Hiệu quả kép từ mô hình trồng cỏ nuôi bò ở thôn Bích Giang. xã Cam Hiếu 

Trước đây Thôn Bích Giang, xã Cam Hiếu là đơn vị khó, thường xuyên ngập lụt, kinh tế kém phát triển, đời sống người dân khó khăn, nhiều hộ nghèo. Trước tình hình đó được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của UBND xã, Hội LHPN xã Cam Hiếu đã tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao, đặc biệt là mô hình trồng cỏ nuôi bò giúp không ít hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Để cải thiện kinh tế, người dân thôn Bích Giang luôn chịu khó, đoàn kết, hỗ trợ nhau tìm phương án sản xuất đạt hiệu quả. Với điều kiện của địa phương, nuôi bò được xem là phương án sản xuất đem lại hiệu quả cao nhất, tuy nhiên mỗi hộ chỉ có thể nuôi 1-2 con bò do diện tích đồng cỏ của địa bàn ngày càng bị thu hẹp, không đủ cung cấp cho số lượng bò lớn. Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải tốn nhiều công sức cắt cỏ đồng, để cung cấp đủ số lượng cỏ cho 1 con bò, trung bình mất 4 tiếng/ngày cắt cỏ. Nhằm giúp cho người dân nâng cao số lượng và chất lượng đàn bò, năm 2014, thực hiện Chương trình trồng cỏ nuôi bò thâm canh của UBND huyện Cam Lộ, được sự chỉ đạo của UBND xã Cam Hiếu, Hội LHPN xã, cán bộ Chi hội LHPN thôn Bích Giang vận động hội viên tham gia thực hiện mô hình trồng cỏ nuôi bò. Vào thời gian đầu, các hộ dân ngại khó trước vùng đất hoang hóa, phủ đầy cây mai dương có gai, rễ bám chắc vào đất, khó đào bới nên không mấy ai mặn mà với việc bắt tay thực hiện mô hình này. Qua nhiều buổi sinh hoạt của chi hội, tích cực vận động hội viên tham gia, bước đầu có 45 hộ hưởng ứng. Sau hơn một tháng chặt phá, đào gốc, đốt cây mai dương, hội tiến hành tìm kiếm cây giống. Chi hội trưởng phụ nữ thôn Bích Giang  tham gia các lớp tập huấn, khảo sát các mô hình trồng cỏ nuôi bò ở một số địa phương khác, các hộ gia đình hội viên,phụ nữ  nhất trí sử dụng  giống  cỏ VA06. Mỗi hộ ban đầu mỗi hộ đóng gióp 200-300 nghìn đồng để mua cây giống.

Giống cỏ VA06 thích hợp với mọi vùng đất, mặc dù được trồng trên vùng đất khô cằn, trước đây bị bỏ hoang, cỏ vẫn phát triển tốt, sinh trưởng nhanh, đẻ được nhiều nhánh, năng suất cao lại ít tốn công chăm sóc. Để cây cỏ phát triển tốt hơn, các hộ thường xuyên vun gốc, bón phân chuồng, xây dựng rào chắn thành khuôn viên nhằm hạn chế trâu bò xâm nhập, phá hoại. Hiện nay 45 hộ trồng được 3,5 hecta cỏ VA06, mỗi hộ khoảng 1 sào, đủ cung cấp thức ăn hàng ngày cho 5-10 con bò. Có  nguồn thức ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng nên bò nhanh lớn, đặc biệt bò sinh sản phát triển khỏe mạnh. Từ 1-2 con bò, nay mỗi hộ có thể nuôi trung bình 5 con, hộ nhiều nhất nuôi 10 con. Tuy số lượng bò của mỗi hộ đều tăng, đòi hỏi lượng thức ăn lớn nhưng thời gian bỏ ra cho công cắt cỏ giảm, so với 4 tiếng cắt cỏ cho một con bò mỗi ngày như trước đây thì trồng cỏ theo mô hình của thôn Bích Giang giúp người dân tiết kiệm được thời gian rất nhiều, chỉ mất 0,5 đến 1 giờ đồng hồ công cắt cỏ đủ cho 5 con bò.

