Hiệp định CPTPP: Mở rộng chân trời kinh doanh Việt Nam-Canada 

(Chinhphu.vn) - Ngày 25/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hiệp định CPTPP: Mở rộng chân trời kinh doanh Việt Nam-Canada”.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo nhằm mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được các thông tin về Hiệp định CPTPP, đặc biệt là cam kết của Việt Nam và Canada trong CPTPP; hiểu được cơ hội thách thức, cũng như khả năng tận dụng CPTPP đối với doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Canada; phát triển hợp tác thương mại, đầu tư với Canada; đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng khu vực.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho biết, Canada được xem là một trong những thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam. Theo thống kê của Hải quan Canada, thương mại song phương của hai nước đã tăng hơn 4 lần trong 10 năm qua, tính từ năm 2008 đến năm 2018 và tăng tới 23 lần nếu tính từ năm 2000. Dự báo mức tăng trưởng thương mại bình quân trong những năm tới có thể đạt hơn 20%. Việt Nam hiện nay đang là nước có lợi thế lớn trong thương mại song phương, xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 đạt 4 tỷ USD, xuất siêu 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% tổng nhập khẩu của Canada. Điều này cho thấy, với khả năng cung ứng hàng hóa của Việt Nam và nhu cầu của Canada, dư địa phát triển xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn còn rất lớn.

Đại diện Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, ông Jared Brading cho biết khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Canada cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay lập tức, trong đó bao trùm 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chuyển từ mức thuế MFN trung bình là 17% xuống 0%. 

Chia sẻ thêm về cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Canada, bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho rằng thị trường Canada đang mang lại cơ hội “có một không hai” để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của mình. Các lĩnh vực tiềm năng có thể phát triển mạnh như thủy sản, đồ gỗ nội thất, dệt may, giày dép và hàng nông sản. Trong đó, các mặt hàng thủy sản đang là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường này, nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao như cá basa (chiếm 100% thị trường cá da trơn nhập khẩu của Canada); tôm bao gồm tôm đông lạnh và tôm chế biến đứng đầu trong số các nước xuất khẩu tôm vào Canada và chiếm 1/3 thị phần nhập khẩu; cá ngừ vàng, mắt to đông lạnh chiếm 8% thị phần... Thuế MFN của Canada đối với các mặt hàng này sẽ giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục giữ vững thị phần và đa dạng hóa các chủng loại mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này.

Tại Phiên thảo luận của Hội thảo, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho biết thêm về cơ bản, nhiều doanh nghiệp của chúng ta đã đáp ứng được tốt các yêu cầu khắt khe về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Cơ quan Quản lý chất lượng thực phẩm Canada (CSIA). Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp khi tranh thủ mức thuế ưu đãi để tiếp cận sâu hơn vào thị trường Canada không được lơ là về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vì hiện nay phía Canada chỉ kiểm tra xác suất, tránh mất uy tín mà đánh mất một thị trường tiềm năng.

 

 

Toàn cảnh Hội thảo

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may cho rằng, Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và Canada tìm hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của nhau để bổ sung cho nhau. Ví dụ: Doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác nguồn nguyên, phụ liệu dệt may của Canada, tiếp cận sâu hơn để nghiên cứu thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của một thị trường tiềm năng như Canada. Hoặc các doanh nghiệp Canada có thể đầu tư hoặc liên doanh liên kết đầu tư sản xuất sợi, vải với công nghệ tiên tiến tại Việt Nam để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu vào Canada, hoặc một nước khác trong CPTPP. Mục đích là đáp ứng yêu cầu xuất xứ của CPTPP để hưởng thuế suất ưu đãi.

 

Đối với ngành dệt may, “quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi” trong CPTPP hiện nay đang là bài toán khó cho Việt Nam, khi hiện tại chúng ta chưa hình thành được các chuỗi cung ứng trong nước cũng như trong nội khối CPTPP. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu tận dụng các quy định ngoại lệ như: Danh mục nguồn cung thiếu hụt hoặc một số sản phẩm CPTPP chỉ quy định hai công đoạn cắt may như: Vali, túi xách, áo lót, quần áo trẻ em bằng vải tổng hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp mạnh có thể liên doanh, liên kết đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu hoặc liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và FDI (trong đó có Canada) sản xuất sợi, vải, NPL, hình thành chuỗi cung ứng, từng bước đáp ứng yêu cầu xuất xứ.

 

Về mặt đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng, ông Lucas Trần, Giám đốc Công ty Giải pháp cung ứng bền vững toàn cầu GSS cho rằng ngoài việc phải đầu tư bài bản về cơ sở vật chất nhà xưởng, bảo đảm về năng lực, quy mô sản xuất, họ còn phải bảo đảm các vấn đề: Đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như ISO 9001, TQM, ISO 13485, HACCP…, các chương trình cải tiến trong doanh nghiệp như 5S, Kaizen, Lean, chứng minh sự tuân thủ về trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh (CSR).

 

Giám đốc GSS còn cảnh báo một số trường hợp doanh nghiệp đáp ứng khá tốt các yêu cầu chất lượng của khách hàng, tuy nhiên, chỉ vì một số thiếu sót nhỏ mà gây mất uy tín, ảnh hưởng đến cả đơn hàng hoặc mất hẳn khách hàng lớn, tiềm năng. Ví dụ có những doanh nghiệp không kiểm soát được an ninh nội bộ theo chương trình an ninh chuỗi cung ứng của khách hàng, nhất là an ninh khu vực đóng gói và kho thành phẩm. Điều này dẫn tới việc có những dị vật trong các thùng hàng hoặc container xuất khẩu sang các nước khiến các đối tác nhập khẩu lo lắng và yêu cầu doanh nghiệp phải điều tra, giải trình, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thậm chí từ chối tiếp nhận đơn hàng cho đến khi có kết quả phản hồi thỏa đáng từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu.

 

 

Tại Hội thảo, Ban Tổ chức cũng thông báo việc Bộ Ngoại giao Canada đã phê duyệt Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững - Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thực thi CPTPP”. Dự án sẽ do Chính phủ Canada tài trợ, tập trung vào các hoạt động đào tạo, tư vấn chuyên sâu 1:1, với mục tiêu là hỗ trợ các tổ chức chính phủ, hiệp hội và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp có lãnh đạo nữ có giải pháp thiết thực, để tận dụng được các cơ hội, ưu đãi mà Hiệp định CPTPP mang lại. Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp triển khai dự án này.

 

Linh Đan

292 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 922
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 922
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87007032