Đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương chợ truyền thống. Không ít một số tiểu thương phải đóng cửa ki-ốt, tạm nghỉ bán hàng do buôn bán ế ẩm, mắc dù các ngành hàng này vẫn được phép hoạt động.
Trước tình hình trên, để có thể kinh doanh buôn bán thuận lợi trong điều kiện phòng chống dịch ngày càng siết chặt, nhiều tiểu thương ở những chợ truyền thống đã đẩy mạnh bán hàng online và thanh toán thông qua ví điện tử. Việc làm này giúp khách hàng mua sắm online không lo dịch bệnh, đồng thời giúp tiểu thương duy trì chi trả được các phí sử dụng, sinh hoạt hàng tháng, cũng giúp tiểu thương kết nối, tìm kiếm thêm nhiều khách hàng, duy trì kinh doanh.
|
Bà Ứng Thị Liên, 68 tuổi, đang gửi thông tin sản phẩm cho khách hàng qua mạng xã hội.
(Ảnh ND) |
Trước đây, nhiều chủ sạp hàng lâu năm vốn quen hình thức “tiền trao cháo múc”, nhiều tiểu thương lớn tuổi ngại dùng ứng dụng trên điện thoại thông minh hay mạng xã hội để bán hàng nên còn khá e dè. Nhưng đứng trước dịch bệnh khiến chợ truyền thống vắng khách, doanh thu sụt giảm, thậm chí không bán được hàng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhiều chủ sạp hàng dần thay đổi suy nghĩ, tiếp cận cách bán hàng hiện đại.
Đơn cử, Bà Ứng Thị Liên, 68 tuổi, chủ một sạp bán nguyên liệu pha chế và bánh kẹo tại chợ Bình Tây, Quận 6 cho biết: Vài tháng nay, bà Liên được con trai mình hướng dẫn dùng mạng xã hội để kết nối với bạn hàng và nhận thanh toán qua chuyển khoản. Khi dịch bùng phát, nhiều khách hàng ngại di chuyển và hạn chế đến nơi đông người nên bà Liên gần như chuyển hẳn qua bán hàng và thanh toán trực tuyến.
Cũng như bà Liên, bà Mai Thị Thanh Thủy - chủ một sạp bánh kẹo tại chợ Bình Tây cũng bối rối ở những lần đầu bán hàng qua mạng xã hội, nhưng càng làm càng quen và thấy thuận lợi. Giờ bà Thanh Thủy thành thạo với việc quay video, chụp hình mẫu sản phẩm mới rồi gửi lên mạng xã hội cho khách hàng lựa chọn, tạo đơn hàng để giao hàng qua các app và nhận tiền bằng chuyển khoản. Nhờ đó, dù lượng khách đi chợ giảm, bà Thủy vẫn giữ được doanh thu gần như khi chưa có dịch.
Qua đó, bà Lê Thị Thủy - Trưởng Ban Quản lý chợ Bình Tây, Quận 6 cho biết, ngày càng nhiều tiểu thương đã chuyển từ thụ động chờ khách hỏi mua, sang chủ động online tìm kiếm khách hàng và bán được hàng, vượt khó trong tình hình dịch bệnh, tạo thêm thu nhập. Đây cũng là hình thức mới đối với tiểu thương nhưng góp phần tiết kiệm rất nhiều chi phí, cũng như đáp ứng được tình hình phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.
Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến kinh tế suy giảm, người dân hạn chế mua sắm nên tiểu thương tại các chợ rơi vào tình cảnh khó khăn. Khi thị trường giảm sức mua sẽ ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của các tiểu thương. Bà con tiểu thương cũng cần có những chiến lược kinh doanh mới như khuyến mại, bán giảm giá để thu hút người mua, kích cầu mua sắm trong tình hình dịch bệnh COVID-19, góp phần phòng chống dịch bệnh.
|
Chợ truyền thống ảm đạm vắng khách trong những ngày dịch bệnh COVID-19. (Ảnh ND) |
Để tháo gỡ khó khăn cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ, nhiều Ban Quản lý chợ đã chủ động hướng dẫn tiểu thương tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến. Đồng thời, báo cáo tình hình kinh doanh của các hộ tiểu thương với cơ quan cấp trên, đề xuất miễn giảm thuế mặt bằng, tùy theo mức thiệt hại của từng ngành hàng để xét miễn giảm thuế.
Trước đây, chợ truyền thống đứng trước áp lực buộc phải thay đổi hình thức kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi, bách hóa hiện đại. Hiện nay, chính dịch COVID-19 đã khiến tiểu thương chợ truyền thống đang nhanh chóng thích nghi và tận dụng mọi hình thức bán hàng để tồn tại.
Dịch bệnh COVID-19 đã tác động ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội. Đối với bà con tiểu thương kinh doanh tại các chợ, không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu, thu nhập và đời sống mà còn ảnh hưởng tới thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Các tiểu thương đều hy vọng dịch bệnh nhanh chóng qua đi để cuộc sống người dân trở về bình thường, buôn bán trở lại. Cùng với đó, các tiểu thương cũng mong muốn các cấp, chính quyền sớm triển khai hỗ trợ theo quyết định của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn phần nào, giúp bà con sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh./.