Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 

(ĐCSVN) – Cộng đồng startup ở Việt Nam hiện đang tăng cường kết nối với nhau thông qua sự hỗ trợ của Chính phủ. Trong thời gian gần đây, cộng đồng này ngày càng phát triển mạnh mẽ minh chứng cho hệ sinh thái khởi nghiệp của nước ta tăng trưởng ấn tượng.

 

Theo Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute (TFI), trong năm 2018, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD đầu tư trong 92 thương vụ từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Riêng đối với đầu tư vào khởi nghiệp giai đoạn đầu, Báo cáo của KrAsia, Bain&Co cho thấy, Việt Nam đã thu hút khoảng 150 triệu USD đầu tư trong năm 2018, gấp đôi của năm 2017.

Dự kiến trong các năm tới, các startup giai đoạn đầu của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút những khoản đầu tư lớn với ước tính của các năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 205 triệu USD, 320 triệu USD và 440 triệu USD. Như vậy có thể thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm vừa qua đã tăng trưởng hết sức ấn tượng cả về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2012, Việt Nam có khoảng 400 startup, thì năm 2015 đã tăng hơn 4 lần, đạt 1.800 startup; trong hai năm 2017-2018 đã phát triển mạnh mẽ với con số hiện có khoảng 3.000 startup.

Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác để phát triển start-up và các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. (Ảnh: MPI)

Năm 2018, nhiều tập đoàn lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp như: Tập đoàn VinaCapital đã thành lập Quỹ Đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD). Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ… Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. Các yếu tố tạo nên sự thành công của startup bao gồm hạ tầng, thể chế chính sách, tài chính, nguồn vốn đầu tư, thị trường và văn hóa vẫn còn tiếp tục được hoàn thiện từng bước. Mặc dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bắt đầu thu hút sự quan tâm lớn của các quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới và trong khu vực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ các chính sách về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho phát triển, nhận thấy sự cần thiết và ý nghĩa của việc tạo dựng một diễn đàn để gặp gỡ, đối thoại và kết nối giữa Chính phủ Việt Nam và các quỹ đầu tư quốc tế nhằm phát triển tiếp tục hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay.

Bên cạnh những nỗ lực đối thoại với cộng đồng khởi nghiệp thời gian qua, Chính phủ cần có chủ trương và chiến lược cụ thể nhằm tiếp cận một cách chủ động với các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) được tổ chức tại Hà Nội ngày 10/6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu cho thấy đổi mới sáng tạo đã có những bước tiến đáng kể, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Với nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, thị trường năng động, nhiều tiềm năng, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Nhiều công ty khởi nghiệp có mức độ công nghệ và đổi mới sáng tạo cao, không lặp lại các mô hình và ý tưởng kinh doanh đã được triển khai ở các quốc gia khác. Nhiều công ty khởi nghiệp Việt Nam đang vươn ra khu vực và thế giới, nhận được đầu tư của nhiều dòng vốn quốc tế. Điển hình như ABIVIN đã trở thành nhà vô địch của cuộc thi World Cup Start-up năm 2019 với giải thưởng trị giá 1 triệu USD. Mặc dù vậy, đổi mới sáng tạo gắn với tăng trưởng và phát triển của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều dư địa chưa được khai thác, tận dụng để phát triển.

Khát vọng đưa Việt Nam thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo
(Ảnh: khoinghiep.org.vn)

Để thực hiện được mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và thực hiện nhiều chính sách nhằm hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đổi mới sáng tạo phát triển. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và kết nối các nhân tài Việt Nam thông qua Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, qua đó, đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong nước.

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp, công cụ hỗ trợ phục vụ phát triển Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, trong đó, kiến nghị 03 chương trình hành động chính, gồm: Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và khơi thông nguồn vốn cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Cũng tại Diễn đàn trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đánh giá cao nỗ lực, sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, tổ chức liên quan đã cùng phối hợp tổ chức Diễn đàn, mang lại những bước phát triển mới cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo.

Chia sẻ về vấn đề được nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm quan tâm liên quan đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam có nền chính trị ổn định tạo nên nền hoà bình và thịnh vượng, với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 cao nhất kể từ năm 2008 và thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Việt Nam không ngừng đổi mới, sáng tạo để tạo ra cơ hội mới cho tất cả mọi người cùng sản xuất, kinh doanh, phát huy giá trị của mình. Từ các startup đến những doanh nghiệp, nhà đầu tư đều tìm thấy ở Việt Nam cơ hội kinh doanh, cơ hội hoàn thiện bản thân, cống hiến, lập nghiệp và đem lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng, dân tộc, rộng hơn là cả thế giới.

Để duy trì được những lợi thế này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trước hết Việt Nam phải tiếp tục cải thiện thật tốt môi trường kinh doanh, giữa các địa phương với nhau và giữa Việt Nam với các nước. Thứ hai, Việt Nam rất cần những bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển công nghệ thông tin và những ngành kinh tế ứng dụng nhiều công nghệ thông tin. Tương lai của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các startup chủ yếu dựa trên ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Thứ ba là tiếp tục chú ý tốt hơn đến giáo dục, khoa học - công nghệ, vốn là một trong những điểm thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, startup công nghệ, bằng những điều kiện đảm bảo rất cụ thể, nhất là các chính sách về kinh tế.

Phó Thủ tướng mong muốn các quỹ đầu tư mạo hiểm thực sự đổi mới, có những thích nghi cần thiết để cùng đồng hành, phát triển sản phẩm với các doanh nghiệp startup. Với cộng đồng doanh nghiệp startup, nhu cầu cuộc sống, công việc chính là những cơ hội, là “mảnh đất” để các start-up dấn thân. Đầu tiên là giải quyết nhu cầu của chính người dân trong nước nhưng mỗi startup không nên giới hạn mình ở trong nước. Phó Thủ tướng mong muốn cộng đồng startup ở Việt Nam tăng cường kết nối với nhau với sự hỗ trợ của Chính phủ. Làm sao để các startup khởi nghiệp ở Việt Nam thuận lợi nhất, không phải tìm cách ra nước ngoài để lập công ty vì những quy định pháp luật không đủ tốt. Bên cạnh đó, các startup rất cần sự hợp tác, “nâng đỡ” của những doanh nghiệp “đàn anh”. Làm được như vậy, cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam nhất định phát triển hiệu quả và bền vững./.

 

HA.NV

417 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 622
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 623
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86335905