HIỂU ĐÚNG VỀ KHÔNG SINH CON THỨ 3 

Thời gian qua, một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiểu chưa đầy đủ về chủ trương chuyển trọng tâm từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa XII “Về công tác dân số trong tình hình mới” và Quyết định số 588/QĐ-TTg, ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Theo đó, họ cho rằng, hiện nay Đảng và Nhà nước cho phép người dân sinh con thứ ba một cách thoải mái. Điều này, đã dẫn đến tình trạng sinh con thứ ba trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng phổ biến, trong đó có cán bộ, đảng viên.

Năm 2006, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và đã duy trì hơn 14 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay đang đối mặt với thách thức đó là: Sự chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, miền; xu hướng không muốn có con hoặc chỉ sinh một con đã xuất hiện ở một số đô thị, thành phố lớn, nơi  kinh tế - xã hội phát triển. Trong khi đó, ở một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thì mức sinh cao; thậm chí rất cao (hơn 2,5 con/phụ nữ). Chính vì vậy, Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng  điều chỉnh: Duy trì mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) tại các địa phương đã đạt, giảm sinh ở nơi có mức sinh cao và khuyến sinh ở những nơi mức sinh đang xuống thấp. Điều này có nghĩa các nội dung trong Quyết định 588/QĐ-TTg sẽ điều chỉnh tùy theo mức sinh thực tế tại các địa phương chứ không phải cào bằng trong toàn quốc. Theo tinh thần đó, Quyết định 588/QĐ-TTg với quy định “Bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ ba trở lên” đã làm cho một số người hiểu rằng: Chính phủ cho phép người dân, kể cả cán bộ, đảng viên được sinh con thứ ba. Sự hiểu nhầm này đã làm cho tỉ lệ sinh con thứ ba trong thời gian qua tăng nhanh, trong đó tỉnh Quảng Trị.

Tỉnh ta đang thuộc vào nhóm địa phương có mức sinh cao trong toàn quốc. Tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên toàn tỉnh đang ở mức 22,0%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước, khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung[1]. Số con trung bình mỗi phụ nữ Quảng Trị đang ở mức 2,45 con cao hơn trung bình của cả nước. Quảng Trị cũng là tỉnh có sự chênh lệch về mức sinh tương đối lớn giữa các vùng miền, cụ thể là: Tỉ suất sinh thô bình quân cả tỉnh dưới15‰ nhưng ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, tỉ suất này trên 24‰. Thực trạng này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; đặc biệt ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phấn đấu của tỉnh đề ra là đạt mức sinh thay thế vào năm 2025 và từng bước nâng cao chất lượng dân số. Để mục tiêu trên trở thành hiện thực, thiết nghĩ:

Cấp ủy, chính quyền cần xem công tác dân số là một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; ban hành các nghị quyết, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm để cụ thể hoá các mục tiêu đã đề ra nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 phù hợp với tình hình địa phương.

Đầu tư nguồn lực, kinh phí, phát triển mạng lưới cán bộ thực hiện nhiệm vụ công tác dân số, nâng cao chất lượng dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt tại cấp xã. Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, đoàn thể nhân dân các cấp, tổ chức xã hội tham gia, giám sát thực hiện công tác này.

Đổi mới truyền thông, vận động về dân số để cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh hiểu đúng và đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có nhận thức của một số bộ phận người dân cho rằng Đảng, Nhà nước cho phép sinh con thứ ba trờ lên. 

Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc nuôi dạy con tốt; tập trung vận động sinh ít con hơn tại những nơi có mức sinh cao; thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường sống lành mạnh, nâng cao sức khoẻ, đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Đề cao tính tiên phong, trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu trong việc thực hiện chính sách dân số, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Lệ Thu

 

[1] 16,28%;  19,67%

 

1529 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1387
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1387
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87108259