh của nhân vật ở Việt Nam.

Xem xong phim, chúng ta nhận ra những giọt nước mắt nhỏ xuống trên những tấm bia mộ ở 2 phương trời, cả ở Mỹ và Việt Nam, đó là sự đớn đau nghiệt ngã, “không nỗi đau nào riêng của ai”!

Có những nhà làm phim Mỹ đã xin lỗi nhân dân Việt Nam về những tội ác do phía Mỹ đã gây ra và đề nghị chiếu phim này trên Đài Truyền hình Mỹ PBS. Nhà báo Will Pedigo - Đài Truyền hình công Nashville, Hoa Kỳ cho hay: “Điều thú vị là trong phim, các bạn đã kể một phần câu chuyện của lịch sử nước Mỹ; có lẽ đó chính là sức mạnh khi người kể chuyện là một người nước ngoài đã gây một tác động vô cùng mạnh mẽ khi người ngoài nói về lịch sử của chúng tôi”. Trong phiên thảo luận, nhiều đồng nghiệp đều thổ lộ, đây là một bộ phim được sản xuất rất công phu và họ rất trân trọng những nhà làm phim Việt Nam còn rất trẻ đã mang tới đất nước này một bộ phim tuyệt vời như vậy...

Nỗi đau giằng xé

Năm 2017, bộ phim “Sống trong lòng đất” của Ban Thanh Thiếu niên sản xuất, là phim đầu tiên của VTV được vinh dự trình chiếu tại INPUT. “Sống trong lòng đất” tái hiện cuộc sống của quân và dân Vĩnh Linh, Quảng Trị, dưới hệ thống địa đạo Vịnh Mốc trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Sự tương phản giữa chiến tranh và hoà bình, quá khứ và hiện tại, thế hệ trẻ và thế hệ đi trước qua hình ảnh tư liệu, câu chuyện từ nhân chứng lịch sử và sự tham gia trải nghiệm của các bạn trẻ đã tạo nên sức cuốn hút cho bộ phim.

Nhà báo Trần Quang Minh, người chịu trách nhiệm sản xuất phim “Sống trong lòng đất” thổ lộ: “Tôi rất có duyên nợ với Quảng Trị, chưa bao giờ đến nơi này mà tôi không có cảm xúc đặc biệt; bộ phim ngoài hình thức thể hiện là truyền hình thực tế, phim còn áp dụng những thủ pháp truyền hình đa dạng như: tài liệu, giao lưu, scan 3D... khiến chuyến trải nghiệm của 3 bạn trẻ trong lòng địa đạo trở nên sống động và giá trị hơn”.

Bộ phim đã chuyển tải những bài học về lịch sử, giúp khán giả ngày nay hiểu rõ hơn sự khốc liệt của chiến tranh, ở nơi phải oằn mình gánh nhiều bom đạn nhất, họ buộc phải “xuống đất” để “tồn tại”; hiểu rõ thêm về một vùng đất lịch sử chất chứa bao điều về nỗi khổ đau, sức chịu đựng, lòng kiên trung, dũng cảm của đất và người nơi đây. Tại Hội nghị UNPUT năm 2018 vừa tổ chức tại nước Mỹ, nữ nhà báo Henri công tác tại Đài Truyền hình Nam Phi thổ lộ với nhà báo Tạ Bích Loan rằng được xem phim “Sống trong lòng đất”, sau 1 năm vẫn nhớ ấn tượng về địa đạo Vịnh Mốc, chị nói không bao giờ tưởng tượng có nơi nào như vậy trên thế giới...

Những qua bom rơi xuống xã Vĩnh Mốc, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ảnh: Sean Kimmons

Lần đầu tiên 2 bộ phim nằm trong Dự án VTV đặc biệt, được chọn và trình chiếu tại INPUT vào 2 năm liên tiếp, là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của ê- kíp sản xuất VTV đặc biệt, là niềm tự hào của nền truyền hình Việt Nam.

Cũng nằm trong Dự án VTV đặc biệt, năm 2017 đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm đã thực hiện phim tài liệu: “Sống và kể lại”, với thời lượng 50 phút. Bộ phim mang tới cho khán giả câu chuyện về 81 ngày đêm chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, tái hiện phần nào câu chuyện ký ức trong thời bình của những người lính từ hai chiến tuyến; họ kể vì một Việt Nam không giới tuyến. Phim đoạt giải Bông sen Vàng, giải Đạo diễn xuất sắc năm 2017.

Vậy là cơ duyên, khi mỗi hình ảnh, câu chuyện, nhân vật được ghi tại Quảng Trị, cũng đã phần nào minh chứng Quảng Trị là “phim trường” sống động cho những thước phim tài liệu, là đề tài đắt giá trong quá khứ chưa xa, ngày hôm nay để mỗi chúng ta tìm tòi, trăn trở và sáng tạo, gửi đến công chúng gần xa những hình ảnh làm rung động lòng người./.

Trần Đăng Mậu

848 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1169
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1169
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77285758