Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 

Theo ghi nhận của phóng viên, do ảnh hưởng dịch COVID – 19, số lượng khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) giảm từ 5 – 10% , tập trung chủ yếu ở các giao dịch trực tiếp tại quầy, tuy nhiên lại gia tăng trong giao dịch thanh toán trực tuyến. Để bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và khách hàng giao dịch tại quầy, Ban lãnh đạo Ngân hàng Sacombank có nhiều giải pháp kịp thời, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, Ban lãnh đạo Sacombank yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên và khách hàng trước khi bước vào trụ sở làm việc phải tiến hành đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang. Toàn bộ các thiết bị, vật dụng, công cụ lao động liên quan đến giao dịch đều được vệ sinh bằng dung dịch sát khuẩn 60 phút/lần. Ngoài ra, định kỳ hàng tuần cũng phun thuốc khử trùng toàn bộ thiết bị làm việc. Đồng thời, trên bảng thông báo, thường xuyên cập nhật các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế cho cán bộ, nhân viên cách nhận biết và chủ động cách ly khi có các triệu chứng của bệnh.

Ông Phan Đình Tuệ chia sẻ, hiện Sacombank đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19  và tổ phản ứng nhanh để xử lý các tình huống phát sinh; Thiết lập kênh trao đổi và cập nhật tình hình cán bộ, nhân viên toàn ngân hàng ở các khu vực có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm để kịp thời hướng dẫn họ cách nhận biết và chủ động cách ly hoặc đến các cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán và điều trị. Đối với các cán bộ, nhân viên đi du lịch hoặc công tác tại TP.Đà Nẵng từ ngày 18/07/2020 đến nay hoặc có tiếp xúc với những người nhiễm bệnh ngay lập tức phải thông tin cho Trưởng Đơn vị và thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày theo hướng dẫn. Cùng với đó, cũng tạm hoãn các chương trình du lịch, nghỉ mát hàng năm, kế hoạch đi công tác nước ngoài, nhất là đến những nước và vùng lãnh thổ có dịch.

 Ông Phan Đình Tuệ - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín 

Ngoài ra, Sacombank còn có chính sách hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID – 19.  Cơ cấu nợ theo thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đã cơ cấu nợ cho trên 1.000 khách hàng với dư nợ của khách hàng gần 10.000 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai các nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi: Tổng nguồn vốn cho vay ưu đãi là 25.000 tỷ đồng với lãi suất giảm đến 2%; trong đó, gói cho vay lãi suất siêu ưu đãi từ 5 – 6%/năm là 10.000 tỷ. Giảm và miễn nhiều loại phí giao dịch cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Sài Gòn, để bảo đảm an toàn, mọi nhân viên cũng như khách hàng đến giao dịch cũng đều được kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang…

Ông Nguyễn Văn Hiển - Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Sài Gòn thông tin, đơn vị đã phân ra nhiều cấp độ. Áp dụng với  từng cấp độ phù hợp với mỗi tình hình cụ thể. Đối với nhân viên phải tuân thủ theo quy định phòng chống bệnh như: đeo khẩu trang, sát khuẩn phòng làm việc, vệ sinh thường xuyên. Ngoài ra, tại tất cả các bàn giao dịch đều được bố trí dung dịch rửa tay để cán bộ, nhân viên và khách hàng rửa tay thường xuyên, nhất là trước và sau khi giao nhận tiền mặt, viết và ký các loại giấy tờ… Bên cạnh đó, trong những cuộc họp cấp bách quan trọng, Ban lãnh đạo cũng tiến hành họp online trực tuyến. Cùng với đó là giãn cách nhân viên, thay ca, thay phiên nhau, làm việc online. Nếu có nhân viên bị nhiễm sẽ lập tức có người làm việc thay thế, đảm bảo hoạt động liên tục thông suốt,  không vì lý do gì ách tắc. Đặc biệt, đơn vị thường xuyên khử khuẩn tiền mặt hằng ngày.

Ông Nguyễn Văn Hiển Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Sài Gòn  

Về lượng giao dịch tại quầy, ông Nguyễn Văn Hiển cho biết, một tuần trở lại đây, lượng giao dịch trực tiếp giảm, khách hàng chuyển sang dùng online nhiều (tăng 50%). Đó cũng là dấu hiệu tích cực. Bởi trước kia, khách hàng chưa biết sử dụng  internet banking, thì  giờ cũng mày mò học cách cài đặt ứng dụng trực tuyến. Đây là cơ hội tốt để phát triển giao dịch online.

Theo một số lãnh đạo ngành ngân hàng  trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, tất cả đều chủ động thực hiện, duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh liên tục từ nhiều tháng qua. Hoạt động ngân hàng liên quan, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề, mặt khác, giao dịch tiền mặt và một số dịch vụ liên quan đến tiền mặt là một trong những khả năng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Chính vì vậy, việc tích cực phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm thông suốt các hoạt động ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ trực tuyến, các máy ATM trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp là điều rất cần thiết.

Cùng với các biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh  cũng tiếp tục rà soát những khách hàng hiện hữu đang có dư nợ chịu ảnh hưởng xấu từ dịch bệnh để đưa ra phương án miễn giảm, gia hạn, cơ cấu nợ, nhất là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều như du lịch, bất động sản, xuất nhập khẩu, kinh doanh các ngành nghề... góp phần khắc phục những tác động xấu đến tình hình kinh tế. Bên cạnh đó, các khách hàng mới tiếp tục được hướng dẫn để áp dụng các gói tín dụng hỗ trợ; cho vay nhu cầu nhà ở để duy trì phát triển kinh tế.../.

 
Bài, ảnh: Chi Mai