Đó là ý kiến của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại Hội thảo “Những thông lệ tốt nhất về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo: Kinh nghiệm của Việt Nam” do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) phối hợp với Hiệp hội tín dụng Nông nghiệp nông thôn châu Á-Thái Bình Dương (APRACA), Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) phối hợp tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Vốn tín dụng chính sách phủ kín 100% xã, phường cả nước
|
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo. Ảnh:VGP/Huy Thắng |
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, sau hơn 30 năm đổi mới, tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam luôn được Đảng, Chính phủ và ngành ngân hàng đặc biệt quan tâm. Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, chính sách tín dụng dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội đảm nhận.
Phó Thống đốc cho biết, cùng với đó, các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai rộng khắp trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, các chương trình tín dụng của ngành ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho người nghèo là một trong những “trụ cột” của hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.
Dòng vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói vào năm 2002, sớm hơn 13 năm so với mục tiêu đặt ra; đưa Việt Nam từ một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp chuyển mình thành một quốc gia có thu nhập trung bình từ năm 2010 với quy mô kinh tế đạt trên 220 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD năm 2017.
Theo Phó Thống đốc, tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và người nghèo được thể hiện qua nhiều kết quả nổi bật.
Đại diện ngân hàng tiên phong trong việc cấp tín dụng cho hộ nghèo, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho biết thêm, đến nay đã có hơn 20 chương trình tín dụng dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách, tổng dư nợ đạt 182.988 tỷ đồng, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ; trong đó tỉ trọng tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tới gần 94% tổng dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã phường, thị trấn trên cả nước. Trong hơn 15 năm qua, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách đã góp phần giúp trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút và tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động; hơn 3,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn canh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,7 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...
“Nguồn vốn tín dụng này đã đáp ứng kịp thời, có hiệu quả nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách ở nông thôn, góp phần giảm nghèo, nâng cao mức sống của người nông dân, thu hẹp dần chênh lệch thu nhập giữa các vùng và ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn", lãnh đạo NHCSXH cho biết.
Dưới góc độ quốc tế, ông Prasun Kumar Das, Tổng Thư ký APRACA cho biết, APRACA đang hỗ trợ các NHCSXH và Agribank thông qua việc trao đổi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, tham quan các mô hình, tổ chức thành công đồng thời hỗ trợ xây dựng các thể chế ở nông thôn nhằm cung cấp tín dụng cần thiết cho việc phát triển và khởi nghiệp. Với gần 7 triệu người gửi tiết kiệm thường xuyên, Ngân hàng Chính sách đang là tổ chức có khả năng huy động tiết kiệm hiệu quả nhất trong số các đơn vị chủ chốt cung cấp dịch vụ tài chính vi mô với 70% thị phần. Điều này có được nhờ vào phương pháp tiếp cận khách hàng rất đặc thù của NHCSXH.
|
Ảnh minh hoạ. |
“Với mạng lưới rộng khắp của NHCSXH, Việt Nam có một trong những hệ thống phân phối tín dụng vi mô rộng lớn nhất trên thế giới. Bao phủ gần 11.000 xã thông qua mạng lưới điểm giao dịch cấp xã”, ông Prasun Kumar Das nói.
Giải quyết những thách thức trong dài hạn
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho rằng, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Cụ thể như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt… trong đó, sản xuất nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng mạnh và rõ nét nhất. "Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, đồng nghĩa với thu nhập của một bộ phận người dân sẽ ít được cải thiện hơn và người nghèo sẽ là nhóm dễ bị tổn thương hơn cả. Những vấn đề này đã, đang và sẽ đặt ra nhiều thách thức cho công tác giảm nghèo nói chung và hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo nói riêng," Phó Thống đốc lưu ý.
Theo đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) một trong những khó khăn là sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thay đổi của thị trường … tuy nhiên vẫn còn thiếu các biện pháp, công cụ phòng ngừa để hạn chế rủi ro, vì vậy việc đầu tư của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp vừa được Chính phủ ban hành nên thực tế việc triển khai còn hạn chế. Tình trạng người nông dân không tìm được nhà tiêu thụ khi đến vụ thu hoạch dẫn đến nông sản ứ thừa, mất giá phải “giải cứu” vẫn thường xuyên diễn ra đã tác động không nhỏ đến thu nhập, đời sống của người nông dân và chất lượng tín dụng cho vay của ngân hàng.
Việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ yếu kém do số lượng doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính và quản lý để làm vai trò đầu mối của chuỗi liên kết còn hạn chế, khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu; chế tài trong liên kết chưa nghiêm dẫn đến tình trạng phá vỡ cam kết của hợp đồng liên kết, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người dân tham gia liên kết…
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách và những thông lệ tài chính tốt nhất có thể giúp Việt Nam huy động và phân bổ sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả cho công cuộc tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp cũng như xóa đói giảm nghèo.
Cần tính toán phương thức triển khai tại từng định chế tài chính trong cung cấp tài chính cho khu vực nông nghiệp nông thôn và cho người nghèo cần phát huy những gì đã có và cải tiến, sáng tạo như thế nào để giúp nâng cao hiệu quả dòng vốn phục vụ nông nghiệp nông thôn, phục vụ người nghèo? Sự liên kết giữa các định chế tài chính này với các định chế khác được nhà nước khuyến khích cung ứng dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp nông thôn như thế nào? Sự liên kết với các tổ chức chính trị xã hội để cung vốn tín dụng bền vững, hiệu quả hơn?
Cần tiếp tục thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ (tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc) nhằm hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Cần đẩy mạnh đầu tư tín dụng góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo mô hình liên kết, sản xuất hàng hóa lớn và ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung vào các sản phẩm thế mạnh như cà phê, tiêu, điều, cao su, lúa gạo, thủy sản… góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
Về phía mình, NHNN sẽ chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng phù hợp với đặc thù lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các đối tượng khách hàng.
Có cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho rằng: quy mô sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, manh mún, năng lực sản xuất hạn chế, đầu tư thiếu đồng bộ, máy móc thiết bị sản xuất, chế biến chậm đổi mới; cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ. Việc giải ngân một số Dự án ODA... tiến độ giải ngân chậm, đối tượng vay khó tiếp cận nguồn vốn dự án do đối tượng khách hàng là tổ hợp tác hoặc hợp tác xã năng lực yếu, không đủ điều kiện vay vốn, không có vốn góp của xã viên…
Bà Nguyễn Thị Phượng kiến nghị cần tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là đầu tư từ ngân sách nhà nước về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, các yếu tố đầu vào, trợ giá.
“Các cơ quan chức năng cần xem xét mở rộng đối tượng đầu tư một số dự án tài trợ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng số lượng khách hàng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi”, bà Nguyễn Thị Phượng đề nghị.
Mạnh Thắng