Liên quan đến vấn đề về lao động và công đoàn một trong những nội dung Việt Nam thận trọng trong đàm phán và ký kết, CPTPP sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về hoạt động công đoàn, sự biến động về đội ngũ công nhân, lao động, về pháp luật lao động và công đoàn, tạo ra những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực đan xen đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam.
Trước hết là những yếu tố tích cực: Khi CPTPP được thực hiện sẽ đưa đến sự gia tăng nhanh về số lượng lao động cũng như sự phát triển của doanh nghiệp, làm tăng nhanh lực lượng công nhân, lao động, quan hệ lao động không tránh khỏi phát sinh mâu thuẩn giữa người lao động và giới chủ, người lao động sẽ tìm tổ chức đại diện cho mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, đây là điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn có nguồn để phát triển đoàn viên , thành lập công đoàn cơ sở. Tham gia CPTPP đòi hỏi hệ thống pháp luật của nước ta phải hoàn thiện hơn, phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế, đòi hỏi việc quản lý nhà nước về lao động phải minh bạch hơn, bảo đảm thực hiện nghiêm túc về chính sách lao động và công đoàn trong các doanh nghiệp, sẽ giúp cho tổ chức công đoàn hoạt động được thuận lợi hơn, phát huy được vai trò và thực hiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn. Thông qua sự phát triển mạnh mẽ các quan hệ thương mại sẽ góp phần tạo cơ hội để Công đoàn Việt Nam gia tăng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và công đoàn, trao đổi kinh nghiệm hoạt động và thực thi các công ước quốc tế về lao động và công đoàn, tranh thủ sự hỗ trợ mọi mặt của công đoàn các nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Về tác động tiêu cực: CPTPP đặt ra thách thức không nhỏ cho Công đoàn Việt Nam, đó là ngoài việc gia tăng nhanh về số lượng lao động do sự phát triển của doanh nghiệp, quan hệ lao động phức tạp hơn, ngược lại tự do hoá thương mại và cạnh tranh làm cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng phải thu hẹp sản xuất, giải thể, phá sản, một bộ phận người lao động bị mất hoặc thiếu việc làm, ảnh hưởng tiêu cực đến việc ổn định hoạt động công đoàn cơ sở, năng lực thích ứng của cán bộ công đoàn kể cả công đoàn cấp trên cơ sở chưa đáp ứng để thực hiện chức năng đại diện, giải quyết những phát sinh trong quan hệ lao động để bảo vệ quyền lợi để thu hút sự gắn bó của người lao động, đoàn viên với tổ chức công đoàn. Pháp luật lao động và công đoàn sẽ thay đổi thích ứng với công ước quốc tế ( quyền tự do liên kết- công ước 87, quyền thương lượng tập thể- công ước 98) sẽ tác động tới môi trường lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Vì vậy, để Công đoàn Việt Nam hoạt động thích ứng với CPTPP, tiếp tục phát triển và trở lại đúng vai trò của công đoàn đối với người lao động thì cần phải có sự chuẩn bị về chiến lược và đối sách hiệu quả nhằm hạn chế những tiêu cực, phát huy tích cực, kiểm soát được các cam kết về lao động và công đoàn theo hướng có lợi cho sự phát triển của Công đoàn Việt Nam thì cần có một số giải pháp cơ bản sau:
- Phải có chiến lược giữ vững và phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh vì nó quyết định sự tồn tại và phát triển của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Phải thay đổi một cách căn cơ về công tác phát triển đoàn viên từ công tác tuyên truyền đến khi tổ chức thành lập công đoàn cơ sở, làm sao đển người lao động hiểu được lợi ích đích thực của bản thân để tự nguyện tham gia tổ chức công đoàn. Trong phát triển đoàn viên, không chỉ chú trọng đến các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước, kinh tế tư nhân, FDI, mà còn quan tâm đến người lao động khu vực kinh tế phi kết cấu để gia tăng số lượng đoàn viên.
- Công đoàn phải thực hiện đúng chức năng “bẩm sinh” của mình, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, bảo vệ người lao động là bảo vệ ngay từ lúc người lao động tham gia quan hệ lao động, thực hiện hợp đồng lao động, trong xãy ra tranh chấp lao động, không chỉ bảo vệ riêng người lao động mà còn thể hiện sự chăm lo cho người lao động khi họ mất việc làm hoặc gia đình gặp khó khăn… Làm được điều đó để chứng minh cho người lao động thấy được vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của họ, để họ tin tưởng vào tổ chức công đoàn và sắn sàng gia nhập, tích cực tham gia hoạt động và xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam, không cần một tổ chức đại diện khác.
- Xây dựng một đề án đổi mới toàn diện hệ thống tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, thẳng thắn nhận diện về những yếu kém, tồn tại của của tổ chức Công đoàn hiện nay, nhất là vai trò đại diện của tổ chức công đoàn cơ sở; năng lực, trình độ và kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, hiện tượng hành chính hoá trong hoạt động của cán bộ công đoàn, hay có thể gọi là “công chức công đoàn” vẫn khá phổ biến, làm cho hoạt động công đoàn bị xơ cứng; chưa gắn được trách nhiệm của cán bộ công đoàn với quyền, lợi ích của người lao động khi bị vi phạm. Vì vậy, trong đổi mới hoạt động công đoàn thích ứng với CPTPP thì điều quan trọng nhất phải xác định cán bộ công đoàn là một “nghề” bảo vệ người lao động, và khi đã là một “nghề” thì công đoàn không bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động thì người lao động không tham gia tổ chức công đoàn và đóng đoàn phí cho tổ chức công đoàn hoạt động, dẫn đến cán bộ công đoàn “thất nghiệp”. Từ cách nhìn nhận trên, thì phải thực sự đổi mới tư duy, nhận thức về cán bộ và công tác cán bộ công đoàn; phải xây dựng tiêu chuẩn cán bộ công đoàn, thông qua phong trào công nhân, lao động để lựa chọn cán bộ công đoàn do người lao động bầu ra để qui hoạch, đào tạo bài bản về chính trị, chuyên môn đặc biệt là kỹ năng thuyết phục quần chúng và kiến thức pháp luật lao động, năng lực đám phán, thương lượng…
Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ (2018-20123) sắp đến gần, gắn với thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sửa đổi Luật Công đoàn (2012), Bộ Luật Lao động (2012), Quốc hội sẽ thông qua trong năm 2019 theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 ( khoá XII) của Đảng. Đây là cơ hội để Công đoàn Việt Nam chuẩn bị những quyết sách quan trọng, tham gia với Đảng, Nhà nước trong quá trình sửa đổi pháp luật lao động và công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam tạo thuận lợi cho tổ chức công đoàn đủ mạnh về nguồn lực, hành lang pháp lý, chủ động về công tác cán bộ và tài chính công đoàn để thực hiện một đề án đổi mới trong tổ chức và hoạt động, thích ứng với CPTPP, thu hút sự tham gia đông đảo của công nhân, lao động để xây dựng giai cấp công nhân, giai cấp cách mạng và tiền phong của Đảng làm nòng cốt trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế./.
Nguyễn Đăng Bảo
Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh