Thời gian qua, hiệu quả hoạt động từ các mô hình tự quản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã góp phần tích cực vào giữ vững tình hình an ninh trật tự, xây dựng làng, khu dân cư văn hóa. Nội dung hoạt động của mô hình tự quản chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững, đảm bảo trật tự an toàn giao thông… Các mô hình tự quản này hoạt động theo nguyên tắc: Tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đã phát huy vai trò tự quản của người dân tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, văn hóa, môi trường, huy động sự vào cuộc của nhân dân trong việc bảo vệ an ninh, trật tự ở khu dân cư … Thông qua việc phát huy tính chủ động, tích cực, tính tự quản, sáng tạo của mỗi khu dân cư, mỗi người dân, mỗi gia đình để tạo thành sức mạnh to lớn, động lực phát triển ở khu dân cư.
Một trong những mô hình tự quản đã và đang phát huy được hiệu quả, đó là mô hình khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư và người dân bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xây dựng khu dân cư an toàn giao thông gắn với xây dựng gia đình văn hóa, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị đã lựa chọn các khu dân cư của xã Hải Chánh - huyện Hải Lăng, thị trấn Gio Linh – huyện Gio Linh, thị trấn Cam Lộ - huyện Cam Lộ, thị trấn Hồ Xá, Cửa Tùng, xã Vĩnh Nam, Vĩnh Tú – huyện Vĩnh Linh, thị trấn Lao Bảo - huyện Hướng Hoá, các phường ở thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị để chỉ đạo xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”. Đưa nội dung chấp hành quy định ATGT vào tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa và các tiêu chí xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tại khu dân cư, Ban Công tác Mặt trận đã phối hợp với các đoàn thể thành lập các “nhóm nòng cốt” để tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản pháp luật quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; vận động người dân chấp hành tốt quy định về đảm bảo hành lang an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè.
Ban Công tác Mặt trận thôn cũng tổ chức cho các hộ gia đình chủ động ký cam kết thực hiện nội dung “5 không” là không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông; không uống rượu bia trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông; không điều khiển xe mô tô, xe máy khi không có đủ các loại giấy tờ theo quy định; không tham gia, cổ vũ đua xe trái phép; không chạy xe trên lề đường, vỉa hè dành cho người đi bộ và ký cam kết “Gia đình bảo đảm an toàn giao thông”, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe máy điện khi tham gia giao thông.
Qua triển khai thực hiện mô hình tự quản về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức của nhân dân khi tham gia giao thông; các đội tự quản và các phong trào ở trường học được duy trì và phát huy tác dụng; các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến khu dân cư tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện quyết tâm cao trong công tác tuyên truyền vận động xây dựng nếp sống văn hóa giao thông gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thành công của việc xây dựng mô hình đã góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại địa phương, số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đều giảm theo từng năm.
Đối với mô hình khu dân cư tự quản về an ninh trật tự, UBMTTQVN tỉnh hướng dẫn triển khai xây dựng thí điểm các mô hình khu dân cư tự quản về ANTT ở các địa phương như: “Xây dựng xã, phường, khu dân cư lành mạnh không có tội phạm và tệ nạn xã hội” ở Phường 1, thị xã Quảng Trị; “KDC không có tội phạm và TNXH”; mô hình điểm về vận động Nhân dân “phòng chống tội phạm và TNXH”, “Khu dân cư không có người nghiện ma túy” tại huyện Hải Lăng; mô hình “Niệm phật đường ổn định” ở xã Triệu Đại (Triệu Phong); “KDC an toàn về ANTT” ở Lam Thuỷ (Hải Vĩnh- Hải Lăng); “Câu lạc bộ bảo vệ tài sản ngoài trời” ở xã Gio Hải, Trung Giang và “Tổ tự quản tàu thuyền” ở thị trấn Của Việt, huyện Gio Linh... Đặc biệt mô hình “Dòng họ không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” ở phường Đông Thanh (TP Đông Hà); “Giáo dục trẻ em không làm trái pháp luật” ở phường 1 (TX Quảng Trị) được Bộ Công an đánh giá là những mô hình hoạt động