|
Lương trung bình của người lao động là 5,53 triệu đồng. Ảnh:VGP/Thu Cúc |
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị công bố kết quả khảo sát lương và đời sống người lao động năm 2018 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) tổ chức chiều 12/7.
Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) cho biết, khảo sát thực hiện ở 25 tỉnh, thành và công đoàn ngành có đông công nhân làm việc, đại diện cho 4 vùng lương, như: Hà Nội, TPHCM, Vĩnh Phúc, Bình Dương... Công đoàn ngành xây dựng, công đoàn Tổng Công ty đường sắt VN.
Nhóm khảo sát đã trao đổi thông tin và lấy phiếu tham khảo với 3.008 người lao động thuộc 150 doanh nghiệp ở nhiều loại hình khác nhau tìm hiểu về lương, việc làm, đời sống, các bức xúc và kiến nghị...
“Năm nay, số lượng DN được khảo sát tăng gấp 3 lần so với năm trước. Các DN được khảo sát cũng được mở rộng hơn tới các loại hình DN và vùng lương có ở tất cả các vùng miền, nhất là những DN có đông lao động công nghiệp, dịch vụ”, ông Thọ cho biết.
Theo khảo sát, tiền lương hằng tháng của NLĐ (làm đủ giờ công, ngày công) nhận được trung bình là 4,67 triệu đồng, tăng 4,24% so với kết quả khảo sát năm 2017. Lương cơ bản trung bình theo khảo sát năm 2018 cao hơn lương tối thiểu 39,8%.
Dù hầu hết NLĐ được tăng lương, nhưng theo ông Thọ, vẫn còn một bộ phận NLĐ nhận mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cụ thể: vùng 1 là 2,35%; vùng 2 là 10,87%; vùng 3 là 3,34% và vùng 4 là 4,45%.
Tổng thu nhập trung bình của NLĐ (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017. Tiền lương cơ bản chiếm 84,4% tổng thu nhập của NLĐ. Trong đó, tại DN FDI, tỷ lệ này chiếm 77,3%; giày da chiếm 80,5%; cơ khí, chế tạo kim loại là 75,5%; điện, điện tử chiếm 78,6% và dệt may chiếm 81,4%.
Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 8%
Kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ cho thấy, với thu nhập và chi tiêu hiện nay, chỉ 32,1% người lao động cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm là khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.
“Đây là khoản tiền mà người lao động dành dụm để chi tiêu dịp lễ Tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái. So với năm 2017, tỷ lệ người lao động cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%, nhưng người lao động có dư dật và tích luỹ chỉ ở mức 17,4 %” - ông Vũ Quang Thọ cho biết.
Số người lao động gặp khó khăn “không đủ sống, phải làm thêm giờ” chỉ tăng nhẹ (0,5%), nhưng tỷ lệ người lao động “vừa đủ trang trải cho cuộc sống” giảm 7,6%; tỷ lệ người lao động phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%.
Về thời gian làm thêm, theo ông Vũ Quang Thọ, thực tế người lao động bị buộc phải làm thêm giờ chứ không thích thú gì, bởi mức lương còn thấp. Khoản tiền làm thêm đóng góp phần đáng kể trong tổng thu nhập của người lao động. Đặc biệt vào những dịp lễ, tết, nhu cầu làm thêm giờ của lao động càng cao.
"Nhiều DN chỉ trả nhỉnh hơn lương tối thiểu vùng để lách luật. Do đó để có thêm thu nhập, các công nhân đã phải làm thêm giờ. Số giờ làm thêm quá nhiều khiến họ không còn thời gian để chăm lo cho bản thân và gia đình. Đó là lý do Tổng LĐLĐ đề xuất phải tăng mức lương tối thiểu để người lao động đảm bảo mức sống tối thiểu. Do đó mức tăng lương tối thiểu vùng mà Tổng LĐLD đề xuất 8% là có căn cứ về cả pháp lý và thực tiễn", ông Thọ lý giải.
Cũng theo ông Vũ Quang Thọ, khối DN FDI trả lương thấp nhất với hơn 4,2 triệu đồng/tháng. Mức lương cơ bản thấp hoặc ít các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống là một trong những nguyên dân dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động và đình công vẫn xảy ra.
Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cũng nhận định: “Nhìn chung, đa số người lao động cho biết mặc dù còn nhiều khó khăn, song thu nhập cơ bản đủ trang trải cho cuộc sống”.
Liên quan tới cách tính toán các yếu tố trong mức sống tối thiểu, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) - cho rằng, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia cần điều chỉnh lại nhiều yếu tố nhằm tránh tranh cãi.
Do cách tính mức sống tối thiểu khác nhau nên mức đề xuất tăng lương tối thiểu còn khác nhau giữa Tổng LĐLĐ và Bộ phận kỹ thuật. Ông Lê Đình Quảng đề xuất việc phải có 1 cơ quan khách quan như Tổng cục thống kê đưa ra số liệu tham chiếu độc lập.
Thu Cúc