Hệ thống thông tin thị trường lao động giúp xác lập lương tối thiểu 

(Chinhphu.vn) - Lương tối thiểu nên được xác lập dựa trên bằng chứng về tình hình kinh tế và thị trường lao động, để bảo đảm mức lương tối thiểu mới giúp phát triển doanh nghiệp (DN) bền vững trong khi vẫn bảo vệ lợi ích cho người lao động. Để làm được điều này, Việt Nam cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động tốt hơn.

Đây là quan điểm của ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam khi trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề tăng lương tối thiểu 6,5% trong năm 2018.

 

 

Ông có thể cho biết quan điểm của ILO về mức tăng lương tối thiểu 6,5% cho năm 2018?

 

 

 

Ông Chang-Hee Lee: Đây là quyết định chung của Chính phủ Việt Nam, người sử dụng lao động và công đoàn thông qua Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hoàn toàn tôn trọng điều đó. Tôi chắc chắn rằng quá trình đi đến đồng thuận về mức tăng lương tối thiếu không hề đơn giản bởi mỗi bên có những lập trường và lợi ích riêng.

 

 

Có thể có nhiều luồng quan điểm về mức tăng 6,5%. Người lao động và công đoàn nói rằng không đủ để bảo đảm mức sống tối thiểu. Ngược lại, người sử dụng lao động, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu, lại cho rằng sức cạnh tranh của họ bị ảnh hưởng nếu lương tối thiểu cứ tiếp tục tăng. Đây là những luận điểm có thể nghe thấy ở hầu hết các quốc gia có hội nhập thương mại toàn cầu.

 

 

Dựa vào số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam, một số người có thể cho rằng mức tăng lương tối thiểu 6,5% là ở trong khoảng hợp lý. Theo số liệu của Chính phủ, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Việt Nam tăng 6,2% và CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng 4,74% trong năm 2016. Năm nay, dự kiến tăng trưởng GDP sẽ ở mức 6,5% và CPI tăng 4%.

 

 

Tuy nhiên, lương tối thiểu có thể có tác động khác nhau lên các nhóm người sử dụng lao động và người lao động khác nhau. DN ở đáy của chuỗi cung ứng toàn cầu có thể cảm thấy lợi thế cạnh tranh về giá của họ phải chịu nhiều sức ép vì lương và lương tối thiểu liên tục tăng trong những năm gần đây.

 

Tuy nhiên, có một thực tế là trong gần một thập kỷ qua, giá gia công mà các nhà cung cấp của Việt Nam nhận được từ các công ty đa quốc gia vẫn hầu như không thay đổi, thậm chí còn thấp hơn trong một số trường hợp.

 

 

Điều này giải thích vì sao những người sử dụng lao động trong các ngành xuất khẩu thường xuyên bị sức ép phải cải thiện hiệu quả của nhà máy, giảm chi phí sản xuất với mong muốn giữ chi phí lao động thấp để duy trì biên lợi nhuận (vốn bị ép giữa một bên là lương tối thiểu tăng lên, cộng các chi phí khác, và một bên là giá gia công thấp).

 

 

Vì thế, các công ty đa quốc gia cần phải đối thoại với các nhà cung cấp của Việt Nam và công đoàn để bảo đảm sự phân chia công bằng của các thành quả kinh tế và trách nhiệm xã hội. Chúng ta đều biết nhiều nhãn hàng và công ty đa quốc gia đã công bố các cam kết, thông qua các chương trình CSR (trách nhiệm xã hội của DN), nhằm bảo đảm tuân thủ đầy đủ mức lương tối thiểu quốc gia, và tôn trọng nguyên tắc tự do liên kết và thương lượng tập thể.

 

 

Mặt khác, chúng ta cần nhìn vào những tác động tích cực mà mức lương tối thiểu mới có thể giúp tăng cầu nội địa. Lương tối thiểu không chỉ ảnh hưởng đến người lao động có mức lương sát mức sàn này, mà còn tác động đến cả những người nhận lương cao hơn thông qua việc điều chỉnh bậc lương trong DN. Điều đó có nghĩa là lương tối thiểu tăng có thể giúp cải thiện thu nhập của đa số người lao động, từ đó tăng tiêu thụ nội địa và đóng góp vào một mức tăng trưởng GDP cao hơn.

 

 

Bởi vậy, khi điều chỉnh lương tối thiểu, chúng ta cần nhìn vào nhiều tác động khác nhau mà sự thay đổi này có thể dẫn tới ở các ngành khác nhau, các DN có năng suất thấp cũng như cao và toàn bộ nền kinh tế.

