HIẾU HỌC- PHẨM CHẤT NỔI TRỘI CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ 

Người Quảng Trị có truyền thống hiếu học lâu đời. Truyền thống này bắt nguồn từ mỗi gia đình, dòng họ, từng làng quê. Nhờ vậy, nên Quảng Trị, tuy là mảnh đất nhỏ, nghèo khó, lại phải trải qua bao cuộc chiến tranh tao loạn nhưng từ xưa cho đến nay đã sản sinh ra nhiều tài năng lớn, đỗ đạt cao, có chức vị , uy tín trong xã hội.

Theo Địa chí Quảng Trị: Trong số 39 khoa thi Hội do nhà Nguyễn tổ chức để lấy 291 tiến sĩ và 266 Phó bảng thì Quảng Trị có 14 Tiến sĩ và 10 Phó bảng [1]. Tổng kết lại, tỉnh Quảng Trị dưới triều Nguyễn có 190 người đỗ Cử nhân, còn số người đỗ Tú tài thì không kiểm kê được. Như vậy về hàng đại khoa, tỉnh Quảng Trị có tất cả 24 vị trong số 636 vị toàn quốc. Nếu tính theo tỷ lệ bách phân chiếm 3,77 %. Như vậy Quảng Trị đã vượt mức trung bình đến 7 vị [2]. Đó là một son số rất đáng trân trọng, đủ làm cho mọi người dân Quảng Trị hãnh diện về phong thổ của quê hương mình đã sản sinh ra được nhiều nhân tài.

Phần lớn trong số họ dù là xuất thân từ những gia đình lao động hay những dòng họ khoa bảng…nhưng tất cả đều có một hằng số chung là tinh thần hiếu học; đặc biệt, là ý thức vươn lên làm chủ số phận, để tôi luyện cốt cách, trí tuệ, dùi mài kinh sử thăng tiến bằng con đường học vấn. Tiêu biểu là ông Bùi Dục Tài (1477-1522), người học rộng biết nhiều, nổi tiếng là người hay chữ nhất vùng Thuận Quảng; xuất sắc được trúng cách cả hai kỳ thi Hội và thi Đinh, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức là Hoàng giáp, đứng đầu học vị tiến sĩ), là người khai khoa Tiến sĩ đầu tiên của Quảng Trị nói riêng, vùng Thuận Quảng nói chung.

Nói về truyền thống hiếu học Quảng Trị có nhiều vấn đề cần bàn nhưng không thể không nhấn mạnh tinh thần: Khổ học. Một trong nhưng minh chứng cho nhận định này, đó là từ tháng 8/1966 đến tháng 10/1967, khu vực Vĩnh Linh đã vượt qua mưa bom, bão đạn để đưa được 3 vạn cháu (trong đó có một số cháu ở Cam Lộ, Gio Linh) từ 7- 15 tuổi ra các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình học phổ thông. Tiếp đến từ tháng 11/1967, chỉ sau một thời gian ngắn khu vực Vĩnh Linh lại đưa 22.137 ngưới tán ra các huyện Thạch Hà, Can Lộc (Hà Tĩnh) và Tân Kỳ (Nghệ An) để sơ tán và tiếp tục học hành. Có thể coi “Đây là cuộc hành hương vĩ đại vì con chữ” . Tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, thế hệ trẻ Quảng Trị hôm nay nhiều người được giải thưởng cao trong các kì thi học sinh giỏi Quốc gia, quốc tế. Lý giải truyền thống hiếu học của con người Quảng Trị tựu trung trên 3 khía cạnh sau đây:

