Hiếu sắn và điều kỳ diệu ở Lìa 

Những nông dân người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở 2 huyện rẻo cao Đakrông và Hướng Hóa miền Tây Quảng Trị thành những thành viên trong Câu lạc bộ trăm triệu nhờ trồng sắn? Giữa chốn khỉ ho cò gáy này mà cứ sáng sáng các lão nông tộc ít người miền biên ải nhịp nhịp rung đùi cà phê a lô bạn hàng tận Mã Lai, In đô... rỉ rả chuyện đầu vào đầu ra sản phẩm...

Các thành viên “Câu lạc bộ trăm triệu” hướng dẫn cho các đại biểu nông dân Đông Timor cách cuốc đất trồng sắn

Các thành viên “Câu lạc bộ trăm triệu” hướng dẫn cho các đại biểu nông dân Đông Timor cách cuốc đất trồng sắn

Người khai màn cho những câu chuyện thú vị gắn kết hữu cơ nông dân-doanh nghiệp như bức tranh dệt đẹp giữa núi rừng ấy là vị Tổng Giám đốc Tổng Cty Thương mại Quảng Trị (SEPON GROUP), Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị cầm tinh con Cọp (1974) Hồ Xuân Hiếu.

Hôm đó, kỹ sư Hiếu (phải chính xác gọi như vậy bởi Hiếu xuất lò từ chế tạo ôtô Đại học Bách khoa Đà Nẵng) dẫn tôi ngược Đường 9 lên vùng Lìa biên thùy giữa lúc này nóng đến nổ mắt tre của gió Lào, mới hay một thời Hiếu là Giám đốc Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa thuộc SEPON GROUP. 

 Hiếu lên Lìa như người thân về nhà mình vậy. Từ Ngã ba Tân Long tuốt vô 20 cây số dọc bản làng các xã A Xing, A Túc, Ba Nang, Thanh, Thuận… nghe “Hiếu sắn” lên là tíu tít nhào tới hỏi han, líu lo đủ thứ chuyện.

Sau này tôi mới tường, duyên do của những mặn mà nồng ấm đó bởi Hiếu và những cộng sự ở SEPON GROUP là ân nhân, là người thầy bày cho họ làm ăn, từ nghèo đến đủ ăn rồi lên giàu có của ăn của để.

Nhà cửa tươm tất, con cái ăn no mặc đẹp học hành chăm ngoan, rồi cả chặng đường nhựa phẳng lỳ tuốt mấy mươi cây số bao bọc vùng Lìa 7 xã này nữa, đêm đêm có ánh điện đường rực sáng chốn núi rừng mà y giữa phố xá miền xuôi vậy. Tất cả cùng nhờ từ cây sắn, dưới bàn tay “phù thủy” ấm áp tình người của “Hiếu sắn” và SEPON GROUP.

Phải nói ở vùng Lìa Hướng Hóa lẫn bên Đkrông cũng vậy, điều kiện thổ nhưỡng chỉ có cây sắn mới… chơi được. Cây sắn không những cứu đói mà giúp dân làm giàu.

Bao nhiêu dự án bạc tỷ của tỉnh Quảng Trị đổ vô xứ này với những tên gọi mỹ miều “hồ tiêu cứu cánh vùng Lìa”, “xoài cao sản ngọn đuốc giữa rừng sâu”, “cao su vàng trắng của miền Tây”, “mía đường ngọt mát bản làng”… đều mau chóng xẹp xì như bong bóng, không những Nhà nước mất tiền mà lắm dân xứ này đổ nợ vay ngân hàng tiền làm ăn.

Câu lạc bộ sắn trăm triệu đồng
 Ở 2 huyện rẻo cao Hướng Hóa và Đakrông có gần 30.000 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô tham gia trồng sắn, với tổng diện tích ngót 10.000 ha. Hồ Xuân Hiếu bảo, nói đến 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển nông nghiệp thì Quảng Trị có lẽ chỉ được thụ hưởng trọn vẹn vế thứ ba. 
 Nói đến mảnh đất Quảng Trị là nói đến sự khắc nghiệt của thiên nhiên cùng với sự cằn cỗi của đất đai canh tác. Do bà con nông dân vùng Lìa hiểu rất rõ về khả năng sinh trưởng của cây sắn nên khi được tiếp cận, bà con nhận thức được rằng, đây chính là loại cây kinh tế mũi nhọn phù hợp để phát triển.
Song do tập quán canh tác còn lạc hậu, mang tính tự phát nên thời gian đầu, cây sắn cũng chỉ mang đến cho nhà nông nơi đây “của ăn” chứ chưa thể tính đến chuyện “của để”. Cây sắn trồng trên đất đai cằn cỗi, không được cải tạo nên củ sắn nhỏ, năng suất thấp.
Vấn đề đặt ra ở đây là tính bền vững của loại cây nông sản rất có ưu thế này và sự cần thiết là tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nông và nhà máy với nhau. Trước yêu cầu đó, Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa ra đời.

Gia đình anh Hồ Văn Pờng, 39 tuổi, người Vân Kiều ở bản 10, xã Thanh (Hướng Hóa) vụ này mới thu hoạch được ba trên tổng diện tích 6 ha sắn, bán được gần 150 triệu đồng. Ngồi đếm tiền bán sắn, anh Pờng rất vui vì đây là lần đầu tiên thu được số tiền lớn đến vậy. Từ nay đến cuối vụ còn khoảng một tháng nữa, khi thu hoạch hết số sắn còn lại, gia đình anh sẽ thu nhập tổng cộng 300 triệu đồng.

