|
Giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp tại Techfest 2018. - Ảnh: VGP/Thu Cúc |
Không có nội lực không thể phát triển
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho rằng, mặc dù hệ sinh thái mới hình thành và phát triển được hơn 3 năm nhưng hành lang pháp lý đã cơ bản hoàn thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng đạt được một số kết quả nổi bật.
Để thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp đi vào thực chất, Đà Nẵng thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố, quy tụ được một mạng lưới thành viên đa đạng và rộng khắp. Hội đồng tập hợp được nhiều nguồn lực nhằm phân phối, chia sẻ mô hình để phát triển hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn là nơi thành thành lập vườn ươm doanh nghiệp đầu tiên của cả nước theo hình thức công –tư, sử dụng nguồn quỹ hỗ trợ của thành phố và kêu gọi được 12 doanh nhân góp vốn. Hiện, đã xuất hiện nhiều đươn vị ươm tạo lớn như PISI-CIT, Songhan Incubator…
Đà Nẵng hiện ươm tạo 50 công ty khởi nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, 100 doanh nghiệp khởi nghiệp tự thành lập và phát triển. Nhiều công ty ươm tạo như Hekate ứng dụng trí tuệ nhân tạo đóng góp vào phát triển du lịch thành phố, Zody hoạt động trong lĩnh vực sinh học cho người tiêu dùng… đều gọi vốn thành công và cạnh tranh được với thị trường.
Các sự kiện về khởi nghiệp cũng được Đà Nẵng liên tục triển trai. Với phương châm hệ sinh thái khởi nghiệp không giới hạn, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở đây đã thực sự thu hút được sự quan tâm của giới khởi nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Đặng Việt Dũng cũng nhấn mạnh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phải dựa vào nội lực, nếu không có nội lực không thể phát triển, các vấn đề khác như Hội đồng điều phối, hoạt động vườn ươm…chỉ tạo la bàn, định hướng hỗ trợ cho phát triển khởi nghiệp.
Thách thức mà Đà Nẵng gặp khi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp là thách thức về con người, hạ tầng không gian, huyến luyện viên hỗ trợ khởi nghiệp. Đặc biệt là thiếu vốn đầu tư sẵn sàng cho khởi nghiệp, mặc dù có những quỹ sẵn sàng hỗ trợ như Flying, nhưng con vẫn còn rất nhỏ. Chính sách vĩ mô về hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn đang trong quá trình hoàn thiện như sàn giao dịch dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, chính sách ưu đãi về thuế...
Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại TPHCM, Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Việt Dũng cho biết, từ khi TPHCM ban hành chính sách cho khởi nghiệp sáng tạo thì hệ sinh thái cũng phát triển mạnh.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, qua 3 năm triển khai tập trung đào tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo đã được hình thành từ cấp phổ thông. Hiện, TPHCM có 4.000 nhóm khởi nghiệp được huấn luyện, 140 giáo viên của 20 trường đại học được trang bị kiến thúc về khởi nghiệp sáng tạo.
Không có lợi thế như TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nghệ An cho rằng, với Nghệ An, cộng đồng khởi nghiệp vẫn còn tư tưởng ngại thay đổi, ngại chấp nhận rủi ro khó có thể thay đổi được ngày một ngày hai.
Vì vậy, Nghệ An phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp dựa trên cơ sở nguồn lực KH&CN sẵn có của địa phương. Hiện, Nghệ An được Bộ KH&CN hỗ trợ hình thành điểm kết nối cung cầu công nghệ, coi đây lợi thế giúp cho khởi nghiệp phát triển, sử dụng đặc sản tại địa phương để thu hút đầu tư.
Hình thành mạng lưới hệ sinh thái giữa các địa phương
Theo ông Dominic Mellor – Chuyên gia đầu tư cao cấp, khối tư nhân và chương trình đầu tư mạo hiểm của ADB, hệ sinh thái khởi nghiệp khỏe mạnh cần bao gồm nhiều thành phần như nhà nghiên cứu, viện, trường, cơ quan quản lý, doanh nghiệp... mới có thể tạo thành công.
Hiện, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ mang tính khích lệ, Chính phủ đang đóng một vai trò hết sức quan trọng, chỉ đạo tạo không gian, hạ tầng cứng giúp Việt Nam trên con đường hướng hệ sinh thái khởi nghiệp từ địa phương ra quốc tế.
Đồng quan điểm trên, bà Martin Webber - Phó Chủ tịch Thường trực của Công ty J.E. Austin cho rằng, để thúc đẩy quy mô khởi nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và thương mại hóa, vấn đề hỗ trợ hệ sinh thái sáng tạo địa phương rất quan trọng. Bản chất hệ sinh thái địa phương cần có một mạng lưới, và chúng ta cần làm thế nào để nó tương tác được với nhau, hỗ trợ nhau, kết nối cùng phát triển.
Từ góc nhìn của UNDP, bà Caitlin Wiesen – Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho rằng, liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp thì chính sách và môi trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Môi trường sẽ tạo không gian cho doanh nghiệp làm việc hiệu quả. Bà Caitlin Wiesen nêu ra 4 khía cạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả chính là: tạo vườm ươm, tiếp cận thị trường, định chế tài chính cấp độ quốc gia và địa phương; sự hợp tác cộng hưởng giữa tư nhân và nhà nước, nhà đổi mới sáng tạo.
Từ góc nhìn của một trong những địa phương dẫn đầu về hoạt động khởi nghiệp, ông Đặng Việt Dũng cũng đồng ý với các ý kiến chia sẻ của các diễn giả. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng khởi nghiệp đồng nghĩa với quan niệm cộng sinh, tức là làm sao để các thành phần hệ sinh thái phải làm việc cùng nhau mới có thể phát triển bền vững. Mặc dù vậy, nhìn nhận thực tế tại VIệt Nam, với văn hóa của Việt Nam cũng tạo nhiều rào cản cho phát triển hệ sinh thái, trong đó hạn chế lớn nhất chính là Việt Nam còn quá ít các doanh nghiệp đầu đàn đóng vai trò dẫn dắt, trong khi đó hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp còn hạn chế.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, hiện Bộ KH&CN đã và đang cùng với các địa phương chung tay phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Đặc biệt, được sự chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ KH&CN đã kết nối các địa phương bằng cơ chế chính sách và các dự án như: Chương trình Nông thôn miền núi, Đề án 844, Chương trình Quốc gia phát triển các sản phẩm chủ lực địa phương…
Thu Cúc