Mô  hình "trên gấc, dưới gừng" được nhân rộng ở Lương Sơn, Hòa Bình. (Ảnh: HNV)

Cụ thể, Hội đã ký hợp đồng tiêu thụ với 01 công ty mua sữa bò tươi, 01 công ty mua gấc, 03 công ty mua sản phẩm hữu cơ (Vinagap, công ty Tâm Đạt, Công ty Tràng An)... Các công ty này đã phối hợp lập kế hoạch sản xuất theo sở thích “người dùng”, hỗ trợ hướng dân kỹ thuật cho nông dân, sau đó tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Thông qua các hợp đồng này, nông dân tiêu thụ sản phẩm được ổn định, có lãi, các công ty có nguyên liệu để hoạt động.

Được tỉnh Hòa Bình quy hoạch 1458ha trồng rau an toàn, hiện nay, tổng diện tích trồng rau các loại của Lương Sơn đạt khoảng 800 ha, phân bổ 20 xã, thị trấn, sản phẩm khoảng 30 loại, năng suất bình quân 180 -200 tạ/ha. Trước đó, từ năm 2008, được sự hỗ trợ của tổ chức ADDA, Trường Cao đẳng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Bộ, Hội Nông dân huyện đã triển khai dự án sản xuất rau hữu cơ tại 6 cơ sở (xã, thị trấn). Tháng 3/2009, thành lập liên nhóm hữu cơ có 17 nhóm 121 thành viên, diện tích 1,2 ha, năng suất đạt 1,6 tấn, chưa có thị trường tiêu thụ.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phùng Thị Lan, hàng năm, Hội đã tích cực mở hàng trăm lớp chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), hàng chục lớp dạy nghề giải quyết việc làm mới trên 2 nghìn lao động/năm; sau các học Hội thành lập các mô hình tập thể, nổi bật về sản phẩm hữu cơ (rau, gà), bưởi diễn, nhãn, cam quý, chuối, ổi, hoa, gà thả vườn ứng dụng sinh học, vịt bầu bến, lợn bản địa, bò sinh sản và bò sữa... Song song, Hội còn duy trì và phát triển sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ 22ha, có 02 hộ nuôi gà hữu cơ; 02 tổ hợp tác nuôi bò sữa, 02 tổ nuôi trâu sinh sản, 01 tổ nuôi bò sinh sản, 51 trang trại chăn nuôi, trồng trọt, trồng cam 137,2 ha, bưởi 323,2 ha, mía tím 100,9ha, gấc trên 60ha, xạ đen gần 47ha.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng phong trào, Hội Nông dân huyện đã chú trọng công tác chuyển giao khoa học - công nghệ và xây dựng mô hình điểm có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hội có 154 mô hình, lồng ghép tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ và mô hình dân vận khéo, đem lại hiệu quả kinh tế có thu nhập từ trên 50 triệu đồng/ha/năm lên tới trên 200 triệu và 500 triệu đồng/ha/năm, nông dân phấn khởi đầu tư cho sản xuất kinh doanh, từ đó giúp cho các cấp hội khẳng định được vai trò vị trí của Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế xã hội của địa phương và là những bài học, mô hình thực tế giúp nông dân học tập và làm theo.

Lương Sơn còn có thế mạnh về rau hữu cơ. (Ảnh: P.V)

Cũng theo bà Lan, bên cạnh những kết quả tích cực, đáng khích lệ, vẫn còn một số tồn tại, đó là: việc nhân rộng các mô hình điểm còn hạn chế do kinh phí hỗ trợ của Nhà nước không có; tỉnh, huyện chưa quy được vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa nông sản; mặt khác kinh nghiệm, kiến thức, sự cộng tác về chỉ đạo xây dựng mô hình kinh tế tập thể thiếu tính chặt chẽ trong quản lý từ chuỗi sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phần lớn phụ thuộc vào thị trường tự do, dẫn đến khó trong nhân rộng và ổn định của mô hình.

Hơn nữa, mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Cán bộ Hội cơ sở phần lớn thiếu kinh nghiệm trong tham mưu, chủ động để hướng dẫn thử nghiệm áp dụng xây dựng đa dạng mô hình vào sản xuất.

Việc tăng cường liên kết, ứng dụng khoa học, đặc biệt chủ động kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân của Hội Nông dân huyện đã góp phần đưa nông nghiệp trên địa bàn Lương Sơn ngày càng phát triển, đẩy mạnh chuyển biến cơ cấu kinh tể nông thôn, cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, có hộ nông dân đã thu nhập hàng tỷ đồng/ha/năm, sản phẩm được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận như nhãn hiệu rau củ quả hữu cơ; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tiêu biểu năm 2014, 2015; được Tổng Nông hội Nông nghiệp Việt Nam bình chọn TOP 100 thương hiệu vàng năm 2016…

Kinh nghiệm cho thấy, công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ cũng như tiến bộ kỹ thuật phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, tuỳ theo đặc điểm từng vùng, từng sở thích nông dân để lựa chọn các tiến bộ khoa học, kỹ thuật phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, tập quán canh tác, đảm bảo cho sự thành công của mô hình được chuyển giao, đồng thời cần lựa chọn những hộ, thôn/xóm có điều kiện tiếp nhận và tổ chức thực hiện theo yêu cầu tiến bộ kỹ thuật đó.

Thêm vào đó, quá trình chuyển giao phải đồng bộ từ tập huấn nâng cao nhận thức đến kỹ thuật canh tác, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Không nên chỉ có tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách làm mà người lao động phải hiểu sâu, hiểu cụ thể và áp dụng được; đồng thời phải biết sản phẩm sản xuất ra bán cho ai, giá bao nhiêu và biết hạch toán kinh tế lỗ, lãi.

Thậm chí, mỗi mô hình chuyển giao tiến bộ công nghệ cần có một nhóm được học, áp dụng làm cơ sở rút kinh nghiệm, trao đổi học tập lẫn nhau, đồng thời nhóm này làm nòng cốt khi nhân ra diện rộng. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, giống, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ thực vật, vật tư phân bón cho những vùng sản xuât hàng hoá tập trung để có cơ  sở nhân rộng mô hình điểm có hiệu quả.

Đặc biệt, các cấp Hội phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ, khâu nối, tổ chức, hướng dẫn, rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng. Gắn việc chuyển giao tiến bộ công nghệ, xây dựng mô hình điểm với công tác tập hợp, kết nạp hội viên xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và gắn với phong trào sản xuất kinh giỏi của Hội. Coi trọng việc đào tạo nghề, dạy nghề tư vấn cho nông dân, cho chủ hộ để có đủ trình độ tiếp thu những kiến thức, khoa học kỹ thuật và tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Cuối cùng, các cấp Hội cần chủ động tham mưu để tạo cơ chế trong quá trình phối hợp với các nhà khoa học, các cán bộ giỏi nghề nông, các cơ quan nghiên cứu ứng dụng để khoa học kỹ thuật công nghệ mới được chuyển giao kịp thời đầy đủ cho nông dân. Có chính sách khuyến khích các nhà khoa học, các kỹ sư nông nghiệp.../.

Lê Nguyễn