Hiệu quả đã rõ nhưng còn khó khăn 

(QĐND) - Sau thời gian dài đi vào hoạt động, hệ thống phòng khám và trạm quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị đã chứng minh tính hiệu quả: Phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại địa phương; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân Lào sống gần biên giới...

BĐBP tỉnh Quảng Trị được giao nhiệm vụ quản lý 173,9km đường biên giới, tiếp giáp với hai tỉnh Salavan và Savannakhet (Lào). Nhân dân sinh sống hai bên biên giới có mối quan hệ dân tộc, thân tộc gần gũi. Những năm qua, với nhiều chính sách đặc biệt của Chính phủ và chính quyền địa phương hai nước Việt Nam-Lào, đời sống của cư dân hai bên biên giới tuy có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân.

Thời gian qua, BĐBP tỉnh Quảng Trị luôn xác định phải xây dựng biên giới vững mạnh từ lòng dân. Chính vì vậy cùng với các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, chỉ huy đơn vị xác định rõ công tác giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với việc triển khai các dự án trọng điểm, giúp dân xây dựng những mô hình kinh tế, BĐBP tỉnh Quảng Trị đặc biệt chú trọng chăm sóc, nâng cao sức khỏe, vận động nhân dân khu vực biên giới thực hiện nếp sống mới. Từ năm 2000, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị đã khảo sát, báo cáo Bộ tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng thí điểm một số phòng khám và trạm xá quân dân y kết hợp ở địa bàn biên giới. Các cơ sở y tế này có nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên địa bàn biên giới nước ta và cư dân khu vực biên giới đối diện của Lào; đồng thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ chính quyền, nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiệu quả đã rõ nhưng còn khó khăn
Trạm xá Quân dân y kết hợp A Ngo (Đồn Biên phòng Cửa khẩu La Lay, BĐBP tỉnh Quảng Trị) khám bệnh cho người dân trên địa bàn.

Cùng với xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhiều cán bộ quân y có tay nghề vững vàng cũng được lựa chọn đưa về các phòng khám, trạm xá quân dân y thực hiện nhiệm vụ. Qua thời gian triển khai thực hiện, các cơ sở y tế của quân đội đã nhanh chóng phát huy hiệu quả và tính ưu việt, trở thành địa chỉ tin cậy cho nhân dân hai bên biên giới Việt Nam-Lào.

Trên cơ sở đánh giá kết quả, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị tiếp tục xây dựng thêm các cơ sở y tế; tính đến nay đã có 7 phòng khám và 5 trạm quân dân y kết hợp trải đều trên toàn tuyến biên giới của tỉnh. Từ khi thành lập đến nay, hệ thống cơ sở y tế do BĐBP tỉnh Quảng Trị đã khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn lượt người, trong đó có khoảng 4.500 lượt nhân dân các bộ tộc Lào. Nổi bật như Phòng khám Quân dân y kết hợp Sa Trầm, Đồn Biên phòng Ba Nang; Phòng khám Quân dân y kết hợp A Ngo, Đồn Biên phòng Cửa khẩu La Lay; Trạm Quân dân y kết hợp Pa Lọ, Đồn Biên phòng Tam Thanh… Nhiều năm qua, nhân dân bản Đen Vy Lay, huyện Mường Nòong, tỉnh Savannakhet (Lào) đều sang Trạm Quân dân y kết hợp Pa Lọ để được cán bộ quân y khám, chữa bệnh. Nói về điều này, ông Am Đam, Trưởng bản Đen Vy Lay cho biết: “Từ bao đời nay, dân bản chúng tôi đều có mối quan hệ rất mật thiết và thường xuyên nhận được sự giúp đỡ về nhiều mặt của quân và dân vùng biên giới Việt Nam, đặc biệt trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Từ bản Đen Vy Lay về trung tâm huyện Mường Nòong rất xa, giao thông đi lại khó khăn nên mỗi khi ốm đau, dân bản thường xuyên qua Trạm Quân dân y kết hợp Pa Lọ để được quân y Việt Nam khám, chữa bệnh”.

Thông qua công tác khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, cán bộ biên phòng đã triển khai các mặt công tác, như: Vận động quần chúng, nắm vững địa bàn, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân. Từ đó, các đơn vị BĐBP đã huy động được sức dân trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Đánh giá về hoạt động của các phòng khám, trạm quân dân y kết hợp trên biên giới, ông Võ Phúc Khanh, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết: “Trước đây vì đường xa, cách trở, đi lại vất vả, việc khám, chữa bệnh của người dân khu vực biên giới gặp rất nhiều khó khăn. Công tác vận động nhân dân phòng, chống dịch bệnh cũng khó thực hiện. Từ khi có các phòng khám, trạm quân dân y kết hợp cùng với đội ngũ quân y biên phòng trực tiếp làm nhiệm vụ thì việc chăm sóc sức khỏe cho người dân đạt những bước tiến quan trọng. Đối tượng phục vụ không chỉ là nhân dân địa phương mà còn có đông đảo công dân Lào ở bên kia biên giới. Qua đó, góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân hai nước Việt Nam-Lào cùng nhau gìn giữ, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị”.

Hiệu quả đã được khẳng định, tuy nhiên hoạt động của các phòng khám, trạm xá quân dân y kết hợp trên tuyến biên giới Quảng Trị cũng gặp không ít khó khăn. Đó là tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị các phòng khám còn thiếu, lạc hậu; nguồn thuốc cấp phát chưa đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân; mỗi cơ sở quân dân y chỉ được biên chế một cán bộ quân y... Thượng tá Hoàng Văn Kế, Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP tỉnh Quảng Trị cho biết: “Chúng tôi mong có chủ trương tập huấn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho đội ngũ quân y thực hiện nhiệm vụ và được đầu tư thêm trang thiết bị, thuốc men cho các phòng khám, trạm xá quân dân y kết hợp để phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân hai bên biên giới”.

Bài và ảnh: VIẾT LAM

462 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 988
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 988
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77124942