HIỆU QUẢ TỪ VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH 

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Trị có diện tích tự nhiên 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh. Sau khi sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã, toàn vùng có 44 xã, thị trấn, trong đó có 38 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chủ yếu là dân tộc Vân Kiều và Pa Cô). Dân số miền núi (44 xã) tính đến thời điểm 01/01/2020 là: 43.667 hộ, 182.124 khẩu; trong đó số hộ đồng bào dân tộc thiểu số: 19.263 hộ, 87.218 khẩu; Số hộ nghèo toàn vùng có 9.151 hộ, chiếm tỷ lệ 20,96%; Số hộ cận nghèo: 4.040 hộ, chiếm tỷ lệ 9,25%; Số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số: 8.469 hộ, chiếm tỷ lệ: 43,97%1. Đại đa số các dân tộc thiểu số ở Quảng Trị đều cư trú ở miền núi, biên giới giáp với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đây là địa bàn có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng.

Thời gian qua, Quảng Trị đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số như: Chương trình 135 - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư theo Quyết định 33/TTg, ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/TTg, ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Quyết định 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Dự án xây dựng Hệ thống thông tin dữ liệu về công tác dân tộc; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg, 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng dân tộc thiểu số...

Nhờ thực hiện những chương trình, chính sách đó đời sống của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được tăng cường, đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc trong tình hình mới được nâng lên. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng về công tác dân tộc có nhiều chuyển biến; nhiều chủ trương, chính sách được ban hành và triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực. Các chương trình, dự án, kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư thực hiện đồng bộ, có trọng điểm; hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, nước và các công trình phúc lợi như: trường học, trạm y tế, bưu điện, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng... được xây dựng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Sản xuất nông, lâm nghiệp có nhiều tiến bộ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; mô hình VAC, VACR được áp dụng khá phổ biến, nhiều mô hình kinh tế trang trại ra đời; khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi được nâng lên; truyền thống đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau được gìn giữ, phát huy; thực hiện tốt hương ước, quy ước ở các khu dân cư; xóa bỏ dần những tập tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được xây dựng, củng cố; dân chủ được phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, công tác an sinh xã hội có nhiều khởi sắc.

 Về y tế: Chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, qua đó đã cải thiện được khả năng tiếp cận bảo hiểm y tế của người dân, đặc biệt là người thuộc hộ nghèo; Tỷ lệ hộ thiếu hụt khả năng tiếp cận dịch vụ y tế  giảm từ 5,46% (2016) xuống 2,78%; tỷ lệ hộ thiếu hụt và bảo hiểm y tế giảm từ 29,42% xuống 23,19%. Về giáo dục: trình độ giáo dục của người lớn, cũng như tình trạng đi học của trẻ em đã được cải thiện. Thiếu hụt về tình trạng giáo dục của người lớn đã giảm từ 26,01% xuống 25,63%; Tình trạng đi học của trẻ em giảm từ 7,98% xuống 5,66%. Về nhà ở: Chất lượng về nhà ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến khá. Năm 2016, thiếu hụt về chất lượng nhà ở của toàn tỉnh là 41,80%, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 60,17%, đầu năm 2018 tỷ lệ thiếu hụt về chất lượng nhà ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 39,75%, giảm đến 20,42%, toàn tỉnh giảm 0,57%2.

Mặc dù kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng vẫn là vùng khó khăn nhất của cả tỉnh. Cơ sở hạ tầng nhiều nơi xuống cấp, đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp. Tình trạng tảo hôn, buôn bán, sử dụng chất ma túy trái phép trong độ tuổi thanh thiếu niên dân tộc thiểu số diễn ra ngày càng nhiều. Cơ cấu kinh tế tuy đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ phát triển kinh tế có chuyển biến nhưng chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn cao hơn so với tỷ lệ chung của tỉnh. Sau sáp nhập, toàn vùng còn 26 xã và  9 thôn bản đặc biệt khó khăn, một số xã có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như Vĩnh Ô (57%), Thanh (55,24%), Ba Tầng (55,13)3... đặc biệt là việc tái nghèo vẫn còn diễn ra, mặt bằng đời sống, khoảng cách giàu nghèo chênh lệch giữa các vùng còn lớn. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa được giải quyết kịp thời; tình hình vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra ở một số nơi, nhất là tình trạng phá rừng làm nương rẫy; đào tạo nghề nông thôn chưa thực sự mang lại hiệu quả tạo sinh kế bền vững giúp đồng bào thoát nghèo; tình trạng buôn bán, sử dụng chất ma túy trái phép đã và đang len lõi đến các bản làng, tạo tâm lý bất an cho nhân dân trong vùng.

Để tiếp tục thực hiện tốt các chính sách dân tộc nhằm giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số phát triển bền vững cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường phát triển sản xuất, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới cần tập trung vào những vấn đề cấp bách, trước mắt như: thực hiện các chương trình, đề án xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, giải quyết cơ bản vấn đề vốn, đất ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất cho đồng bào thiếu đất, nhà ở, nước sinh hoạt. Hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ các chính sách của Nhà nước cần có sự lồng ghép các nguồn vốn khác để các dân tộc phát triển nhanh và bền vững.

Thứ hai, đối với lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế. Thực hiện tốt việc sưu tầm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Xây dựng các thiết chế văn hoá mới, lành mạnh, quan tâm đến nhu cầu hưởng thụ văn hoá và xây dựng, khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hoá ở cơ sở. Quan tâm đến các chính sách phát triển nguồn nhân lực đối với hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hoá. Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, củng cố vững chắc chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học; nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đào tạo, nhất là hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc.

Thứ ba, tăng cường quốc phòng, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Phải kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác an ninh ở cơ sở; bố trí thích hợp các đơn vị làm kinh tế kết hợp với quốc phòng, quan tâm bà con ở vùng biên giới để họ có điều kiện sản xuất vừa kết hợp tham gia bảo vệ biên giới. Tăng cường hợp tác một cách toàn diện với hai tỉnh Savannakhet và Salavan nước CHDCND Lào, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị và phát triển.

Thứ tư, nâng cao chất lượng hoạt  động của bộ máy và cán bộ làm công tác dân tộc. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tích cực xây dựng cốt cán, thực lực chính trị trong quần chúng nhân dân; đề cao vai trò, trách nhiệm của những người có uy tín trong cộng động, trong đó có vai trò của già làng, trưởng bản.

Có thể nói, trong những năm qua, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các chính sách dân tộc đến với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhưng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chính sách dân tộc được triển khai ngày càng phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện và nâng cao. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đoàn kết gìn giữ an ninh trật tự, bảo vệ đường biên mốc giới và chung tay xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thứ năm, thực hiện tốt các chương trình, chính sách giai đoạn 2021-2025 như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025; Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số;  Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”.... Lê Thị Thanh Nhạn - Trường Chính trị Lê Duẩn

Trích dẫn

[1,3] Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị (2020), Báo cáo tổng kết Tình hình công tác dân tộc giai đoạn 2015-2020

[2] Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị (2020), Kế hoạch  phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị.

904 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 752
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 752
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76767241