Mô hình trồng cỏ nuôi bò

Hiệu quả từ mô hình trồng cỏ nuôi bò khiến những người tham gia không ai còn ngại khó như những ngày đầu mới triển khai, ngược lại, ai nấy đều phấn khởi. Đó chính là động lực, bước tiền đề hình thành mô hình câu lạc bộ (CLB)  “Trồng cỏ nuôi bò” vào năm 2016, tạo điều kiện liên kết hơn nữa giữa các hộ trồng cỏ nuôi bò. CLB thường xuyên tổ chức sinh hoạt để các thành viên trao đổi, chuyển tải kiến thức khoa học - kỹ thuật về trồng cỏ nuôi bò, khi thành viên CLB có khó khăn, vướng mắc thì tổ chức họp khẩn cấp để tháo gỡ, giúp các thành viên yên tâm sản xuất. Nhờ áp dụng thành công mô hình trồng cỏ, tạo nguồn cung cấp thức ăn dồi dào, chất lượng cao cho bò, nâng tổng số lượng bò của 45 hộ viên tham gia mô hình lên 128 con, gồm bò thịt và bò sinh sản. Số lượng và chất lượng bò tăng đáng kể, thời gian nuôi cũng được rút ngắn. Trung bình mỗi năm có thể xuất bán được 3-5 con bò bê và bò thịt, sau khi trừ chi phí, bán 1 con bê thu lãi 8-10 triệu đồng, 1 con bò thịt lãi 15-20 triệu đồng. Điều đáng mừng là nhờ trồng cỏ nuôi bò đạt hiệu quả, nhiều hộ gia đình cải thiện kinh tế, thoát khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo như chị Hoàng Thị Doan; Nguyễn Thị Diệu; Nguyễn Thị Hoa; Nguyễn Thị Thâu... Một số hộ khác cũng nhờ trồng cỏ nuôi bò vươn lên khá, xây dựng được nhà cửa khang trang, có kinh phí nuôi con ăn học, trở thành tấm gương sản xuất giỏi như chị Hoàng Thị Dạ Hương; Phan Thị Quyên; Nguyễn Thị Thiệp...

Mô hình trồng cỏ nuôi bò giúp người dân thôn Bích Giang giảm chi phí ngày công chăn thả, cắt cỏ, tạo nguồn thức ăn dinh dưỡng cho bò sinh sản khỏe mạnh, bò thịt lớn nhanh. Trồng cỏ giúp người chăn nuôi tránh được những rủi ro đáng tiếc như bò phải ăn thức ăn kém chất lượng, không an toàn. Mô hình trồng cỏ nuôi bò mang lại hiệu quả kép từ cả hai mảng trồng trọt và chăn nuôi vì không chỉ trồng cỏ để phục vụ cho bò mà nuôi bò cũng tạo nguồn phân hữu cơ chăm bón, nâng cao năng suất cho cỏ rất tốt. Mặt khác, trồng cỏ nuôi bò góp phần tăng mức độ đa dạng hệ sinh thái ở thôn Bích Giang, đảm bảo vệ sinh môi trường. Để đủ thức ăn cho bò, trước đây người dân trong thôn thường sử dụng phương pháp chăn thả bò tự nhiên do đó phân bò rải rác khắp nơi trên các cánh đồng và mặt đường thôn. Tuy nhiên, hiện nay hình ảnh đó không còn nữa vì lượng thức ăn từ mô hình trồng cỏ đủ cung cấp cho bò quanh năm, do đó bò được nhốt chuồng, chỉ chăn thả đúng nơi, đúng thời gian theo quy trình, kỹ thuật chăn nuôi bò.

Nhận thấy những ưu điểm mô hình trồng cỏ nuôi bò mang lại, Hội LHPN xã Cam Hiếu tiếp tục nhân rộng mô hình tại một số thôn trên địa bàn, hiện nay có gần 70 hộ tham gia, góp phần nâng tổng số bò của toàn xã lên hơn 750 con. Chị Hoàng Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Cam Hiếu cho biết: “Được sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND huyện Cam Lộ, UBND xã Cam Hiếu, Hội LHPN huyện cùng với sự tích cực, nỗ lực của toàn thể cán bộ, hội viên Hội LHPN thôn Bích Giang, mô hình trồng cỏ nuôi bò được triển khai hiệu quả, cải thiện đời sống cho nhiều hộ gia đình. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được triển khai và nhân rộng để duy trì và phát triển đàn bò.”

Mô hình trồng cỏ nuôi bò giúp các hộ gia đình ở thôn Bích Giang, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, từng bước nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần cùng địa phương  xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

HOÀNG THẢO NHI

1255 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 513
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 513
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88999155