 

Ông Chang-Hee Lee

Công đoàn cho rằng lương tối thiểu cần bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Xin ông cho biết ý kiến về nhận định này?

 

Ông Chang-Hee Lee: Đây là một ý xác đáng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tất cả công đoàn trên thế giới đều có cùng mục tiêu bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Mức sống tối thiểu là một khái niệm mang tính tương đối cả về mặt thời gian cũng như tùy theo quốc gia. Chẳng hạn, khi nền kinh tế phát triển hơn, danh sách nhu cầu tiêu thụ của con người cũng dài ra. 20 năm trước đây, nếu chúng ta có 3 bữa cơm mỗi ngày và mua được 1 chiếc xe đạp, thế có lẽ đã là đủ. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chỉ những thứ này không còn là đủ nữa.

 

 

Theo Công ước về Xác lập Tiền lương Tối thiểu của ILO, nhu cầu của người lao động và gia đình họ cần phải được tính đến khi xác lập tiền lương tối thiểu. Đồng thời, Công ước cũng khuyến khích xem xét các yếu tố kinh tế, trong đó có thể bao gồm sức cạnh tranh và ổn định về giá.

 

Mục đích bao trùm của chính sách tiền lương tối thiểu là nhằm bảo vệ người lao động không bị trả mức lương quá thấp. Nhưng khi được sử dụng một cách hợp lý và kết hợp với các công cụ chính sách khác, lương tối thiểu có thể có những tác động tích cực, giúp giảm chênh lệch tiền lương và tăng bình đẳng giới.

 

 

Để lương tối thiểu có hiệu quả trong việc xác lập mức sàn bảo vệ người lao động ở dưới đáy của thang lương trong khi vẫn bảo đảm môi trường kinh doanh để phát triển DN bền vững, Việt Nam có thể xem xét một vài gợi ý.

 

 

Lương tối thiểu nên được xác lập dựa trên bằng chứng về tình hình kinh tế và thị trường lao động, để bảo đảm mức lương tối thiểu mới giúp phát triển DN bền vững trong khi vẫn bảo vệ người lao động không bị trả lương quá thấp. Để làm được điều này, Việt Nam cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động tốt hơn.

 

 

Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa năng lực chuyên môn của Ban thư ký của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Bộ phận này đóng một vai trò quan trọng giúp cung cấp những phân tích sâu sắc về số liệu kinh tế và thị trường lao động, để những người có vai trò quyết định (đại diện của Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động) có thể đàm phán dựa trên những hiểu biết đầy đủ về bối cảnh và bằng chứng.

Lương tối thiểu chỉ đặt ra mức sàn trong khi tiền lương cần được quyết định thông qua đàm phán giữa người sử dụng lao động và người lao động. Theo ông, Việt Nam nên làm gì để cải thiện chất lượng của thương lượng tập thể?

Ông Chang-Hee Lee: Lương tối thiểu là một công cụ chính sách xã hội được thiết kế để bảo vệ người lao động không bị trả lương quá thấp. Về lý thuyết, lương tối thiểu tác động tới những người lao động ở dưới đáy của thang lương trong thị trường lao động Việt Nam. Nhưng hiện tại, nhiều người lao động không có kỹ năng hoặc kỹ năng thấp ngay cả ở các DN lớn trong ngành công nghệ cao cũng chỉ nhận mức lương tối thiểu hoặc nhỉnh hơn lương tối thiểu một chút. Để bù lại mức lương thấp, họ phải làm thêm giờ, thường với thời gian vượt quá pháp luật cho phép. Đó là do thương lượng tập thể kém phát triển.

Thành quả kinh tế của DN, bao gồm các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn trong ngành điện tử, cần phải được chia sẻ công bằng hơn. Có thể đạt được mục tiêu này thông qua thương lượng tập thể hiệu quả. Và thương lượng tập thể hiệu quả cần có tổ chức của người lao động hiệu quả, có thể đại diện cho tiếng nói của người lao động và độc lập với người sử dụng lao động. Rất tiếc, hiện các nơi làm việc tại Việt Nam thường chưa làm được điều đó.

Nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững và toàn diện, trong đó người lao động có thể được hưởng một cách công bằng những thành tựu của tăng trưởng kinh tế, phát triển thị trường trong nước thông qua tăng cầu nội địa, Việt Nam cần cải thiện khả năng đại diện của công đoàn và thương lượng tập thể tại nơi làm việc.

Thu Cúc

429 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1403
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1403
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87164645