Hiệp định Paris về Việt Nam - Mốc son thắng lợi trên Mặt trận ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh 

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, có thể khẳng định rằng, Hiệp định Paris là bước ngoặt lịch sử, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, là đỉnh cao của Mặt trận ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh. Hiệp định Paris tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, đi đến Đại thắng mùa xuân 1975.

Cách đây 51năm, ngày 27/1/1973, tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”, gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam, đã được ký kết. Hiệp định đã buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam. Hiệp định là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta, chưa bao giờ có cuộc đàm phán nào kéo dài và căng thẳng như tại Hội nghị Paris, từ 15/3/1968 đến 27/1/1973, cụ thể kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, với 202 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Việt Nam kiên trì đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân mà không được đòi điều kiện gì.

Cuộc đàm phán Paris trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ ngày 13/5/1968 đến 31/10/1968, ta đấu tranh buộc Mỹ phải chấp nhận chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 31/10/1968; chấp nhận việc triệu tập hội nghị về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam gồm 4 bên với sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Giai đoạn hai từ ngày 25/1/1969 đến giữa năm 1972, ta kiên quyết đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền Sài Gòn, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh nhưng đòi miền Bắc và Mỹ cùng rút quân, đòi duy trì khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn. Giai đoạn cuối cùng từ tháng 7/1972 khi Mỹ buộc phải quay lại bàn đàm phán sau các thất bại ở cả hai miền Nam Bắc. Tuy vậy, Mỹ vẫn nuôi hy vọng đạt được một thỏa thuận trên thế mạnh. Cuối tháng 12/1972, khi con át chủ bài cuối cùng của Mỹ - dùng B52 đánh phá hủy diệt Hà Nội và các thành phố lớn của miền Bắc - đã bị quân và dân ta đánh gục trong chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Mỹ mới chấp nhận ký Hiệp định.

Với Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, tạo so sánh lực lượng mới, thuận lợi cho mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành giải phóng miền Nam. Mỹ rút quân nhưng Việt Nam vẫn giữ nguyên lực lượng chính trị và vũ trang ở miền Nam Việt Nam. Vì vậy, chiến thắng mùa Xuân 1975 hoàn toàn giải phóng miền Nam không tách khỏi thắng lợi của Hiệp định Paris.

Hiệp định Paris 1973 phản ánh thắng lợi ở mức cao trong bối cảnh quốc tế có thuận lợi nhưng cũng phức tạp. Việt Nam đã tranh thủ được cả Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, các nước không liên kết, nhân dân thế giới và hình thành trên thực tế “mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”.

Sự hình thành của mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam đã thể hiện phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế, kết hợp ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân. Nhân tố đóng vai trò quyết định đưa đến thắng lợi của cuộc đàm phán Paris, đó là sự lãnh đạo sáng suốt, đầy trí tuệ, rất bản lĩnh của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đề ra đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường lối quốc tế độc lập tự chủ, đúng đắn sáng tạo.

Nghệ thuật ngoại giao “Đánh kết hợp với đàm”, hoạt động ngoại giao đã góp phần tranh thủ dư luận thế giới, cô lập kẻ thù, hỗ trợ chiến trường và ngược lại, chiến thắng trên chiến trường đã hỗ trợ to lớn cho công tác vận động quốc tế trong các cuộc đàm phán; buộc địch xuống thang từng bước, làm thay đổi so sánh lực lượng, thế trận trên chiến trường.

Một nhân tố quan trọng góp phần tạo ra chiến thắng chính là chúng ta đã chủ động thúc đẩy hình thành được mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Đó là nêu cao chính nghĩa của cuộc đấu tranh của ta, vạch trần tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ; quyết tâm giành độc lập, thế tất thắng của ta và thế thất bại của Mỹ; nêu cao thiện chí hòa bình của Việt Nam; tố cáo tội ác chiến tranh, âm mưu xuyên tạc, lừa bịp của Mỹ.

