Cựu chiến binh, thương binh 1/4 Nguyễn Văn Hợi khẽ đọc những dòng ông viết khi còn là chiến sĩ liên lạc, văn thư của Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo cách đây 50 năm.
Sau chừng ấy năm, mảnh đất Khe Sanh, Quảng Trị đã trở thành một phần máu thịt của chính ông. Để rồi hàng năm khi quay lại nơi đây, trên khóe mắt của người lính già, những giọt nước mắt lại tuôn chảy theo dòng ký ức.
“Xin lỗi, đồng đội ơi”
Bầu không khí đang sôi nổi bỗng trở nên yên lặng khi chuyến xe chở đoàn cựu chiến binh K3 - Tam Đảo khẽ chậm bánh khi vào khúc cua dưới Cao điểm 689 - nơi những con mắt đăm đăm nhìn về phía đỉnh cao, những giọt lệ lăn theo khóe mắt. “Chúng tôi đến thăm đồng đội đây”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi thầm thì nói.
Ông Hợi quay sang chúng tôi, cho biết: “Đầu tháng 7/1968, khi đánh Cao điểm 689, khoảng 200 đồng đội của chúng tôi đã hy sinh ở đây. Điều đau đớn là giặc Mỹ đã dùng bom Napan, đạn pháo hủy diệt toàn bộ cứ điểm. Cứ 90 phút chúng lại dội một trận bom. Tất cả các liệt sĩ đều hòa máu xương vào đất, đá trên điểm cao này”.
Cao điểm 689 là một địa điểm quan trọng, khống chế toàn bộ tập đoàn cứ điểm như sân bay Tà Cơn, thị trấn Khe Sanh... Nếu mất 689 là mất tất cả. Trận đánh ở Cao điểm 689 (cách sân bay Tà Cơn 2km theo đường chim bay) có ý nghĩa rất lớn, làm nên chiến thắng Khe Sanh lịch sử năm 1968 và sau đó là Hướng Hoá - huyện đầu tiên của cả nước được giải phóng hoàn toàn. Cuốn nhật ký chiến trường “Từ Khe Sanh đến Thành cổ Quảng Trị” của ông Nguyễn Văn Hợi, nguyên chiến sĩ liên lạc, văn thư của Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo đã giúp các thế hệ sau tường tận trận đánh quyết định này.
Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo (Sư đoàn 346, Trung đoàn 246) thuộc Bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị vinh dự hai lần làm nên vinh quang: Chiến thắng Khe Sanh và giành được 500m2 Thành cổ Quảng Trị sau 81 ngày đêm huyền thoại năm 1972.
|
Nỗi đau ấy là nỗi đau chung của những người còn sống. “Xin lỗi, đồng đội ơi!”, là lời của những người lính già khi không thể đưa được đồng đội về quê nhà, về với gia đình và người thân. Để rồi hàng năm, đồng đội cũ lại tụ họp nhau đến thắp nén tâm nhang tri ân anh linh các anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Chậm rãi, nhẹ nhàng, chúng tôi bước trên con đường bê tông mới dẫn lên Cao điểm 689, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Anh hùng LLVT Nguyễn Hữu Quyền, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo năm xưa cho biết: “Trước kia, đường đi chỉ có một lối mòn - cỏ dại, cây bụi mọc chen lối. Chiến tích oai hùng nơi Cao điểm 689 chỉ còn lại trong trái tim cán bộ, chiến sĩ K3 - Tam Đảo và dần bị bụi thời gian phủ mờ”.
Ông Quyền cho biết, chính cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi là người không kể sức yếu (bị thương tật tới 81%), cất công đi tìm lại từng đồng đội, thu thập từng chi tiết về trận đánh và viết tâm thư gửi lên các cấp chính quyền, cơ quan chức năng. Tâm thư của ông đã được Bộ GTVT và Lữ đoàn 384 - đơn vị nhà thầu thi công các dự án giao thông và công trình trọng điểm trên địa bàn Quảng Trị phối hợp tài trợ và thiết kế thi công Công trình bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ trên Cao điểm 689.
Hơn thế nữa, ông Hợi cùng ban liên lạc truyền thống Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo tiếp tục vận động xã hội hóa được 6,9 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng khu tưởng niệm Di tích lịch sử Cao điểm 689, Khe Sanh.
Giữa cái nắng chói chang, những công nhân xây dựng công trình khu tưởng niệm vẫn đang miệt mài làm việc cho kịp tiến độ. Nhà tưởng niệm cao 10m vươn cao sừng sững giữa trời xanh Quảng Trị, khu nhà chờ, sân vườn, cổng tường rào và đường đi lối lại đã thành hình với các bậc được lát đá granit tự nhiên màu đỏ, tượng trưng cho dòng máu trung trinh của các anh hùng liệt sĩ, hài hòa trong sắc trắng trinh nguyên của trần nhà.
Dâng nén tâm nhang, các cựu chiến binh ứa lệ. Vậy là sau 50 năm ngã xuống nơi chiến địa oai hùng, các đồng đội đã có một mái nhà chung, an ủi nơi chín suối. Lời xin lỗi của những người còn sống đã mang nặng cả nửa thế kỷ biến thành nguồn sức mạnh lớn lao, tạc vào sử sách non sông một thiên trường ca hùng tráng về những người anh hùng trên Cao điểm 689.
