Hiệu quả sản xuất trên vùng gò đồi trung du Cam Lộ 

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của người dân, vùng gò đồi trung du Cam Lộ đã "thay da đổi thịt", đang phấn đấu trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới.

Hiệu quả sản xuất trên vùng gò đồi trung du Cam Lộ

Nông dân cày đất, trồng lạc hữu cơ ở vùng gò đồi Cam Lộ.

Từ khai thác tiềm năng

Với diện tích đất tự nhiên gần 35 nghìn héc-ta, trong đó 28 nghìn héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, Cam Lộ có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Ðể phát triển nông nghiệp, nông thôn, Huyện ủy Cam Lộ ra Nghị quyết số 01-NQ/HU "Thí điểm mô hình phục hồi vườn hồ tiêu và nâng cao hiệu quả kinh tế vùng lạc giai đoạn 2011-2020" nhằm quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho việc áp dụng khoa học - kỹ thuật và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ông Trần Hà, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Cùa cho biết, từ xa xưa hồ tiêu Cùa (Cùa nguyên là chiến khu cách mạng gồm các xã Cam Chính, Cam Nghĩa) là sản vật nổi tiếng, được trồng trên nền khí hậu khắc nghiệt nên tạo ra hương vị cay thơm đặc biệt, có hàm lượng tinh dầu cao, hạt chắc, thuộc hàng thơm ngon nhất Việt Nam, được nhà bác học Lê Quý Ðôn nhắc đến trong tác phẩm "Phủ biên tạp lục" thế kỷ 18. Việc thành lập Hợp tác xã hồ tiêu Cùa để từng bước xây dựng mô hình sản xuất tiêu hữu cơ, tiêu VietGAP, tạo ra thương hiệu, sản phẩm hàng hóa, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ trong và ngoài nước để giải quyết đầu ra ổn định.

Quyết tâm phục hồi, phát triển thương hiệu hồ tiêu Cùa của huyện Cam Lộ đã được Công ty Thương mại Quảng Trị đồng hành, cử cán bộ về trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phục hồi và trồng mới vườn tiêu cho bà con nông dân. Sản phẩm hồ tiêu Cùa được công ty thu mua, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, phân phối đến 50 siêu thị của hệ thống Coopmart trên toàn quốc. Hiện nay tổng diện tích cây hồ tiêu của Cam Lộ là gần 400 ha, tập trung chủ yếu ở vùng Cùa. Vụ sản xuất vừa qua năng suất bình quân đạt 12,6 tạ hồ tiêu/ha, cao hơn những năm trước 3,6 tạ. Năm 2014, sản phẩm hồ tiêu Cùa đã đạt giải thưởng Chất lượng quốc tế thế kỷ. Mới đây nhất, hồ tiêu Cùa được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường khó tính như Pháp và Mỹ.

Một sản vật nổi tiếng khác của Cam Lộ là cây lạc. Hạt lạc ở đây no tròn, căng nức, vỏ láng mỏng, lượng dầu cao, được gieo trồng khắp các biền bãi đôi bờ sông Hiếu. Diện tích gieo trồng lạc ở Cam Lộ hiện đạt gần 1.000 ha, năng suất đạt hơn 20 tạ/ha. Cây lạc đã góp phần đem lại thu nhập lớn cho hàng nghìn gia đình nông dân. Ðể bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân Cam Lộ bắt đầu chuyển sang trồng lạc hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết, nhằm tạo điều kiện phát triển vùng chuyên canh lạc hữu cơ, huyện đã có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuê đất, huyện đầu tư hệ thống kênh tưới tiêu, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Cam Lộ kỳ vọng mô hình liên kết thâm canh lạc hữu cơ này sẽ mở ra hướng đi phù hợp, giúp doanh nghiệp và nông dân liên kết, mạnh dạn hơn nữa trong ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lạc, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất truyền thống để nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu lạc và dầu lạc Cam Lộ.

Theo ông Từ Linh Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Từ Phong ở Cam Lộ, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến dầu lạc nổi tiếng miền trung, cứ mỗi diện tích xuống giống lạc hữu cơ rộng hai héc-ta, đơn vị phải đầu tư 40 tấn phân chuồng, sáu tấn phân vi sinh, phân hữu cơ, năm tấn vôi và sử dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt để bảo đảm chất lượng lạc Cam Lộ luôn là số 1.

Ðến chiến lược "năm tăng "

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Ngô Quang Chiến cho biết, để phát triển nông nghiệp, nông thôn, những năm qua huyện ban hành nhiều nghị quyết, đề án. Ðáng chú ý là Nghị quyết số 02-NQ/HU của Huyện ủy Cam Lộ về "Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016-2020" giúp địa phương đẩy mạnh quy hoạch, dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng; đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, thực hiện chiến lược "năm tăng" cho từng sản phẩm. Ðó là, thâm canh cao để tăng năng suất; áp dụng quy trình sản xuất an toàn để tăng chất lượng; đẩy mạnh chế biến, sơ chế để tăng giá trị sản phẩm; xây dựng thương hiệu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường; liên kết tiêu thụ để tăng doanh số hàng hóa bán ra. Ðến nay huyện đã từng bước hình thành được vùng chuyên canh nông sản chủ lực như cây cao-su, lạc nguyên liệu, hồ tiêu và hơn 15 nghìn héc-ta rừng trồng, vùng sản xuất cây dược liệu như cà gai leo, chè vằng, nghệ...

Theo đồng chí Ngô Quang Chiến, điểm nhấn quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện là khai thác đúng tiềm năng, lợi thế vùng gò đồi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đem lại hiệu quả tích cực về kinh tế, xã hội. Ðiển hình như cây dứa diện tích toàn huyện trồng 82,7 ha, năng suất 180 tạ/ha, doanh thu 112 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn hai đến ba lần so với các cây trồng truyền thống; cây cà gai leo năng suất khô đạt từ 20 đến 24 tạ/ha/năm, thu nhập tương đương 160 đến 190 triệu đồng, lãi 100 đến 130 triệu đồng… Nhờ vậy, đời sống của người dân Cam Lộ không ngừng được nâng cao: năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt gần 28 triệu đồng; đến cuối năm 2018 đạt gần 38 triệu đồng. Huyện Cam Lộ phấn đấu cuối năm nay trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn nông thôn mới.

BÀI VÀ ẢNH: LÂM QUANG HUY

529 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 694
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 695
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77151815