Ảnh: VGP/Thúy Hà
Ngày 14/5, bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Paris Descartes (Pháp) phối hợp tổ chức Hội nghị sản phụ khoa Việt- Pháp năm 2018. Hội nghị kéo dài 2 ngày (14 và 15/5) với 75 bài tham luận của các diễn giả trong nước và quốc tế về chuyên ngành sản phụ khoa.
Các tham luận cập nhật những tiến bộ mới trên thế giới như sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm HIV DNA, kỹ thuật phẫu thuật sa sinh dục đường âm đạo, các kỹ thuật cầm máu khi tai biến chảy máu sau sinh, rau cài răng lược, các khuyến cáo về lạc nội mạc tử cung, chữa hiếm muộn…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, hội nghị là cơ hội để các bác sĩ chuyên ngành sản phụ khoa Việt Nam được chia sẻ kinh nghiệm cũng như cập nhật những kỹ thuật mới, bởi không phải bác sĩ sản phụ khoa nào của Việt Nam cũng có cơ hội được sang học tập kinh nghiệm những kỹ thuật mới của các đồng nghiệp nước Pháp.
Đặc biệt là vấn đề hiếm muộn – hiện nay đang là một gánh nặng của ngành y tế Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu tới đời sống của các cặp vợ chồng và đời sống xã hội.
Theo một nghiên cứu quốc gia mới đây của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, tỉ lệ các cặp vợ chồng bị hiếm muộn là 7,7%, trong đó 3,9% hiếm muộn nguyên phát và 3,8% là hiếm muộn thứ phát.
Có những vùng miền và thành phố, tỉ lệ vợ chồng hiếm muộn cao như Hà Nội 13%, Khánh Hòa gần 14%. Con số này tương đương với khoảng một triệu cặp vợ chồng ở Việt Nam đang phải sống trong tình trạng hiếm muộn. Trong đó, nguyên nhân hiếm muộn do nam chiếm 40%, do nữ chiếm 40%, nguyên nhân phối hợp 10%, không rõ nguyên nhân 10%.
Hiếm muộn tác động tiêu cực đối với chất lượng cuộc sống các cặp vợ chồng, ảnh hưởng đến các khía cạnh của cuộc sống của họ như là mối quan hệ hôn nhân, thỏa mãn nhu cầu tình dục và tâm lý xã hội phúc lợi. Bên cạnh những căng thẳng về mặt tâm lý và sinh lý, họ cũng bị thiệt hại về kinh tế do chi phí điều trị quá cao, sự tuân thủ điều trị nghiêm ngặt, đôi khi người bệnh phải trì hoãn hay nghỉ việc trong thời gian điều trị… làm giảm sút nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, nhiều diễn giả tại Hội nghị cho rằng, ở Việt Nam hầu như chưa có nghiên cứu nào được công bố chính thức, để cập một cách toàn diện về tình trạng chất lượng cuộc sống của những người hiếm muộn. Phần lớn, các nghiên cứu mới chỉ nêu được một số yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống của người hiếm muộn như tình trạng kết hôn, nguyên nhân hiếm muộn…
Đặc biệt, khi nhắc tới hiếm muộn, trong thực tế hiện nay, người phụ nữ thường phải chịu tác động về tinh thần mạnh hơn rất nhiều so với nam giới. Hơn nữa, các thuốc nội tiết mà người phụ nữ dùng có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ trong khi nam giới lại không phải chịu tác động từ thuốc, quá trình chẩn đoán và điều trị cũng có nhiều xâm lấn có thể khiến phụ nữ bị căng thẳng và tổn thương hơn.
Thúy Hà