Ngày 2/9/1945 mãi mãi đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi nhất trong hành trình ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; là nơi hội tụ lòng yêu nước, biểu thị quyết tâm “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. 76 năm kể từ ngày ấy, dù thế giới đã qua nhiều biến động khôn lường, đất nước cũng qua bao thăng trầm lịch sử nhưng mỗi người dân Việt Nam tự hào là đã giữ trọn lời thề trước hồn thiêng sông núi; đã, đang và mãi mãi làm hết sức mình để bảo vệ và phát triển nền độc lập dân tộc.
Hẳn trong tâm khảm của mỗi chúng ta chẳng ai có thể quên vận nước khi mới ra đời. 21 ngày sau ngày tuyên bố độc lập, Nhà nước Việt Nam ở vào tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc” thì thực dân Pháp đặt dân tộc ta trước một sự lựa chọn và không cách nào khác buộc dân tộc ta phải đứng lên kháng chiến để bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được. Và rồi, 30 năm sau đó dân tộc ta bước vào hai cuộc kháng chiến đầy cam go và thử thách hiểm nghèo chưa từng có trong lịch sử. Nhưng, để giữ trọn lời thề, với ý chí kiên cường và tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” Dân tộc ta lại làm nên huyền thoại “là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”, viết tiếp bản anh hùng ca lịch sử thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước vào thời kỳ mới: cả nước độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Để có được thành quả vĩ đại đó, có người đã nhẩm tính: Dân tộc Việt Nam đã phải bỏ ra trên 12 thế kỷ để chống giặc ngoại xâm. Mất nước là nỗi đau chung của cả dân tộc. Vì vậy, cả dân tộc “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” để giành độc lập cho Tổ quốc, biến ước mơ ngàn đời của dân tộc trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, để độc lập tự do thực sự có ý nghĩa một lần nữa dân tộc ta phải chung lưng, đấu cật làm cho đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Bởi, theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Vậy là, hơn 1 thập kỷ sau ngày đất nước thống nhất chúng ta đã vượt qua thử thách, có lúc đến nghiệt ngã để tìm ra con đường đổi mới. Và sau hơn 35 năm kiên định đường lối đổi mới với lối đi riêng không có trong tiền lệ, với ý chí độc lập, chúng ta đã giành được những thành quả rất đáng trân trọng. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Dân tộc Việt Nam đã làm cho ý nghĩa hai chữ độc lập ngày một vẹn toàn.
Hiện nay, khi bước vào thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập sâu nền kinh tế thế giới, chúng ta có nhiều cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ.
Cách đây 76 năm, khi vận nước hết sức khó khăn, Nhân dân ta với một niềm tin vào Đảng và Nhà nước cách mạng Việt Nam đã không chỉ vượt qua “sóng gió” mà còn gặt hái nhiều thành quả quan trọng. Phát huy tinh thần ấy, lúc này hơn lúc nào hết mỗi người dân phải bình tĩnh, không hoang mang, dao động, hoài nghi, bi quan mà phải đặt niềm tin tuyệt đối, tập trung, thống nhất, đoàn kết ủng hộ các giải pháp của Đảng và Nhà nước để vượt qua thử thách, tiếp tục chớp thời cơ để phát triển, trước mắt là đẩy lùi, tiến tới dập tắt đại dịch Covid-19, mang lại cuộc sống an lành cho Nhân dân.
Kỷ niệm 76 năm ngày ra đời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tâm khảm của mỗi người dân Việt không ai không khỏi tự hào. Tự hào trước một Việt Nam được coi như “con hổ”, “con rồng” ở Đông Nam Á đang vươn vai ra khỏi giấc ngủ của mình như bạn bè đã từng ca ngợi. Càng tự hào hơn khi trong thành quả của đất nước có sự kết tinh công sức, mồ hôi và cả máu xương của mình; đồng thời, quyết tâm giữ trọn lời thề “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Trí Ánh