Thời gian gần đây, Hà Nội ồn ào về việc một cán bộ quận Thanh Xuân buộc phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm sau vụ việc cãi cự với người dân khi dừng, đỗ xe trái quy định. Một số cán bộ phường Văn Miếu bị tạm đình chỉ chức vụ hoặc bị điều chuyển công tác do có hành vi, thái độ không đúng mực đối với người dân khi đến phường làm thủ tục hành chính. Hay mới đây nhất, dư luận lại ồn ào sau vụ cán bộ phường Đại Kim bị tố có thái độ hách dịch, cửa quyền khi tiếp dân.

Những hành động phản cảm trên không phải quá hiếm gặp tại các điểm tiếp dân. Ông Phạm Thanh Cao - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội tại Hội nghị giao ban công tác tư pháp tháng 7 của Sở cũng đưa ra dẫn chứng về thái độ ứng xử chưa chuẩn mực với dân: “Tôi không biết ở các xã thì thế nào nhưng ở một số phường thì có chuyện đó. Gia đình nhà tôi cũng từng chứng kiến. Một số cán bộ phường đúng là vô cảm...”.

Giao dịch một cửa tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC của BHXH quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: HP.

Còn tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) Chính phủ ngày 4/8, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã thẳng thắn thừa nhận, điểm yếu nhất trong việc thực hiện CCHC hiện nay là trình độ, thái độ, tác phong của một số người đứng đầu, cán bộ, chuyên viên tại bộ phận một cửa của cấp phường, xã ở Hà Nội vẫn còn hạn chế, thậm chí còn yếu kém và hách dịch. “Đây là những cán bộ, chuyên viên trực tiếp thụ lý hồ sơ, giao tiếp với dân nên vô hình trung đã tạo ra hình ảnh không tốt trong mắt người dân”.

Tất cả những việc trên, hầu hết đều không nằm trong sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ, không đòi hỏi trình độ cao siêu, chỉ là thái độ, cách ứng xử của cán bộ với người dân, nhưng đã gây nên những bức xúc trong dư luận xã hội, tạo hình ảnh xấu về người cán bộ, công chức.

Mặc dù công tác CCHC ở Thủ đô đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, thái độ vô cảm, hách dịch, cửa quyền vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức. Ngoài các nguyên nhân như: Quá bận rộn, quá nhiều công việc ở địa bàn phải giải quyết, dường như, nhiều cán bộ, công chức thiếu nhạy cảm, kém bản lĩnh và chưa thực sự linh hoạt, uyển chuyển trong ứng xử, giao tiếp với nhân dân. Đơn cử như vụ việc tại phường Văn Miếu, khi người dân đang trong tình trạng đau buồn vì có người thân qua đời, thì cán bộ tiếp dân tỏ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt. Còn vị lãnh đạo phường khi nghe lời lẽ phản ứng gay gắt của người dân lại thiếu bình tĩnh, nóng nảy, có thái độ không phù hợp, xúc phạm người dân khiến mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm.

Đầu năm 2017, để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội gồm 4 chương, 11 điều; trong đó yêu cầu, cán bộ phải chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc của Nhà nước, của cơ quan; thái độ niềm nở, khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng người giao tiếp; sử dụng ngôn ngữ hòa nhã,…

Thiết nghĩ, tại các bộ phận một cửa, người dân đến làm thủ tục hành chính có nhiều thành phần, với nhiều tâm trạng khác nhau, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Điều này đòi hỏi người cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với nhân dân - “làm dâu trăm họ”, ngoài việc có chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện đúng quy tắc ứng xử, thì cần phải có bản lĩnh, có sự nhạy cảm, linh hoạt cần thiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc này đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải không ngừng tự trau dồi, rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng. Quan trọng là sau mỗi sự vụ, cần rút ra những bài học để tự hoàn thiện mình, xứng đáng với vị trí là “công bộc” của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân./.

                                                                                                                                                                          Thương Huyền