hiệu quả và chỉ đạo tổ chức sơ kết điểm để nhân rộng ra toàn quốc. Các mô hình “Phật giáo Cam Lộ tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, mô hình “Kết nghĩa bản – bản hai bên biên giới Việt Nam – Lào” và "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống ma tuý ở khu vực biên giới" ở huyện Đakrông và Hướng Hoá được Nhân dân tích cực hưởng ứng. Các mô hình đều được xây dựng quy chế hoạt động, nêu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của từng thành viên, hộ gia đình ... Sau từ 1 đến 3 năm đi vào hoạt động, mô hình Khu dân cư tự quản đã phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.Ngoài triển khai các hoạt động bảo đảm ANTT tại khu dân cư, các thành viên trong KDC tự quản còn làm tốt việc bảo vệ hiện trường, đưa người bị nạn đi cấp cứu khi có TNGT xảy ra; phối hợp với lực lượng công an xã vây bắt đối tượng xấu đến địa bàn gây án. Các đoàn thể làm tốt việc động viên, giúp đỡ, giáo dục những người đã từng có tiền án, tiền sự để họ trở lại làm ăn lương thiện; được sự động viên giúp đỡ tận tình của KDC tự quản, nhiều người đã có chuyển biến tích cực, không tái phạm, chăm chỉ làm ăn, hiện có cuộc sống ổn định...Với việc duy trì hiệu quả mô hình KDC tự quản, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cấp xã, khu dân cư luôn được giữ vững, số vụ việc vi phạm pháp luật giảm đáng kể, không phát sinh vụ việc phức tạp.
Xác định công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường là vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đến cộng đồng dân cư, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh chỉ đạo Ban Thường trực UBMT các huyện, thị xã, thành phố tiến hành khảo sát, nắm thực trạng của khu dân cư và những vấn đề bức xúc trong bảo vệ môi trường, công tác giảm nghèo cũng như nhu cầu phát triển kinh tế để xây dựng mô hình… trên cơ sở đó, chỉ đạo, hướng dẫn UBMT xã, khu dân cư lồng ghép thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" , phong trào "Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” với việc triển khai thực hiện mô hình “ khu dân cư thực hiện hài hòa giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường". Qua 12 năm phát động và thực hiện (phát động từ năm 2007), đến nay toàn tỉnh có trên 400 khu dân cư xây dựng mô hình. Để mô hình phát huy hiệu quả, Mặt trận chủ trì phối hợp với các thành viên tuyên truyền Luật bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn của nhà nước về bảo vệ môi trường biển, khai thác thủy, hải sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản… Phối hợp tổ chức ra quân làm vệ sinh môi trường, phát động hưởng ứng “Tết trồng cây”, “Tuần lễ Quốc gia nước sạch và bảo vệ môi trường”, “Ngày Môi trường thế giới 5/6”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” với các hoạt động cụ thể như: Hội LHPN xây dựng mô hình 5 không 3 sạch, tổ chức phân loại rác thải tại nhà, thu gom rác thải; Hội Nông dân huy động hàng ngàn ngày công lao động tổ chức vớt bèo khơi thông dòng chảy trên sông, đắp đập nạo vét kênh mương vào mùa mưa lũ, chặt cây Mai Dương, diệt chuột, xây dựng bể chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; Hội Cựu chiến binh không để nước xả thải ra môi trường bằng cách đào hố thu gom tại vườn nhà, khơi thông cống rãnh, ra mắt đội CCB tự quản bảo vệ môi trường; Đoàn thanh niên xây dựng bể chứa rác ở khu dân cư, trồng cây xanh trên tuyến đường của thanh niên tự quản…; vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại; thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, phòng, chống dịch bệnh; xây dựng các hầm bioga, đệm lót sinh học, hố lắng, hố lọc có nắp đậy; chăn nuôi kết hợp với bảo vệ môi trường, khu vực chăn nuôi xa khu vực sinh hoạt của từng gia đình; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ sở chế biến không dùng hóa chất độc hại, hạn chế tối đa nước bẩn thẩm thấu vào nguồn nước sạch. Cùng với những kết quả đạt được trong bảo vệ và xử lý môi trường, người dân ở khu dân cư cũng đã có những chuyển biến tích cực trong việc phát triển kinh tế. Mặt trận đã vận động, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay từ các kênh ưu đãi cho các hộ nghèo xây dựng phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo điều kiện cho con em học nghề có việc làm ở các