Hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế 

(ĐCSVN) - Diễn đàn là hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan phát động vào ngày 03/9/2019 vừa qua.

 

Hình ảnh tại Diễn đàn 

Ngày 19/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân luôn ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chấn hưng dân tộc.Trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước,đội ngũ doanh nhân tư nhân cũng luôn phát huy trí tuệ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, vượt khó vươn lên kinh doanh thành công, góp phần làm cho đất nước cường thịnh. Chính vì thế cộng đồng doanh nhân tư nhân luôn khát khao được đóng góp ý kiến, hiến kế cho Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng luôn mong muốn Đảng, Nhà nước lắng nghe, thấu hiểu nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đất nước vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cùng với đó,cuộc vận động và Diễn đàn hôm nay sẽ góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 10, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trở thành hiện thực sinh động trong đời sống.

Diễn đàn thu hút hơn 300 đại diện doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân trong nước và nước ngoài là hội viên của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam. Đây làm một điểm nhấn tích cực, thể hiện sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cả nước trong việc tham gia Cuộc vận động.

GS.TSKH Nguyễn Mại tham luận tại Diễn đàn 

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi nhiều vấn đề xung quanh việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và phát triển kinh tế tư nhân nói riêng. Thành tựu kinh tế-xã hội và sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân năm 2018 là tiền đề để thực hiện vượt mức mục tiêu năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân trong đó có hàng nghìn tập đoàn kinh tế. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài cho rằng, cần có giải pháp về thế chế và quản trị doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển tập đoàn kinh tế trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nghiên cứu và phát triển, làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm, đồng thời quy định minh bạch về quan hệ hợp đồng trong nội bộ tập đoàn để đề phòng và xử lý kịp thời tình trạng “chuyển giá,” trốn thuế, sở hữu chéo, hình thành mối “quan hệ cánh hẩu” giữa doanh nghiệp với ngân hàng, với cơ quan nhà nước. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tập đoàn kinh tế xây dựng và phát triển thương hiệu, nhất là tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới để không chỉ gia tăng nhanh chóng quan hệ thương mại và đầu tư, mà còn có thể tham gia đầu thầu quốc tế những dự án quy mô lớn.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn thiện luật pháp liên quan đến huy động vốn, tích tụ và tập trung vốn tạo hành lang phát lý cho hoạt động của tập đoàn; coi trọng đầu tư vốn để có công nghệ hiện đại nhằm tạo lập và quảng bá thương hiệu đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng cơ chế thuận lợi, thủ tục đơn giản để doanh nghiệp tiếp cận được các quỹ của ngành, của địa phương. Hợp tác theo chuỗi cung ứng sản phẩm trong nước và toàn cầu là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị trường trong nước, cạnh tranh thắng lợi trên thị trường thế giới.

Nhằm thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienViePostBank Nguyễn Đình Thắng kiến nghị, Nhà nước cần sớm ban hành các luật, khung pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới, sáng tạo để kiến tạo, khuyến khích, hỗ trợ cho sự phát triển ứng dụng công nghệ 4.0, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Luật và các văn bản dưới Luật cần phải đồng bộ, cụ thể, rõ ràng phù hợp cơ bản với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng về chính sách cho các loại hình doanh nghiệp, loại bỏ các văn bản dưới Luật cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, địa phương có chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng công nghệ Việt Nam, sản phẩm Việt Nam chất lượng ứng dụng công nghệ cao.

Các doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân đã đem đến Diễn đàn hơn 100 tham luận  với nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm “hiến kế” với Đảng, Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đất nước như: Đề xuất về giải pháp xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam bền vững; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp; Phát triển bền vững, hiệu quả kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình và các hình thức kinh doanh cá thể cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ; phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia; Khuyến khích thành lập doanh nghiệp, phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; Cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và phát triển nhanh, bền vững và đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; Xúc tiến thương mại hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam; Hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn; Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam…

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu kết luận Diễn đàn 

Phát biểu kết luận Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Diễn đàn này nằm trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện triển khai Cuộc vận động, đồng thời thể hiện quan điểm của Đảng xác định vai trò kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như đã nêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII. Theo đó, Đảng và Nhà nước luôn đồng hành, lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu các phản ánh khó khăn, vướng mắc và ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân về hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng trên tinh thần mọi cơ chế, chính sách phải bám sát thực tiễn cuộc sống và phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Những ý kiến thảo luận, phản ánh, góp ý, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân cho thấy tinh thần doanh nghiệp, doanh nhân hết lòng vì Đảng, Nhà nước và phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Các bài viết, báo cáo, cũng như những ý kiến, đề xuất tại Diễn đàn sẽ được tập hợp gửi về Ban Tổ chức Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” để xem xét, đánh giá, tôn vinh tại Lễ tổng kết Cuộc vận động.

Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” nhằm mục đích khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và huy động trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước./.

 
Hiền Hòa
398 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 713
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 713
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78066907