Cầu Xóm Sen bắc qua sông Bến Đá phục vụ đi lại cho hơn 300 hộ dân ở thôn Mỵ Trường, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng đang xuống cấp nghiêm trọng. Cầu có chiều dài hơn 30 m, rộng 1,5 m, được người dân góp sức, góp vốn tự xây dựng từ năm 1977 bằng cách đúc các tấm bê-tông ghép lại bắc qua đoạn sông vừa rộng, vừa sâu. Dầm cầu được làm bằng những cọc bê-tông nhỏ, nhiều chỗ đã bong tróc phần bê-tông để lộ ra những thanh thép hoen rỉ. Mố cầu làm bằng sắt qua hơn 40 năm sử dụng, đến nay đã gần gãy, chỉ cần một trận lũ lớn xảy ra là cầu sẽ bị cuốn trôi. Đáng chú ý, chiếc cầu không có thành chắn hai bên nên dễ gây nguy hiểm cho người dân qua lại trong mùa mưa lũ. Thế nhưng hằng ngày, người dân và các em học sinh ở địa phương vẫn phải đi lại trên những chiếc cầu này vì không còn con đường nào khác.
Chị Hồ Thị Hòa, ở thôn Mỵ Trường, xã Hải Trường cho biết: Mỗi khi mưa lũ đến, các gia đình phải đưa thuyền chở con em qua bên kia sông đến trường học, không thể yên tâm để các em tự đi qua cầu. Trên chiếc cầu này đã xảy ra hơn 20 vụ tai nạn làm cả người và xe rơi xuống sông. Người dân địa phương mong muốn tỉnh Quảng Trị và huyện Hải Lăng sớm đầu tư xây mới một chiếc cầu thay thế cầu Xóm Sen để người dân đi lại thuận tiện. Chủ tịch UBND xã Hải Trường Nguyễn Phương cho biết: UBND xã Hải Trường đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên với mong muốn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa cầu phục vụ cho việc đi lại của người dân địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trước mắt, chính quyền địa phương cho gia cố lại một số hạng mục xuống cấp để người dân đi lại nhưng mới chỉ là giải pháp tạm thời.
Cầu Trâm Lý bắc qua sông Nhùng nối liền hai xã Hải Quy và Hải Phú, huyện Hải Lăng được xây dựng từ năm 1985 nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng đây là cây cầu trên con đường huyết mạch giúp hơn 5.000 người dân và học sinh trong vùng đi lại nên vẫn phải sử dụng. Dầm cầu bằng sắt đã hoen rỉ đứt gãy hai đầu, thành cầu bị vỡ, gãy, nhiều nơi không còn thanh chắn, bề mặt cầu nhiều vị trí bị nứt toang hoác… Mỗi lần có phương tiện qua lại là chiếc cầu rung lắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn trong mùa mưa bão. Lo lắng về độ an toàn của cây cầu đối với người và phương tiện, chính quyền địa phương đã treo biển cấm ô-tô chạy qua. Ông Võ Mai Phụng, ở thôn Trâm Lý, xã Hải Quy cho biết: Vào mùa mưa lũ, hai đầu cầu bị ngập nước cao, ở giữa cầu không đi được. Mong các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ để người dân sớm có cây cầu chắc chắn đi lại.
Theo báo cáo của UBND huyện Hải Lăng, trên địa bàn có hơn 165 cây cầu dân sinh, trong đó có 50 cây cầu bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng cần được đầu tư xây mới. Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hải Lăng Trần Kim Cương cho biết: “Sau khi thống kê hiện trạng xuống cấp của nhiều cây cầu trên địa bàn, chúng tôi đã gửi hồ sơ lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam và được chấp thuận xây dựng cầu mới thay thế một số cây cầu xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng không biết vì lý do gì đến nay dự án vẫn chưa được triển khai”.
Đến huyện Vĩnh Linh, nhìn cây cầu Kêng, ở xã Vĩnh Chấp xuống cấp, chúng tôi không khỏi lo lắng cho người dân địa phương mỗi khi qua lại trên chiếc cầu này. Phần móng cầu chỉ xây bằng đá, không có bê-tông cốt thép; phần chân móng bị sạt lở do nước lũ xói vào. Nếu cầu không được sửa chữa kịp thời thì nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ông Trần Bá Hội, ở thôn Tân Định (Vĩnh Chấp) cho biết: “Mỗi lần đi đánh bắt cá phía sông dưới cầu, tôi thấy xe ô-tô chạy qua làm cầu rung lắc mạnh, nhiều mảng bê-tông nứt rơi xuống, rất nguy hiểm. Cầu này trong mùa mưa lũ nguy cơ sập đổ rất cao”. Dọc tuyến đường từ xã Vĩnh Chấp nối liền xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh và thôn Trầm Kỳ, xã Sen Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) có chiều dài hơn 12 km nhưng có đến bốn cây cầu đã xuống cấp, tải trọng yếu. Theo thống kê, hiện toàn huyện Vĩnh Linh có 11 cây cầu bê-tông cốt thép đã xuống cấp, nhưng địa phương không đủ nguồn lực để tu sửa và xây dựng mới.
Mùa mưa bão năm nay diễn biến khá phức tạp, hàng nghìn người dân ở tỉnh Quảng Trị rất lo lắng vì phải đi lại trên những chiếc cầu xuống cấp, hiểm nguy luôn rình rập, đe dọa đến tính mạng. Mong các cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Trị sớm quan tâm, nhanh chóng có phương án đầu tư xây dựng, sửa chữa để bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia lưu thông.
UBND huyện Vĩnh Linh chỉ đạo các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương tuyên truyền cho người dân, nơi nào cầu yếu các phương tiện có tải trọng lớn không nên qua lại. Về lâu dài, huyện Vĩnh Linh đề nghị các cấp, ngành tỉnh Quảng Trị và Trung ương đầu tư và lồng ghép các dự án để giúp địa phương xây dựng lại những cầu yếu này.
VÕ VĂN TRÀ
Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Linh |
Những cây cầu đã xuống cấp nhưng hằng ngày người dân vẫn phải lưu thông qua lại, hiểm họa càng gia tăng khi đang ở vào kỳ mưa bão, diễn biến bất thường của thời tiết. Mong các cấp chính quyền và các ngành liên quan ở tỉnh Quảng Trị sớm quan tâm đầu tư sửa chữa hoặc làm mới cầu giúp nhân dân yên tâm đi lại.
VÕ VĂN KHÁI
Trưởng thôn Mỵ Trường, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng
|