công ty trên địa bàn và các địa phương khác nhằm tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, từng bước thay đổi ý thức tự thân vươn lên không trông chờ ỷ lại. Tiêu biểu trong phong trào này có các KDC ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, TP Đông Hà như: KDC Đại An Khê, xã Hải Thượng, KDC Mỹ Thủy xã Hải An; phường 1, phường Đông Thanh, Đông Lễ (TP Đông Hà); KDC Đạo Đầu xã Triệu Trung (Triệu Phong); KDC An Hà, Đông Chính (Lao Bảo), Bích La Trung - xã Tân Thành …Từ những việc làm có hiệu quả của mô hình "Khu dân cư thực hiện hài hòa, giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường", UBMT tỉnh đã duy trì và triển khai nhân rộng ở các xã, hiện nay có hơn 400 KDC xây dựng mô hình, đồng thời thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm, kêu gọi các tổ chức thành viên, các tổ chức Tôn giáo cùng tham gia để mô hình luôn có chất lượng cao làm cho từng hội viên, đoàn viên, hộ gia đình và cộng đồng dân cư đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tích cực bảo vệ môi trường ngày càng có hiệu quả góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.
Thực hiện Hướng dẫn số 84/HD-MTTQ-BTT, ngày 30/8/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN về xây dựng mô hình điểm “khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”; Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh cũng đã ban hành hướng dẫn số 63/HD-MTTQ-BTT, ngày 26/9/2017 v/v xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”, triển khai xây dựng 8/10 huyện, thị xã, thành phố, mỗi đơn vị xây dựng ít nhất từ 1-2 mô hình, riêng thành phố Đông Hà triển khai tất cả 83/83 KDC của thành phố. Xác định mục tiêu của mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” là việc làm cần thiết và cấp bách nhằm nâng cao vai trò, ý thức, trách nhiệm, sự đóng góp của người dân đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn dân cư. Qua gần 2 năm thực hiện, người dân đã có sự đồng thuận cao, UBMT các cấp tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng dân cư trong việc tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức họp khu dân cư, thống nhất các nội dung cam kết tham gia bảo vệ môi trường trong sinh hoạt như: Giữ gìn nơi ở của gia đình sạch sẽ, có nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; thu gom và để rác thải đúng nơi quy định, đổ rác đúng giờ, thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt; giữ gìn vệ sinh chung, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng sạch sẽ; không thả rông súc vật, không để vật nuôi phóng uế ra đường, nơi công cộng, không vứt xác động vật bừa bãi; trông và bảo vệ cây xanh..; thực hiện bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh như: Chuồng trại chăn nuôi đảm bảo hợp vệ sinh, không để khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường; không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm; không vứt vỏ bao bì thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi sau khi sử dụng; thực hiện thu gom để vào các bề chứa chung để xử lý đúng quy trình…Mặc dù thời gian thực hiện mô hình chưa lâu nhưng hiệu quả của mô hình đã thể hiện khá rõ nét, tạo được ý thức, thói quen trong cộng đồng dân cư tham gia thực hiện bảo vệ môi trường, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ môi trường, thành lập tổ tự quản bảo vệ môi trường của khu dân cư…
Từ thực tiễn các mô hình tự quản trên địa bàn tỉnh cho thấy: Thông qua việc phát động xây dựng mô hình đã phát huy được trách nhiệm của mọi thành phần trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là vai trò của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, Nhân dân, chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu trong cộng đồng dân cư, trưởng thôn, trưởng các họ tộc trong việc xây dựng mô hình. Mô hình tự quản góp phần phát huy tinh thần tự quản của Nhân dân và đưa các mô hình tự quản ở khu dân cư trở thành phong trào tự nguyện, tự giác, giúp các cấp ủy đảng, chính quyền nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, cơ sở. Đồng thời, các mô hình là diễn đàn để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn tại cơ sở, không để hình thành các điểm nóng, phức tạp về ANTT, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Thủy Phương