Hãy hành động vì nạn nhân chất độc da cam 

Cách đây 56 năm, ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ đã thực hiện Chiến dịch có mật danh Ranch Hand đã phun hoá chất khai quang xuống Việt Nam. Chất này, thường được gọi là chất da cam, có chứa dioxin, độc tố kinh khủng nhất mà con người biết đến.

Theo đó, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn bản, với diện tích 3,06 triệu héc ta, bằng gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích phun rải hơn 10 lần. Dioxin là chất độc nhất trong các chất độc mà loài người biết đến. Với liều lượng 1 picogram (1 phần nghìn tỷ gam) có thể lập tức gây chết người. Chất độc da cam không chỉ tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người mà còn đã Đặc biệt là chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; thế hệ thứ 3 là 35.000 nạn nhân và thế hệ thứ 4 là 2.000 nạn nhân. Riêng Quảng Trị có hơn 8.200 hộ có người nhiễm chất độc hóa học với 15.485 nạn nhân, có 4.965 hộ có 2 nạn nhân trở lên...Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, gây nên biết bao thảm cảnh không sao kể xiết.

Chiến tranh đã lùi xa hơn bốn thập kỷ. Trong tâm khảm nhiều người, chiến tranh chỉ còn lại trong ký ức nhưng nỗi đau chất độc da cam thì vẫn còn hiện hữu. Họ và con cháu họ đang hàng ngày, hàng giờ gánh chịu nỗi đau bệnh tật. Hầu hết các gia đình có người bị nhiễm chất độc này đều khánh kiệt.

 Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo khổ, đau khổ nhất trong những người đau khổ.

Họ là những nạn nhân chiến tranh đặc biệt.

“Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là nỗi đau chung của nhân dân Việt Nam và cũng là nỗi đau chung của nhân loại tiến bộ trên thế giới”.(1)

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, trong bao nhiêu việc phải làm, Ðảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm sâu sắc đến những người bị nhiễm chất độc màu da cam.

Từ năm 1980, nước ta đã thành lập Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khắc phục hậu quả loại chất độc nguy hiểm này, trong đó có những chính sách tẩy độc môi trường, trợ cấp, ưu đãi hộ gia đình có nạn nhân chất độc da cam. Đồng thời, hàng năm đã chi những khoản kinh phí lớn để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe nạn nhân, triển khai các dự án tẩy độc, phục hồi môi trường sinh thái. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã chi hàng trăm tỷ đồng cho các đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, trợ cấp hằng tháng cho các nạn nhân chất độc da cam. Cùng với sự nỗ lực của Nhà nước, các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế và các tầng lớp nhân dân ta đã đóng góp nhiều công sức, tiền của, chung sức giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam và khắc phục hậu quả của nó đối với môi trường. Ðặc biệt, khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam được thành lập (tháng 1-2004) phong trào vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam đã được tăng cường. Cùng với đó, công tác giáo dục, động viên, trợ giúp các nạn nhân vượt khó vươn lên hòa nhập cộng đồng được đẩy mạnh lên một bước mới.

Cùng với cả nước, với nghĩa tình “Vì nỗi đau da cam Quảng Trị”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta đã tài trợ, ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ giúp nạn nhân da cam vượt qua khó khăn hòa nhập với cuộc sống, cộng đồng xã hội. Tổng số tiền và hiện vật vận động được hàng chục tỉ đồng, hàng ngàn suất quà, hàng chục nhà tình thương cùng với nhiều công việc có nghĩa có tình khác như: hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, khám chữa bệnh miễn phí, trao tặng học bổng, hỗ trợ sản xuất…

Những tiếng nói ủng hộ, những hành động cao cả trong đó có những đồng tiền, bát gạo với nạn nhân chất độc da cam tuy đã là một sự cố gắng nhưng dẫu sao thì vẫn còn hạn hữu so với nỗi đau của họ. Nhiều gia đình nạn nhân có nguy cơ không còn duy trì được nòi giống. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, nhièu phụ nữ không có thiên chức làm vợ, làm mẹ; nhiều người đang chết dần chết mòn, từng ngày, từng giờ quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam/dioxin.

Nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, xin hãy coi thông điệp “ hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” là việc làm tự thân của mỗi người và mỗi ngày để chung tay giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam giúp họ ngày càng có cuộc sống tốt hơn. Đó không chỉ là tình nhân ái, nghĩa đồng bào mà cũng là trách nhiệm xã hội của mỗi công dân. Trí Ánh

______________

(1) Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

 

1349 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1474
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1474
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76687458