|
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thu Cúc |
"Thành tựu và định hướng hợp tác Việt Nam - GEF: Hợp tác cho mục tiêu tăng trưởng bền vững" là chủ đề của sự kiện bên lề của Việt Nam trong khuôn khổ GEF 6 do Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và bà Naoko Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu chủ trì.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sau hơn 25 năm phát triển với sự hỗ trợ tích cực và mạnh mẽ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Việt Nam đã và đang thể hiện những nỗ lực mạnh mẽ nhằm thực hiện cam kết quốc tế giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách có tính chất toàn cầu.
Theo Bộ trưởng, trong quãng thời gian hợp tác 25 năm, Quỹ Môi trường toàn cầu đã tài trợ cho Việt Nam hơn 400 triệu USD để thực hiện 107 dự án bao gồm cả dự án quốc gia và dự án vùng trong lĩnh vực môi trường, thu hút được sự tham gia của các ngành, các lĩnh vực và nhiều địa phương. Trong đó, các dự án tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên trọng tâm của quốc gia như bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, hóa chất và chất thải.
"Bộ TN&MT với vai trò đầu mối quốc gia của Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình nhằm xây dựng, hoạch định định hướng chiến lược của Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam trong thời gian tới với mục tiêu tối ưu hóa nguồn lực tài chính của Quỹ, tăng cường năng lực thực hiện Dự án của quốc gia và thu hút sự đầu tư mạnh mẽ và có hiệu quả của các đối tác quốc tế cũng như khu vực tư nhân", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
|
Bà Naoko Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu - Ảnh: VGP/Thu Cúc |
Bà Naoko Ishii cho biết, bà rất ấn tượng với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế" và tin tưởng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu này và sẽ thành công trong tương lai.
Bà Naoko Ishii cho biết, bà đã đến Đà Nẵng từ hơn 20 năm trước và khi đó, bà nhận thấy mong muốn của người dân nơi đây ở thời điểm đấy là có được nguồn nước an toàn, phát triển kinh tế mạnh mẽ... và ở thời điểm này, Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung đã có những sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, bà Naoko Ishii cũng thừa nhận rằng thành công này không phải tự nhiên có được mà Việt Nam cũng như các nước phát triển khác đã phải chịu hậu quả nhất định trong các vấn đề về môi trường như suy thoái rừng, nguồn nước ô nhiễm, rác thải đại dương tăng vượt bậc..., đó cũng là những vấn đề mà Việt Nam hiện nay đang cần phải khắc phục.
Tại Hội nghị này, bà Naoko Ishii mong muốn các đại biểu sẽ đóng góp ý kiến để hướng tới một nền kinh tế bền vững và tìm ra những giải pháp để hệ sinh thái trở thành nền tảng vững mạnh cho phát triển kinh tế. Theo bà Naoko Ishii, đó là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội lớn và là chất xúc tác cho Việt Nam phát triển trong những năm tới. Bà Naoko Ishii cũng cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong tương lại phát triển nhanh hơn, xa hơn và xanh hơn.
Chia sẻ về sự hợp tác trong thời gian qua, ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trong những năm qua, sự phối hợp giữa Bộ TN&MT cùng với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là GEF, có những thành công nhất định, con số đó thể hiện bằng những dự án, nguồn vốn mà WB có sự tham gia.
|
Ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) - Ảnh: VGP/Thu Cúc |
Ông Axel van Trotsenburg cho biết, hiện nay môi trường đang có những thách thức to lớn và sự thành công của GEF là đã tiếp cận được những vấn đề nhạy cảm về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, chất thải, hóa chất... GEF đã đưa ra được những chương trình có tính bao quát hơn và vẫn triển khai thành công những dự án trọng điểm.
“Những dự án này không phải chỉ có hiệu quả đối với Việt Nam mà còn có tác động tốt tới các quốc gia láng giềng, cụ thể là các hoạt động trên lưu vực sông Mekong. Ngân hàng Thế giới luôn cam kết và hỗ trợ Việt Nam trong tương lai", ông Axel van Trotsenburg nói.
Cũng tại Hội nghị, bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) cho biết, Việt Nam có vị trí quan trọng của thế giới với sự đa dạng sinh học, UNDP sẽ tăng cường hợp tác để tăng cường năng lực, thể chế, phát triển cộng đồng để bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam. Bà Akiko Fujii đánh giá cao Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành của Việt Nam để phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học, đồng hành cùng nỗ lực của toàn cầu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, những ý kiến, sáng kiến, đề xuất, đóng góp của các đại biểu tham gia Hội nghị sẽ được Việt Nam trân trọng ghi nhận và xem như những ý tưởng, gợi ý thiết thực cho việc trao đổi phối hợp với các bên liên quan nhằm xây dựng các đề xuất, hành động cụ thể trong thời gian tới.
Thu Cúc