|
Một giao dịch lan đột biến được tung lên mạng xã hội. |
Thời gian vừa qua, hàng loạt thương vụ mua lan đột biến với giá hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng đã diễn ra. Mới đây, ngày 12/3, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng với giá 18,8 tỷ đồng tại Hà Nam. Tiếp đó, ngày 15/3, cộng đồng những người chơi lan đột biến lại xôn xao trước thông tin một thương vụ chuyển giao lan đột biến Ngọc Sơn Cước trị giá 250 tỷ đồng diễn ra tại Mạo Khê.
Về các hiện tượng này, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, các thương vụ bán lan đột biến với giá trị vài tỷ đồng cho tới vài chục tỷ đồng thời gian vừa qua được nhắc tới trên mạng nhưng ngành thuế chưa xác định được dòng tiền chính thức ai phải trả.
Việc kinh doanh cây cảnh, bán cây cảnh nói chung (không chỉ có lan đột biến) hiện đang quản lý thu thuế bình thường như các loại hình kinh doanh khác. Bà Tạ Thị Phương Lan cho biết, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế các địa phương kiểm soát, giám sát xem doanh nghiệp hay cá nhân có giao dịch thật không, nếu là doanh nghiệp kinh doanh mua bán thì phải kê khai thuế. Các thương vụ bán theo hình thức thương mại sẽ phải chịu nghĩa vụ về thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng. Còn với trường hợp người trồng lan đột biến đứng ra bán như sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm tự tay trồng “do mình làm ra” sẽ không chịu bất kỳ loại thuế nào cho dù là giá cao đến đâu. Cá nhân nếu bán tài sản nào đó của mình (trừ bất động sản) sẽ không phải chịu thuế.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về nguy cơ đối tượng kinh doanh lan đột biến trốn thuế (nếu có) bằng cách lách luật trao đổi sản phẩm trồng trọt để không phải đóng thuế, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Nam cho rằng điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
Các sản phẩm nông nghiệp khác cần sử dụng diện tích mặt đất, mặt nước nhất định mới làm được nên cơ quan thuế dễ dàng xác định là người nông dân tự trồng trọt, không phải nộp thuế theo quy định. Nhưng với cây lan thì lại không cần nhiều đất đai, có thể tận dụng khoảng không, trồng cây treo, hoặc các đối tượng kinh doanh vẫn có thể cắt ra mua đi bán lại hoặc trồng một thời gian mới bán. Các giao dịch lại không có hợp đồng, giấy tờ nên cơ quan thuế rất khó xác định là kinh doanh hoàn toàn.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, qua tìm hiểu các nguồn thông tin ban đầu, từ các cơ quan liên quan tại địa phương, đa số các trường hợp buôn bán hoa lan trên là giao dịch giả. Các đối tượng dùng các “chiêu” đưa thông tin, gây sốt dư luận với các mục đích khác nhau. Cục Thuế Hà Nam đang giao các chi cục thuế liên quan tìm hiểu xác minh, thu thập thêm thông tin để có kết luận đầy đủ hơn.
Theo Tổng cục Thuế, không chỉ ở Hà Nam, các thương vụ bán hoa lan đột biến lên đến vài tỷ hoặc vài chục tỷ gây xôn xao dư luận ở Phú Thọ, Hòa Bình trong thời gian trước đó đều không xác định được giao dịch, hợp đồng nên không thể thu được thuế. Do các giao dịch đều ở dạng ảo hoặc hội nhóm, không hóa đơn, chứng từ, hoặc bán sang tay nên không có gì chứng minh được giá trị thực.
Trước đó, cơ quan công an đã đưa ra cảnh báo về tình trạng người dân bỏ cả tỷ đồng đầu tư và nhiều công chăm sóc nhưng không bán được hoặc bán được cây giá trị thấp, người trước lừa người sau gây ra hiện tượng “bong bóng”.
Tại nhiều địa phương, đặc biệt ở những nơi thiếu thông tin hay người dân có trình độ dân trí hạn chế hơn, các đối tượng thường dùng các giao dịch ảo, dàn cảnh nhiều người chơi từ các nơi về đầu tư, giao dịch “chồng” số lượng lớn tiền mặt, “khoe” những câu chuyện thành công, đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh người dân.
Thực tế, các hiện tượng gây sốt ảo của “lan đột biến” cũng không mới, giống hiện tượng “hoa tulip” trước đây. Cần sớm có sự vào cuộc điều tra xác minh của các cơ quan liên quan như công an, chống buôn lậu, gian lận thương mại… Nếu không sớm ngăn chặn sẽ dẫn đến tình trạng vỡ “bong bóng”, vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các vi phạm từ hoạt động tín dụng đen, nảy sinh những hệ luỵ gây bất ổn xã hội.
Anh Minh