 Một là, về nguồn cội của cư dân Quảng Trị. Trước khi có những cuộc di dân lớn từ phía bắc vào thì cư dân bản địa Quảng Trị rất ít ỏi, cùng với điều kiện sống hoang sơ, xa cách kinh thành nên chuyện học hành, thi cử gần như không có trong nếp nghĩ của họ. Chỉ đến khi bắt đầu công cuộc mở cõi về nam của các triệu đại Đại Việt, nhất là đến giai đoạn Nguyễn Hoàng vào đóng đô ở Ái Tử - Trà Bát thì cư dân vùng ngoài mới kéo vào đông đúc. Đại đa số người dân vào lập nghiệp là dân vùng Thanh - Nghệ, một vùng đất hiếu học đặc biệt của nước Việt; đặc biệt biệt sau khi chọn Phú Xuân lập nên triều đại nhà Nguyễn thì kinh đô Huế chỉ cách Quảng Trị vài chục dặm, đường sá bằng phẳng. So với cả nước, Quảng Trị có lợi thế nhất về hành trình lên Kinh thi cử. (Ngay cả với Quảng Nam- Đà Nẵng về phía nam, tuy cũng gần nhưng lại cách đèo hiểm trở ). Bởi thế mà hàng mấy trăm năm trước, cả vùng đất Quảng Trị chưa hề có một vị nào đỗ đạt cao. Mãi tới thời Hậu Lê (Lê Hiến Tông) mới có duy nhất một vị đỗ Tiến Sĩ. Đó là ông Bùi Dục Tài (thi Hội khoa Nhâm Tuất 1520), nhưng từ khi có Triều đại nhà Nguyễn, với kinh đô Huế thì số người có bằng Tiến sĩ, cử nhân ngày càng nhiều. Nếu so sánh diện tích và dân số đối với các địa phương khác thì đấy là một tỉ lệ rất cao. Như vậy có thể khẳng định Người Quảng Trị hàng trăm năm qua đã tích lũy trong máu thịt của mình một phẩm chất hết sức quý báu. Đấy là truyền thống hiếu học cùng với tố chất thông minh. Phẩm chất đó hiện đang được phát huy cao và trở thành một tài nguyên vô cùng quý báu cho sự nghiệp xây dựng phát triển quê hương. Vượt qua nhọc nhằn, khó khăn với lòng khát vọng khổ để thành tài của nhiều vị đại khoa Quảng Trị không chỉ đạt đến danh giá khoa bảng mà còn là tấm gương đáng kính, đáng phục vì chí tiến thủ, đức kiên nhẫn và nghị lực phi thường; hiếu học, tinh thần khổ học đó là kết tinh một cách cô đúc và sinh động khát vọng vươn lên và đức tính cần mẫn chịu thương, chịu khó của người dân Quảng Trị.

Hai là, điều kiện tự nhiên, làm ăn, cuộc sống đời này qua đời khác luôn nghèo túng ở đất Quảng Trị, vừa là trở ngại lớn cho việc học hành thi cử, nhưng đồng thời cũng là động lực rất dữ dội cho nhiều lớp con cháu quyết chí học hành, quyết tâm thi cử đỗ đạt để mong được thoát ra khỏi cảnh nghèo túng. Từng gia đình, từng dòng họ, từng làng xã đều cố làm hết sức mình để động viên con cháu học hành thành tài làm rạng rỡ tổ tông.

Ba là, yếu tố giáo dục. Quá trình nghiên cứu thấy rằng, trong bất luận trường hợp nào người Quảng Trị cũng luôn có ý thức và thái độ học tập tốt. Rõ ràng là con người Quảng Trị phải vừa học một phần trong trường học vừa phải học nhiều ở trường đời, học một phần với thầy còn lại phải tự học, tự hoàn thiện bản thân. Khó khăn càng nhiều thì sự khổ học càng lớn, sự khuyến khích hỗ trợ từ gia đình dòng họ, cộng đồng càng cao.

Ngày nay, truyền thống hiếu học được các thế hệ con em Quảng Trị tiếp nối, phát huy, đó chính là sức mạnh nội sinh trên hành trình phát triển của quê hương. Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

[1] 14 vị Tiến sĩ Quảng Trị được khắc tên tại bia Văn thánh Huế; được tổ chức vinh quy bái tổ; bao gồm: Nguyễn Đức Hoan, sinh năm 1805 (Hải Lăng); Nguyễn Thế Trị, sinh năm 1804 (Triệu Phong); Lê Đức, sinh năm 1812 (Vĩnh Linh); Nguyễn Xuân Thọ, sinh năm 1808 (Vĩnh Linh); Nguyễn Phiên, sinh năm 1814 (Vĩnh Linh); Nguyễn Văn Chương, sinh năm 1812 (Triệu Phong); Nguyễn Đức Tư, sinh năm 1815 (Hải Lăng); Nguyễn Văn Hiển, sinh năm 1827 (Hải Lăng); Lê Thụy, sinh năm 1842 (Triệu Phong); Trần Phát, sinh năm 1842 (Vĩnh Linh); Hoàng Bính, sinh năm 1857 (Triệu Phong); Lê Phát, sinh năm 1854 (Gio Linh); Nguyễn Tự Như, sinh năm 1860 (Gio Linh); Nguyễn Hàm, sinh năm 1882 (Triệu Phong).

[2] Theo Nguyễn Đình Tư, “Giang sơn Việt Nam, đây non nước Quảng Trị, trang 334. 

5718 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 777
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 777
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87015697