Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, sáng tạo, quân và dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não, tản cư, bảo đảm an toàn cho nhân dân; chuyển hàng ngàn tấn máy móc, vật tư ra An toàn khu, tạo tiềm lực ban đầu cho kháng chiến. Quân và dân Thủ đô đã đánh hàng trăm trận, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, giam chân chúng dài ngày trong thành phố, tạo điều kiện để cả nước bước vào chiến tranh, triển khai thế trận chiến đấu lâu dài.
Cuộc chiến đấu oanh liệt, sáng tạo của quân, dân Thủ đô Hà Nội và của cả nước trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến đã giáng một đòn mạnh vào chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” và ý chí xâm lược của kẻ thù, làm tiền đề vững chắc cho chiến thắng Việt Bắc năm 1947 phá tan chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của địch; chiến thắng Biên giới 1950, chiến thắng Tây Bắc 1952, từng bước tạo thế cho chúng ta làm chủ chiến trường Bắc Bộ, đẩy quân pháp vào thế bị động. Và cuối cùng với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chúng ta đã buộc thực dân Pháp phaỉ chấp nhận thất bại, công nhận độc lập chủ quyền của nước ta. Với ý nghĩa đó, ngày 19-12-1946, mãi mãi là một trong những ngày lịch sử vẽ vang nhất, hào hùng nhất của dân tộc ta; trở thành mốc son lịch sử mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh vĩ đại.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là thắng lợi của đường lối đúng đắn và vai trò lãnh đạo sáng suốt khôn khéo của Bác Hồ và Đảng ta; là thắng lợi tinh thần đoàn kết chiến đấu anh dũng, không ngại gian khổ, không sợ hy sinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng; là thắng lợi tổng hợp của quân sự với chính trị và ngoại giao. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp là thiên anh hùng ca bất diệt về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm hy sinh và sức mạnh niềm tin của một dân tộc được thức tỉnh bởi khát vọng tự do độc lập.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh quân đội Nhân dân Việt Nam, khi nói về sự kiện ngaỳ 19-12-1946 đã cho rằng: Thời điểm phát động một cuộc chiến tranh là cực kỳ quan trọng. Nắm vững quy luật của chiến tranh để quyết định đúng và sáng suốt là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn đối với vận mệnh dân tộc. Đã là chiến tranh thì phải nắm quyền chủ động và phải tạo đựơc sức mạnh ngay từ đầu, tạo bất ngờ cho đối phương. Quyết định ngày 19/12 là quyết định không thể sớm hơn, còn nếu chậm, quân Pháp sẽ nhanh chóng tước vũ khí các lực lượng vũ trang của ta thì tình thế sẽ khó khăn phức tạp hơn nhiều.
72 năm đã qua, nhưng hào khí những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đặc biệt là bài học giữ nước thì vẫn còn nguyên giá trị.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhận định “… tình hình thế giới, khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ, thách thức. Hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức tiếp tục được đẩy mạnh. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á đã trở thành một cộng đồng, tiếp tục là trung tâm phát triển năng động, có vị trí địa - kinh tế - chính trị chiến lược ngày càng quan trọng; đồng thời, đây cũng là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn, có nhiều nhân tố bất ổn; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt. Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Nước ta sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ “diễn biến hoà bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,...
Trước tình hình đó, mỗi một cán bộ, đảng viên và toàn dân thiết nghĩ cần phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”(1). Phải thực hiện bằng được: “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”(2)
Đó chính là sự tiếp nối và phát huy truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước ngàn năm của cha ông, trong đó có ngày 19-12-1946, ngaỳ Toàn quốc mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến thắng lợi. Trí Ánh
-------------------------------------------------
(1), (2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2013, tr. 168-169