Riêng lĩnh vực phát triển giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản chủ lực, kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh đã giúp cho nông dân chủ động được nguồn giống sản xuất với chất lượng đảm bảo, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Những năm trước đây, sản xuất nông nghiệp đối với một số cây trồng chủ lực như lúa, ngô, lạc ở Quảng Trị luôn gặp khó khăn, áp lực về nguồn giống dẫn đến chi phí sản xuất cao, năng suất đạt thấp và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường nông sản. Trước thực trạng đó, HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 17 về phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản chủ lực giai đoạn 2010 - 2015.
Để thực hiện nghị quyết này, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 32/2009/QĐ-UBND ngày 15/12/2009 quy định thực hiện chính sách phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực và phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2010 - 2015, có tính đến năm 2020. Chính sách hỗ trợ về giống đối với các loại cây trồng chủ lực được thực hiện trong 5 năm với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng đối với các cây trồng chủ lực gồm lúa, ngô và lạc, trong đó kinh phí hỗ trợ giống lúa nguyên chủng để phục vụ sản xuất vùng giống lúa nhân dân hơn 6 tỷ đồng, chiếm gần 90% kinh phí, số còn lại hỗ trợ giống ngô hàng hóa, nhân giống lạc hè thu và tập huấn, chuyển giao kỹ thuật triển khai các vùng giống. Chương trình xây dựng vùng giống lúa nhân dân, chính sách áp dụng hỗ trợ 80 kg giống lúa nguyên chủng trên 1 ha.
Trong 5 năm, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 342.080 tấn giống lúa nguyên chủng các loại để xây dựng 4.276 ha sản xuất vùng lúa giống nhân dân ở các địa phương. Về cây ngô, thực hiện hỗ trợ 30% giá giống ngô, riêng các vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 80% giá giống tại thời điểm. Kết quả bước đầu của chương trình hỗ trợ giống một số cây trồng chủ lực đã làm thay đổi và nâng cao nhận thức của người nông dân về tầm quan trọng của công tác giống trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tổ chức sản xuất hiệu quả hơn.
Một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất ngô hàng hóa để tạo ra thị trường phục vụ lương thực và chăn nuôi như ở huyện Hướng Hóa, Triệu Phong… Đối với cây lạc, chính sách hỗ trợ xây dựng vùng sản xuất lạc giống trong vụ hè thu đã hình thành nên 2 vùng sản xuất giống lạc tập trung tại huyện Cam Lộ và Vĩnh Linh với diện tích bình quân từ 60 - 80 ha; tổng diện tích thực hiện trong 5 năm là 190 ha, tạo thói quen sản xuất giống lạc trong vụ hè thu để làm giống cho vụ đông xuân.
Nói về hiệu quả kinh tế mang lại của chính sách, đồng chí Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Trong giai đoạn 2010- 2015, lượng giống lúa xác nhận và tương đương sản xuất ra được tại các nông hộ ước đạt 17.000 tấn giống lúa các loại, trong số này các hộ nông dân sử dụng và luân chuyển vào sản xuất khoảng 50% tổng lượng giống sản xuất, đã nâng cao năng suất, chất lượng, đặc biệt đã tiết kiệm được hơn 80 tỷ đồng do không phải mua giống. Bên cạnh đó, hạn chế tình trạng sử dụng thóc thịt làm giống. Đây là một trong những yếu tố góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa trong những năm gần đây, cụ thể trong năm 2016 sản lượng lúa đạt được cao nhất từ trước đến nay với 275.486 tấn, tăng 24.408 tấn (9,7%) so với năm 2015, đạt 112,4% kế hoạch, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XVI đề ra là 12%.
Thông qua chính sách hỗ trợ giống lúa, nhiều giống mới đã được khảo nghiệm và bổ sung vào bộ giống chủ lực của tỉnh, trong đó đã xác định được bộ giống lúa chủ lực, ngắn ngày và cực ngắn, có năng suất, chất lượng để né tránh thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa vào sản xuất diện rộng các giống chất lượng cao để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích như HC95 đang tạo sức cạnh tranh trên thị trường nông sản trong nước, tạo ra giá trị tăng từ 15- 20% so với sản xuất lúa thường, doanh thu đạt trên 600 tỷ đồng/năm. Mặt khác, đưa tỷ lệ sử dụng giống ngắn ngày từ 50% năm 2010 lên 80% trong năm 2016.
Về thực hiện phát triển một số giống vật nuôi chủ lực, trong 5 năm qua, chương trình đã hỗ trợ 23 con lợn đực giống cho các cơ sở chăn nuôi lợn đực giống thụ tinh nhân tạo; hỗ trợ 567 con lợn nái bố mẹ cho người chăn nuôi; hỗ trợ 98 con bò đực 75% máu Zebu; hỗ trợ các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo cho bò. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 32 của UBND tỉnh được cấp trực tiếp về cho các huyện, thị xã nên các địa phương đã chủ động hỗ trợ cho nông dân như xây dựng 113 hầm biogas ở Vĩnh Linh và thị xã Quảng Trị; hỗ trợ 13 nái bố mẹ, 60 nái ngoại ông bà tại thị xã Quảng Trị, huyện Hướng Hóa hỗ trợ bò nái lai Zebu; các địa phương khác hỗ trợ mô hình chăn nuôi mới như nhím, lợn rừng...
Cùng với hỗ trợ con giống, các địa phương còn triển khai công tác tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi. Ông Lê Quang Ánh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Kết quả của chương trình hỗ trợ giống vật nuôi đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác giống của ngành chăn nuôi tỉnh Quảng Trị như đến năm 2016, đàn bò lai chiếm 42% trong tổng đàn bò của tỉnh, đàn lợn được nạc hóa. Chương trình thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân nên đã được nông dân đồng tình hưởng ứng cao. Chương trình đã thúc đẩy cơ bản về phát triển giống vật nuôi trên địa bàn. Người chăn nuôi không chỉ tiếp cận được với các giống vật nuôi chất lượng cao mà còn có chuyển biến tốt trong nhận thức về vai trò của công tác giống trong chăn nuôi để từ đó chú trọng hơn khi phát triển chăn nuôi. Vật nuôi đạt năng suất cao, chất lượng tốt, dễ tiêu thụ, phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh.
Hiệu quả của chính sách phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản chủ lực giai đoạn 2010- 2015 của HĐND tỉnh đã đạt nhiều kết quả tốt, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao trong sản xuất mà còn nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của công tác giống đối với sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh đã xác định rõ các cây, con chủ lực, có nhiều lợi thế cạnh tranh để xây dựng chính sách hỗ trợ, trong đó chú trọng tập trung nâng cao chất lượng về giống, khoa học công nghệ, liên kết 4 nhà, xây dựng thương hiệu nhằm phát triển chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu nông sản sạch Quảng Trị, góp phần phát triển nông nghiệp của tỉnh toàn diện và bền vững.