|
Bamboo Airways khai thác tối đa các tàu bay thân rộng để có thể vận chuyển nhiều khách hơn. |
Nói về tương lai ngành hàng không trong thời gian tới sẽ phục hồi sau dịch bệnh COVID-19 như thế nào, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) nói: Hãy đến sân bay!
“Quan điểm của Cục Hàng không là tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không, trừ trường hợp hạn chế về cơ sở hạ tầng. Tuyệt đối không gây khó khăn trong việc phân bổ slot bay cho các hãng. Hàng không chắc chắn sẽ không chết yểu. Bởi, hiện nay có những đường bay đã đạt 80% so với cao điểm Tết vừa rồi”, ông Võ Huy Cường cho biết.
Liên quan đến việc mở cửa trở lại đường bay quốc tế, ông Võ Huy Cường chia sẻ: Mặc dù chưa chắc chắn khi nào sẽ mở cửa trở lại các đường bay quốc tế nhưng Cục Hàng không Việt Nam luôn sẵn sàng khi các rào cản nhập cảnh, cách ly được xóa bỏ trên toàn thế giới. Khi đó, ngành hàng không hoạt động lại bình thường và hàng không quốc tế sẽ nhộn nhịp như hàng không nội địa bây giờ.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế, cho biết: "Ngành hàng không tác động rất lớn tới ngành kinh tế và nhiều hãng hàng không Việt trụ được cho tới bây giờ là rất giỏi. Trong khi việc mở đường bay quốc tế vẫn còn là dấu chấm hỏi, thì nên thúc đẩy hàng không nội địa. Thị trường nội địa chính là “cơn mưa đầu tiên” để hàng không “đâm chồi, nảy lộc” sau dịch".
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa thì cho rằng, hiện nay, những điểm đến du lịch di sản dành cho khách quốc tế đang rất vắng khách. Ngành du lịch cần nhu cầu lớn từ du khách nước ngoài mới phục hồi được.
“Chúng ta có thể hướng đến thị trường Đông Bắc Á trước, sau đó là Đông Nam Á, tiếp theo là châu Âu để phát triển du lịch. Có thể đưa ra hai kịch bản: Kịch bản thứ nhất là phát triển du lịch vùng, du khách sẽ không ra khỏi vùng đó. Kịch bản thứ hai là phải kiểm tra y tế với khách quốc tế vào Việt Nam.
Khách quốc tế trước khi đi du lịch cần kiểm tra sức khỏe, nếu âm tính với COVID-19 tại thời điểm đi thì được đăng ký đi du lịch. Khi khách nhập cảnh sẽ kiểm tra sức khỏe lần hai, nếu âm tính thì được nhập cảnh. Sau đó, tiếp tục cách ly và kiểm tra lần ba. Nếu làm được như vậy thì có thể đón khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á và bảo đảm an toàn”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa hiến kế.
Đại diện hãng hàng không Tre Việt – Bamboo Airways cho biết, hãng này sẽ khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa từ ngày 1/6, cũng như tiếp tục nghiên cứu xúc tiến đường bay mới.
Cụ thể, Bamboo Airways tăng số lượng chuyến bay trên chặng Hà Nội - TPHCM lên 16 chuyến bay/ngày, trung bình khoảng 2 tiếng có một chuyến bay/chặng vào tất cả các ngày trong tuần.
Ngoài ra, Bamboo Airways sẽ tăng cường tần suất các đường bay kết nối Hà Nội với Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku cũng như các đường bay kết nối TPHCM với Phú Quốc, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quy Nhơn và Vinh…
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bamboo Airways buộc phải giảm tần suất bay, nhưng hãng đặt mục tiêu sẽ tăng gần gấp đôi số đường bay nội địa, lên con số 60 đường bay cho đến hết năm 2020, và tăng số đường bay quốc tế từ 6 đường bay lên 25. Đặc biệt, dự kiến đường bay thẳng tới Hoa Kỳ sẽ được tái khởi động vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Để phục vụ kế hoạch này, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng Bamboo Airways, cho biết, hãng đang lên kế hoạch đặt mua 60 động cơ GE và các dịch vụ liên quan trong năm 2020, với tổng trị giá 2 tỷ USD, phục vụ đội bay Boeing 787-9 Dreamliner mà hãng đang đặt hàng.
Bamboo Airways cũng sẽ thuê thêm máy bay trong năm nay để phục vụ kế hoạch mở rộng, thay vì mua thêm. Hiện, hãng đang vận hành 45-50 chuyến bay nội địa/ngày, dự kiến sẽ tăng lên hơn 100 chuyến/ngày vào đầu tháng Sáu, ngang 80% tần suất giai đoạn trước dịch bệnh.
Phan Trang