Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”; trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Đakrông đã quan tâm, vào cuộc rất tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách, ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời, ban hành kế hoạch triển khai cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác với nhiều hình thức phong phú; hàng năm huyện đã bố trí một phần ngân sách chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Chính quyền địa phương triển khai rà soát đối tượng vay vốn, chỉ đạo bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, công tác kiểm tra, giám sát được coi trọng và thực hiện nghiêm túc, việc đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, đặc biệt là nợ quá hạn được chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm chỉ đạo và đôn đốc quyết liệt. Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên tích cực vào cuộc, phối hợp cùng NHCSXH huyện và chỉ đạo các Hội đoàn thể cơ sở triển khai hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
Khen thưởng các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tín dụng chính sách xã hội
Với mạng lưới hoạt động rộng khắp phủ kín tất cả 100% thôn, khóm trên địa bàn huyện, thông qua ủy nhiệm công việc cho 170 Tổ tiết kiệm vay vốn, ủy thác cho 04 tổ chức Chính trị - Xã hội từ cấp huyện đến cơ sở đã quản lý nguồn vốn một cách chặt chẽ và đạt hiệu quả cao, đồng thời duy trì phục vụ giao dịch định kỳ tại 13 điểm giao dịch xã, thị trấn. Hiện nay có 14 chương trình tín dụng chính sách được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện. Nguồn vốn tín dụng chính sách luôn được tập trung ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và xã xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian qua trên toàn huyện Đakrông có gần 13 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tại NHCSXH huyện với số tiền hơn 416 tỷ đồng, trong đó tập trung là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số nghèo được vay vốn hơn 5.700 lượt hộ/số tiền vay hơn 172 tỷ đồng. Nguồn vốn đã góp phần giúp hơn 1.800 lượt hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo. Có 105 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Ngoài ra, có 176 hộ gia đình được vay vốn các chương trình nhà ở, có 3.650 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được vay vốn để xây dựng. Nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi trên địa bàn huyện tăng trưởng cao. Đến nay, tổng dư nợ đạt trên 300 tỷ đồng, tăng 187 tỷ đồng (+108%) so với năm 2014; phủ kín 100% thôn, khóm với 170 tổ Tiết kiệm và vay vốn; hơn 6.300 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ, chiếm 60% tổng số hộ dân cư trên địa bàn huyện, dư nợ bình quân đạt 48 triệu đồng/hộ vay (tăng 25 triệu đồng so với năm 2014). Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội luôn đáp ứng kịp thời cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của Nhân dân trên địa bàn huyện, chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,54% (năm 2014) xuống còn 0,08%/tổng dư nợ, giảm -0,46%, hiện có 11/13 xã, thị trấn không có nợ quá hạn, có 160/170 Tổ tiết kiệm không có nợ quá hạn. Người dân và các hộ vay vốn hiểu hơn về tín dụng chính sách xã hội, có ý thức, trách nhiệm hơn đối với khoản vay của mình và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi vay vốn; sử dụng vốn đúng mục đích, có thói quen dành dụm gửi tiền tiết kiệm để trả nợ. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo; nhiều mô hình kinh tế được xây dựng và đem lại hiệu quả (Lúa nếp than, nếp cẩm ở xã Ba Nang, A Bung, Húc Nghì, Tà Long; chuối lùn ở các xã A Vao, A Ngo, Tà Rụt; dưa hấu ở thôn Phú Thành - xã Mò Ó; rượu men lá Ba Nang; rượu cần Nhất Hùng xã Hướng Hiệp; lạc vùng chiến khu Ba Lòng; nuôi hươu lấy nhung ở xã Triệu Nguyên và các mô hình nuôi lợn Vân Pa, lợn bản, gà bản, bò, dê, cá, trồng rừng, trồng dứa…); nhiều học sinh, sinh viên có cơ hội học tập tốt hơn; hoạt động tín dụng đen được hạn chế...
Hộ gia đình anh Hồ Văn Nhơn ở xã A Bung, huyện Đakrông thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Từ những kết quả đạt được nói trên có thể khẳng định rằng tín dụng chính sách xã hội đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân trên địa bàn huyện nhà và ngày càng đi vào cuộc sống, là một trong những “đòn bẩy” kinh tế góp phần phát huy sức mạnh cả hệ thống chính trị - xã hội để thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Ngô Minh Phước-Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đakrông