Cùng với đó là sự chỉ đạo sát sao, sáng suốt của Bác Hồ, Bộ Chính trị và đóng góp to lớn, sáng tạo của Đoàn đàm phán. Đoàn đàm phán đã tìm tòi, xây dựng lập luận sắc bén, có sức tấn công, thuyết phục về những vấn đề quan trọng như quân miền Bắc ở lại miền Nam và quân Mỹ, chư hầu phải rút khỏi Việt Nam; đưa ra nhiều sáng kiến như: Giải pháp đồng bộ 10 điểm, 8 điểm, 7 điểm..; tranh thủ thời cơ và tạo thời cơ, biết nhân nhượng trên cơ sở “dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Hiệp định Paris thắng lợi, đó là việc quán triệt sâu sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, kiên trì quan điểm độc lập, tự chủ; đánh giá và dự báo thời cuộc; nghệ thuật đánh - đàm; tranh thủ dư luận, tập hợp lực lượng tác động vào nội bộ đối phương; xác định rõ mục tiêu, biết giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi cuối cùng; nhân nhượng có nguyên tắc; kiên trì nguyên tắc, linh hoạt sách lược; chủ động tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ, xây dựng lập luận khoa học, lý lẽ sắc bén, thuyết phục; chủ động tiến công giành thế chủ động; tuyên truyền, vận động dư luận...

Trong giai đoạn hiện nay, các bài học cũng như những kinh nghiệm quý báu trên mặt trận ngoại giao của Hội nghị Paris là cơ sơ vững chắc để chúng ta vững bước tiến vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta về công tác đối ngoại, sau hơn 35 năm qua, đặc biệt là trong những nhiệm kỳ gần đây, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Điều này đã Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021.Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy hình ảnh cây tre, để định hướng cho trường phái ngoại giao riêng, đặc sắc và độc đáo của đất nước Việt Nam. Tổng Bí thư khẳng định, hơn 90 năm qua, Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Có thể khẳng định, từ thế bị bao vây, cấm vận, nhưng với phương châm ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, chủ động, chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 190 trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó 3 nước có “quan hệ đặc biệt”, 17 nước “đối tác chiến lược” và 13 nước “đối tác toàn diện”. Đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại Nhân dân và đối ngoại của các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp ngày càng mở rộng, chủ động, tích cực và đi vào chiều sâu. Trong đó, Đảng ta đã có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, bao gồm khoảng 90 đảng cộng sản và công nhân quốc tế, các đảng cầm quyền và tham chính có vai trò quan trọng. Quốc hội có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia và tham gia tích cực tại nhiều diễn đàn nghị viện quốc tế quan trọng. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...

Đồng thời, chúng ta đã tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đạỉ hoá đất nước và phát triển kỉnh tế - xã hội. Từ một nước có nền kinh tế kế hoạch tập trung, bị bao vây, cấm vận, đến nay nước ta đã trở thành một nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, liên kết kinh tế sâu rộng; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao, mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới. Đến nay đã có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến nay đã đạt khoảng 600 tỉ USD, gấp khoảng 120 lần so với những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Chúng ta đã thu hút được hơn 523 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó đã giải ngân được khoảng 250 tỉ USD... Bên cạnh đó, các vấn đê biên giới với các nước liên quan từng bước được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để bảo vệ chủ quyền, giữ vững đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần vào việc củng cố hoà bình, ổn định trong khu vực. Đối với những vấn đề phức tạp về biên giới lãnh thổ, chúng ta luôn giương cao ngọn cờ hoà bình, hợp tác, tích cực trao đổi, đàm phán với các nước liên quan kiểm soát bất đồng, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Nhờ thực hiện tốt đường lối đối ngoại, mà vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hoà bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng với tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN...; đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên họp quốc ở Châu Phi. Trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, tiếng nói, sáng kiến và cách thức giải quyết có lý, có tình trên tinh thần bình đẳng, hoà hiếu và nhân văn của nước ta đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhờ đó vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Với những kết quả và thành tích chúng ta đã đạt được, nhất là sau hơn 35 năm đổi mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Có được những kết quả, thành tích đó là do có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, bình tĩnh, tỉnh táo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước; sự vào cuộc tích cực của toàn bộ hệt thống chính trị, sự đoàn kết, nhất trí đồng tình, ủng hộ của toàn thể Nhân dân.

Chúng ta luôn tin tưởng và kỳ vọng rằng, phát huy tinh thần Hội nghị Paris, công tác đối ngoại nhất định sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa; ghi tiếp các mốc son mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, đưa công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế giành được những thành tựu mới to lớn hơn, toàn diện hơn, vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. 

Hội nghị Paris (1968 - 1973) mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung và ngoại giao cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son không bao giờ phai mờ. Kỉ niệm 51năm ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2024), chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa của văn kiện lịch sử đặc biệt này. Nhiều bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc đàm phán lịch sử này, trong đó, bài học, kinh nghiệm về ngoại giao vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trần Văn Toàn, Trường Chính trị Lê Duẩn

144 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 748
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 748
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77183145