Những người con anh hùng Khe Sanh
Sau những phút mặc niệm tri ân đồng đội, những chiến sĩ K3 - Tam Đảo năm xưa cùng nhau ra mỏm phía Tây của Cao điểm 689, ôm cây đàn hát cho đồng đội nghe. “...Nhớ những ngày đỏ lửa xa xôi, ta cùng tuổi 20. Đồng đội ơi, về đi thôi. Về nơi đây, về với quê hương. Về nơi đây về với người thân...”.
Giọng hát hòa cùng tiếng gió nghe da diết, nao lòng làm những thước phim quá khứ hào hùng chợt sống lại trong lòng mọi người.
Quệt vội dòng nước mắt, ông Hợi chỉ tay về phía dưới đồi kể: “Ngày 1/7/1968, tôi và ban chỉ huy đại đội bị kẹt lại ở sườn dưới chân đồi 689. Lúc gần 11h trưa, chiếc L19 bay quần đảo trên công sự đã ngụy trang, rồi bất ngờ chúc đầu lao xuống phóng một quả pháo khói. Lập tức, hàng loạt đạn của địch nổ ran quanh công sự. Chúng tôi đã bị phát hiện và lọt vào vòng vây của giặc. Sau khi giao nhiệm vụ cho mọi người, đồng chí Sơn, Đại đội trưởng Đại đội 10 của tôi, bật khỏi công sự để trườn về công sự phía sau phòng thủ thì bị địch bắn trúng mặt. Ứa nước mắt, chúng tôi nổ súng tiêu diệt địch. Khi chúng tới gần, tôi ném liền 2 quả lựu đạn về phía địch rồi bật ra khỏi công sự, lăn xuống phía dưới và lọt xuống hố pháo. Địch vừa kêu gọi đầu hàng, vừa tiếp tục nã đạn. “Này, thì hàng!”- tôi tiếp tục ném lựu đạn về phía địch, xong bật ra khỏi hố pháo tiếp tục lăn người xuống khe suối. Bỗng một quả cối địch nổ ngay bên người. Máu từ mồm, từ mũi tôi hộc ra”.
Rất may là ông Hợi lăn xuống được dưới suối và lẩn vào vật che khuất. Bọn địch không dám truy kích xuống dưới suối vì sợ lực lượng của ta đang vây lấn đồi 689. Nhờ vậy, ông đã được đồng chí Nguyễn Văn Khoát và Nguyễn Hữu Quyền cứu sống.
Hòa cùng dòng ký ức, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Ba nhớ lại: “Cũng ở sườn Tây, Trung đội trưởng Trung đội 1, Thiếu úy, liệt sĩ Phạm Ngọc Khánh đã chỉ huy chúng tôi tiêu diệt được hàng trăm tên Mỹ, phá hủy nhiều hầm ngầm và lô cốt địch. Cũng trận này, khi bị thương rất nặng và biết sẽ không thể tiếp tục chiến đấu được, anh đã gọi tôi (lúc bấy giờ tôi là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1) giao nhiệm vụ tiếp tục chỉ huy đơn vị đánh địch. Đồng chí Khánh, sau đó, lết đến 1 hầm đại liên đang bắn xối xả về phía ta. Khi tiếp cận, đồng chí hô lớn “Bác Hồ muôn năm” và ấn cả một chùm lựu đạn vào dập tắt ổ đại liên địch. Hỏa điểm của địch câm nín, bộ đội ta bừng bừng lòng căm hờn và nước mắt lao lên tiêu diệt địch”.
Hàng trăm người con anh hùng đất Việt đã để lại khúc ca hùng tráng nơi Cao điểm 689, một cứ điểm được ví như đồi A1 của Điện Biên Phủ; để rạng sáng 8/7/1968, lá cờ giải phóng quân ngạo nghễ tung bay trong khói bom, đạn lửa trên Cao điểm 689 làm quân thù thất kinh báo hiệu cho chiến bại của Mỹ-ngụy tại cứ điểm Đường 9 - Khe Sanh.
Khóe mắt hoen đỏ, ông Nguyễn Văn Hợi nghẹn ngào kể tiếp: “Để cứu nguy, địch điên cuồng tổ chức phản công, nhưng các đợt phản kích đều bị quân ta bẻ gãy. Trong lúc bị thương nặng, đồng chí Nguyễn Văn Khoát, Tiểu đội phó Tiểu đội 9 lần tay xuống túi ngực, lấy ra những đồng tiền đẫm máu và trăn trối với đồng đội - Nộp giúp tớ đảng phí tháng 7”.
“Còn chiến sĩ B40 Lưu Văn Thụ dù hai chân bị dập nát nhưng vẫn lết đến từng xác lính Mỹ lấy lựu đạn tiếp tế cho đồng đội đánh địch. Đến khi đồng chí Lê Duy Thường đưa tay về sau để lấy lựu đạn nhưng không có động tĩnh gì, quay lại thì mới biết, Thụ đã ra đi. Tay Thụ cầm trái lựu đạn vươn về phía trước, mắt vẫn mở, vẫn đang nhoài người trong tư thế lết để lại phía sau vết máu thâm đen”, nói đến đây, ông Hợi ôm mặt nức nở.
Những mái tóc bạc khẽ rung lên và bay lòa xòa trong gió. Các cựu chiến binh ôm nhau khóc. Đài tưởng niệm các chiến công bất tử của các anh hùng liệt sĩ trên đỉnh cao 689 mở lòng đón nhận những giọt nước mắt tiếp nối giữa hai thế kỷ.
Thùy Dương