Hiệu quả và sức lan toả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở Hướng Hoá 

Những năm qua, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ở huyện Hướng Hoá ngày càng đi vào chiều sâu. Hiệu quả và sức lan tỏa của phong trào đã góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy.

Xác định phong trào TDĐKXDĐSVH có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, vì thế, trong những năm qua, phong trào “Toàn dân toàn đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện quan tâm và nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Theo đó Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện và cơ sở đã xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo, triển khai thực hiện, tổ chức tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở đã phát động nhiều phong trào thi đua, phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa; thôn, bản, khối văn hóa; vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng thiết chế văn hóa và chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quê hương. Nhờ vậy, đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong toàn xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện đã thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc huyện Hướng Hóa. Giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã được xây dựng và tạo lập trong đức tính của mọi người, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội của đồng bào các dân tộc trong huyện được khơi dậy và phát huy, bản sắc văn hóa dân tộc được lưu giữ và phát triển, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, dân chủ được mở rộng, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; lối sống mới, sống đẹp được hình thành, thiết chế văn hóa được tăng cường.

  Từ khi phát động Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đến nay, mục tiêu xây dựng gia đình văn hoá được xác định có vị trí hết sức quan trọng vì gia đình là tế bào của xã hội. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã được sự hỗ trợ đắc lực của các phong trào quần chúng như: “Ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, xoá đói giảm nghèo”; “Gia đình nông dân 6 chuẩn mực”; “Phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”...

 Gia đình văn hoá đã trở thành niềm vinh dự, tự hào của từng thành viên trong gia đình và đặc biệt quan trọng là đã tác động tích cực tới đạo đức, lối sống của các thành viên, góp phần xây dựng môi trường văn hoá làng, xã, cơ quan, công sở. Bám sát 3 tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hoá, các thành viên trong gia đình gương mẫu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào của địa phương; gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; tổ chức lao động sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác đạt năng suất, chất lượng hiệu quả. Tính đến nay toàn huyện có 20.058/20.487 hộ gia đình đăng ký gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 97,9%; có 17.587 gia đình được công nhận gia đình văn hóa (tỷ lệ 85,8%). Phong trào xây dựng làng không có người sinh con thứ 3 trở lên ngày càng phổ biến rộng khắp.

Xác định mối quan hệ biện chứng giữa gia đình và xã hội, kết quả xây dựng gia đình văn hoá đã tạo tiền đề vững chắc để xây làng, bản, cơ quan, đơn vị văn hoá. Đây là phong trào mang tính xã hội hoá cao, phù hợp với ý Đảng, lòng dân. Xây dựng làng văn hoá đã trở thành phong trào thi đua của mỗi khối, mỗi làng bản, mỗi xã, thị trấn trong toàn huyện. Do vậy, số lượng làng, xã đạt danh hiệu làng văn hoá được tăng thêm qua từng năm. Tính đến nay toàn huyện đã tổ chức phát động xây dựng được 194/194 làng, đạt tỷ lệ 100%; đã công nhận 187/194 làng văn hóa lần đầu (tỷ lệ 96,3%); 06 làng (khối) được công nhận danh hiệu làng văn hóa lần 2; 21 làng được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận làng văn hóa xuất sắc.Về xây dựng đơn vị văn hoá toàn huyện có 119/120 đơn vị đã phát động, đạt tỷ lệ 99,1%, công nhận lần đầu 114 đơn vị (tỷ lệ 96,6%), công nhận lại 12 đơn vị (tỷ lệ 10%); 10 đơn vị được công nhận Đơn vị văn hóa xuất sắc (tỷ lệ 8,3%). Đặc biệt là phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn văn minh đô thị đã được tổ chức rộng rãi. Đến nay toàn huyện có 07 xã phát động xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” và 03 xã được công nhận; 02 thị trấn phát động xây dựng “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” và được công nhận đạt tỷ lệ 100%. Việc hoàn thiện thiết chế văn hóa ở địa phương, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa được các tổ chức, cá nhân ủng hộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đến nay toàn huyện có 142 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó có 58 nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn cơ bản về diện tích sử dụng đất; có 46 cổng chào thôn, bản, làng, khối; 150 pa nô, áp phích, băng rôn, cụm bảng tin; 178 sân bóng đá, bóng chuyển (chủ yếu các sân chơi thể thao do nhân dân các thôn, bản tự làm để phục vụ nhu cầu thể thao của bà con); 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có tủ sách. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng thường xuyên được coi trọng, đặc biệt là bảo tồn và phát huy văn nghệ dân gian của hai dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Các phong trào, các thiết chế văn hóa thực sự đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cán bộ và nhân dân trên toàn huyện, các tệ nạn xã hội được ngăn chặn, khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho mỗi cá nhân, gia đình và cả cộng đồng xã hội.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã đem lại hiệu quả thiết thực, tăng cường đoàn kết, phát huy nội lực và tinh thần tự quản của nhân dân để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh... tạo tiền đề quan trọng cho việc đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Quân Chính, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

trao cờ công nhận đơn vị văn hoá xuất sắc giai đoạn 2013-2017 cho khối 3b

Những kết quả đạt được từ phong trào TDĐKXDĐSVH không chỉ đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự gắn kết giữa các gia đình, dòng tộc... tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Để phong trào TDĐKXDĐSVH được triển khai rộng khắp và có hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, huyện Hướng Hoá sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào, làm cho văn hóa thấm sâu vào từng gia đình, từng người, nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động và sinh hoạt của nhân dân, cùng chung tay, góp sức xây dựng Hướng Hoá sớm trở thành huyện miền núi kiểu mẫu như lời căn dặn của đồng chí Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Nguyễn Đình Phục

 

 

1404 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 542
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 542
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88309381