Anh Pờng khoe đã 7 năm liên tục được SEPON GROUP kết nạp vào “Câu lạc bộ có thu nhập 100 triệu đồng”. Nhờ thu nhập cao từ việc trồng sắn, Pờng có tiền xây ngôi nhà to, đẹp, ngoài ra còn tiết kiệm được một khoản tiền gửi ngân hàng để lo chuyện học hành cho các con.

Cùng ở bản Xa Doan, gia đình anh Hồ Văn Hêng, 45 tuổi, vụ này trồng được 3 ha sắn. Với năng suất gần 25 tấn/ha, anh Hêng thu hoạch bán được 150 triệu đồng, một kết quả có thể nói là ngoài mong đợi. Nhờ có tiền từ trồng sắn, gia đình anh sắm được nhiều vật dụng giá trị phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, có tiền cho con đi học. Bốn năm nay, anh Hêng liên tục vinh dự có tên trong “Câu lạc bộ có thu nhập một trăm triệu đồng”.

Anh Hiêng kể, nhiều năm nay SEPON GROUP liên kết với nông dân trồng sắn rồi bao tiêu sản phẩm, chứ không lấy đất của dân. Sau 7 năm tham gia trồng sắn, phát triển kinh tế, đến nay đã có 73 nông dân người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô có thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm được SEPON GROUP kết nạp vào “Câu lạc bộ có thu nhập một trăm triệu đồng”.

Hộ thu nhập cao nhất từ trồng sắn được gần bốn trăm triệu đồng/năm, số hộ thu nhập khoảng một trăm triệu đồng /năm đếm không hết. “Hằng năm, những thành viên của Câu lạc bộ có thu nhập một trăm triệu đồng được Tổng Công ty thưởng cho một chuyến đi du lịch các nước trong khu vực để học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng sắn”, anh Hiêng nói.

4.0 vùng biên ải
Tổng Giám đốc Hồ Xuân Hiếu dẫn tôi vào ngôi nhà sàn đẹp “hết ý” khi chủ nhà Pả Dỏ, 60 tuổi, người Vân Kiều đang mở smartphone bấm tạch tạch bằng hai ngón tay trông rất rất sành điệu.
Pả Dỏ cười: “Chỉ cần ấn vô chỗ này này, là tui có thể nối mạng với nhà máy sắn, gửi cho họ một thông báo là ngày nào thu hoạch, yêu cầu họ  điều xe đến chở, lập tức được đáp ứng ngay, khỏi phải chạy xe máy mấy mươi cây số ngồi chầu chực đăng ký ở nhà máy”.
Hiếu sắn và điều kỳ diệu ở Lìa - ảnh 1
Cơ khí đã thay sức người trong việc trồng sắn
Pả Dỏ bảo, ấn vô chỗ ni tức là vào trang web của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa. Ngồi bất cứ chỗ nào ở vùng biên giới này cũng có thể bấm nút tạch tạch trên smartphone để đạt được điều mình cần.
Bà con Vân Kiều ở đây, điều cần nhất với họ lúc này là làm sao bán sắn nhanh nhất và được giá cao nhất có thể. Mà muốn bán nhanh sắn, lại khỏi mất công lặn lội đường xa, cách tốt nhất là vào trang web của nhà máy để gửi yêu cầu.

Hai ngôi nhà sàn khang trang của Pả Dỏ vừa mới xây dựng là thành quả từ cây sắn. Ông là một trong hàng trăm thành viên, chủ yếu là bà con Vân Kiều gia nhập “Câu lạc bộ trăm triệu” của Nhà máy Tinh bột sắn Hướng Hóa.

Từ một người được người khác “cầm tay chỉ việc”, ông Dỏ và hàng chục nông dân khác bây giờ đổi ngôi thành người “cầm tay chỉ việc” cho người khác. Đó là những nông dân Đông Timor sang Hướng Hóa “học tập kinh nghiệm trồng sắn” được anh em trong Câu lạc bộ trăm triệu chỉ vẽ cho họ từng động tác, trông rất chuyên nghiệp!

Bây giờ, mọi thứ đi vào quy củ, thoạt nghe có vẻ dễ dàng nhưng những ngày đầu tiên đi vận động người dân trồng sắn theo phương pháp mới, quả là gian nan.

Giám đốc Hiếu kể, biết đồng bào thích xem phim “hành động”, bọn tôi thuê máy móc, băng đĩa đáp ứng ngay, song bao giờ cũng kèm theo một clip... trồng sắn thủ sẵn bên cạnh. Đến đoạn cao trào, tay kỹ thuật “cắt” phim để chen cái clip hướng dẫn trồng sắn kèm với những lợi ích khi trồng loại cây này vào. Lúc đầu bà con cũng “hẫng” lắm nhưng rồi cái clip sắn ấy nó cứ thấm dần, trở thành “người hướng dẫn” cho đồng bào. 

“Việc nhà máy thiết lập trang web cùng hệ điều hành rất khoa học đã giúp cho người trồng sắn quá thuận tiện. Người dân trồng sắn có thể họ không hiểu 4.0 là gì, song họ là những người đang thực hiện cuộc cách mạng đó. Những người lãnh đạo trẻ tuổi ở SEPON GROUP đã giúp dân thực hiện điều ấy. Tôi xem đó như một bước đột phá căn cơ để thay đổi cuộc sống của chính họ”.  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị HÀ SĨ ĐỒNG

 

HỮU THÀNH

615 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1046
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1046
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87148046