Hậu COVID-19: Làm thế nào để viết nên câu chuyện thần kỳ mới? 

(Chinhphu.vn) - Việt Nam đang được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu trong chống đại dịch. Mỗi đại biểu Quốc hội chúng ta cũng đang tự hào, suy ngẫm về điều kỳ diệu đó và tự hỏi làm thế nào để hậu COVID-19, trong 10 năm tới, chúng ta có thể viết nên câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam.

 

Đại biểu Nguyễn Thái Học.

Khẳng định mạnh mẽ thành tựu: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay

Trong phần thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 của nước ta với nhiều giải pháp kịp thời, phù hợp đã được cộng đồng quốc tế khen ngợi.

Đại biểu Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, nửa năm qua cả thế giới tập trung chống dịch COVID-19 và người dân cả nước ta cũng trải qua ngần ấy thời gian chung sức đồng lòng phòng, chống “giặc COVID-19”.

Ông bày tỏ: Giữa bộn bề những vất vả, lo toan của nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã toát lên sự lạc quan, tin tưởng của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, thấy sáng lên tình người, tình đời, tình quân dân, làm ấm lòng tất cả mọi nhà, mọi người và đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ ngăn chặn, kiểm soát, khống chế được dịch bệnh ở nước ta.

“Đây là niềm vui, lòng tự hào của mỗi người dân về đất nước, con người Việt Nam và càng minh chứng, khẳng định mạnh mẽ thành tựu: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, đại biểu nhấn mạnh.

Không nói sao được!

Đại biểu Nguyễn Thái Học cho biết, ông cũng như nhiều Đại biểu Quốc hội, nhiều người dân nói nhiều về COVID-19, “vì không nói sao được, khi thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát được dịch bệnh tốt nhất. Người dân tin tưởng vào sự điều hành chống dịch của Chính phủ cao nhất”.

Đến nay, Việt Nam đã dừng lại ở con số 333 người nhiễm bệnh, đã chữa trị khỏi 322 người và không có người tử vong. Với sự hồi phục sức khỏe từng ngày của bệnh nhân phi công người Anh càng cho thấy khả năng, tấm lòng, tình cảm, trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam, của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với bạn bè nước ngoài.

Chúng ta đã và đang thực hiện nhất quán chủ trương không một ai, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam bị bỏ lại phía sau, nhất là trong lúc dịch bệnh khó khăn.

Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, làm sao không nêu cho được khi mỗi một người dân, từ những em bé nhỏ tuối đến cụ già cao tuổi đều hưởng ứng chủ trương “chống dịch như chống giặc” của Chính phủ, đã đập ống heo, mang những đồng tiền chắt chiu dành dụm ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch.

Đó là tấm lòng qua những “cây ATM gạo”, “cửa hàng không đồng” dành cho người nghèo. Đó là những chiến sĩ quân đội, công an, những y bác sĩ đã không quản ngày đêm túc trực làm nhiệm vụ chống dịch, nhường chỗ ăn, ngủ cho những người cách ly.

Đây là những nghĩa cử cao đẹp, là sự sẻ chia, đùm bọc đầy ý nghĩa của người dân Việt Nam, thể hiện truyền thống nhân ái, “thương người như thể thương thân” của con người Việt Nam; thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước, của dân tộc Việt Nam mà trong những điều kiện khó khăn như vừa qua mới thấy được giá trị đích thực.

Cũng theo vị đại biểu đoàn Phú Yên, đây chính là niềm vui sự phấn khởi, tin tưởng của mỗi người dân, mặc dù chặng đường chống dịch và phát triển kinh tế xã hội ở phía trước còn lắm gian nan, thử thách.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng.

 

Việt Nam đang được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu

Đề cập đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) bày tỏ: Việt Nam đang được thế giới nhắc đến như một điều kỳ diệu trong chống đại dịch. Mỗi đại biểu Quốc hội chúng ta cũng đang tự hào và suy ngẫm về điều kỳ diệu đó và tự hỏi làm thế nào để hậu COVID-19 trong 10 năm tới, chúng ta có thể viết nên câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam.

“Thật kỳ diệu, khi chúng ta đã chiến thắng dịch COVID-19 như chiến thắng Điện Biên Phủ”. Chia sẻ điều này và liên tưởng tới vấn đề văn hóa, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng khẳng định, “chính văn hóa là nguồn lực chiến lược cho phát triển đất nước ta trong thế kỷ XXI”.  

Những ngày qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã lập nên chiến công thần kỳ trước chống dịch. Việt Nam một lần nữa được nhắc đến với tình cảm của cộng đồng quốc tế rất đặc biệt. Lãnh đạo Nga, Mỹ và nhân dân các nước trên thế giới đã khen ngợi và cám ơn Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, Chính phủ và nhân dân ta đã chia ngọt, sẻ bùi, giúp đỡ.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, nếu so sánh thực chất trang thiết bị y tế thì chúng ta còn nhiều khó khăn hơn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng chúng ta đã chống dịch thành công và chia sẻ kịp thời cùng cộng đồng quốc tế, đã làm nên hình ảnh, thương hiệu Việt Nam an toàn, nghĩa tình, thân thiện, hấp dẫn; hấp dẫn từ đất nước và con người, hấp dẫn từ những nụ cười chiến thắng đến tà áo dài thướt tha. 

Văn hóa dân tộc soi đường dẫn ta tới thành công

“Làm được điều đó phải chăng hội tụ sức mạnh của bản sắc văn hóa Việt Nam, từ nền tảng giáo dục và y tế vững chắc giàu tính nhân đạo được xây dựng quy tắc từ bao đời nay, từ nhiều thế hệ…”, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng nêu vấn đề.

Với phương châm trên hết, trước hết vì sức khỏe nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh chống dịch như chống giặc, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Hàng triệu người trên dưới một lòng đoàn kết quyết liệt chống dịch, khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng với các cán bộ y tế và những ngành có liên quan tận tụy làm việc ngày đêm, khi các cụ già, em nhỏ cùng chung tay chống dịch thì không người Việt Nam lương tri nào không làm theo.

“Phải chăng chính văn hóa đó, trên gương mẫu, xung phong, nói đi đôi với làm - dưới lòng dân không ngại gian khổ khó khăn đã soi đường dẫn ta đến thành công. Dân tộc ta đã đang và sẽ có sức mạnh vô địch về văn hóa”, đại biểu nhấn mạnh.

Đầu tư các ngành kinh tế văn - xã là trụ cột, là khâu đột phá

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, “khai thác và phát huy có hiệu quả tài nguyên vô giá này không chỉ giúp dân tộc Việt Nam trường tồn mà còn giúp đất nước ta phát triển mạnh mẽ, không tụt hậu trong khu vực và trên thế giới. Văn hóa không chỉ là sức mạnh mềm, văn hóa còn là nguồn vật chất lớn lao phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở các nước có nền văn hóa lâu đời, đặc sắc như nước ta”. 

Cũng theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, “đầu tư kinh tế văn - xã là thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, thu được lợi ích kép, lợi ích về kinh tế, lợi ích về xã hội, an sinh. Và điều lớn lao nữa là xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trở thành thương hiệu quốc gia đặc sắc, có giá trị vật chất đặc biệt, riêng có của Việt Nam”.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu lựa chọn đầu tư các ngành kinh tế văn - xã là trụ cột, là khâu đột phá để phát triển đất nước trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới và những năm tiếp theo./. 

Trần Mạnh

191 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2690
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 2691
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76257828