Các nạn nhân được lực lượng BĐBP Quảng Trị giải cứu tại Quảng Nam. Ảnh: Nguyễn Thành Phú
Hành trình giải cứu
Ngày 11-4-2018, Thiếu tá Đặng Tất Phùng, Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn Biên phòng Ba Lin, BĐBP Quảng Trị tiếp công dân Hồ Văn Nhời, 40 tuổi, ở bản Ba Lin, xã A Vao đến cầu cứu đồn giúp đỡ. Theo trình báo của ông Nhời: Con trai ông gọi điện về nói ông lên nhờ Đồn Biên phòng Ba Lin vào Quảng Nam cứu con khỏi bãi vàng, vì làm việc ở đó quá khổ cực, nguy hiểm và luôn bị đánh đập.
Lần theo dữ liệu ít ỏi, Tổ công tác của BĐBP Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với BĐBP và Công an tỉnh Quảng Nam nhanh chóng xác định địa điểm mà các nạn nhân đang làm việc là bãi vàng Khe Muối, thuộc xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, do Công ty TNHH Phước Minh làm chủ. Khi lực lượng chức năng liên lạc với Công ty TNHH Phước Minh thì nhận được câu trả lời, vào trưa 12-4-2018 có 10 lao động quê ở Đakrông, Quảng Trị đã rủ nhau bỏ trốn khỏi mỏ vàng. Hành trình cuộc giải cứu tưởng chừng bị mất manh mối thì Tổ công tác nhận được thông tin vô cùng quý giá là tại lán bảo vệ Nhà máy thủy điện Đắc Minh 3 có 5 người dân quê ở Quảng Trị xin vào trú nhờ.
Lập tức, Tổ công tác phối hợp với Công an huyện Phước Sơn có mặt tại lán bảo vệ Nhà máy thủy điện Đắc Minh 3, thuộc xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, cách trung tâm thị trấn Khâm Đức khoảng 25km về phía Tây Nam và cách vị trí bãi vàng Khe Muối khoảng 60km đường rừng. Tại đây, lực lượng chức năng đã tiếp cận 5 nạn nhân là Hồ Văn Hùng, SN 1985, trú tại bản Tân Đi 1; Hồ Văn Mây, SN 1994 và Hồ Văn Huân, SN 1998, cùng trú tại bản Ba Lin, xã A Vao, Hồ Văn Nêm, SN 1995 và Hồ Văn Phích, SN 1990, cùng trú tại thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị.
Lấy lời khai các nạn nhân, Tổ công tác biết thêm, cũng vào trưa 12-4, còn có 5 nạn nhân khác cùng bỏ trốn và đã chạy đến khu vực xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Biết được đây là địa bàn do Đồn Biên phòng Bình Minh phụ trách, Tổ công tác đề nghị Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam chỉ đạo Đồn Biên phòng Bình Minh tổ chức lực lượng giải cứu 5 nạn nhân này.
Ít giờ sau, các nạn nhân gồm: Hồ Văn Nân, SN 1999; Hồ Văn Un, SN 1997; Hồ Văn Mông, SN 1999, cùng trú tại thôn Ba Lin, xã A Vao và Hồ Văn Hinh, SN 1999; Hồ Văn Mần, SN 1999, cùng trú tại thôn Tà Rụt, xã Tà Rụt đã được Đồn Biên phòng Bình Minh đưa về trụ sở Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam an toàn. Từ lời khai của các nạn nhân, lực lượng chức năng còn giải cứu thêm Hồ Văn Hựt, SN 1988, trú tại bản Tà Rụt, xã Tà Rụt. Như vậy, đến 20 giờ, ngày 25-4, 11 nạn nhân đã được giải cứu an toàn.
“Phu vàng khổ sai”
11 nạn nhân khi được lực lượng chức năng đưa về tới trụ sở Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị, được gặp gỡ người thân, gia đình vẫn còn chưa hết sự khiếp đảm, thất thần về những ngày bị đày ải làm “phu vàng”. Trên mình họ vẫn lưu lại những thương tích do bị những “cai vàng” đánh đập. Mỗi ngày, họ phải làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ trong hầm sâu, kể cả ban đêm. Không chỉ bị làm việc quá sức, những lao động này còn chẳng được trang bị bất cứ một loại bảo hộ lao động nào. Trên nền đất luôn ẩm ướt dưới hầm sâu, các loại dây điện có nhiều chỗ đấu nối không được bọc kín rất nguy hiểm.
Thấy công việc vất vả, nguy hiểm, chế độ ăn uống không đảm bảo, lại hay bị bảo vệ đánh đập, thúc ép một số lao động gặp quản lý để đề xuất xin thôi việc, nhưng công ty không giải quyết, ngược lại, họ còn bị “bảo vệ” quản thúc chặt chẽ hơn. Khoảng 12 giờ, ngày 12-4, 10 lao động quê ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị một lần nữa đến gặp người phụ trách để xin thôi việc, nhưng vẫn không được chấp thuận. Lần này, họ đã bị một số “bảo vệ” xông vào đánh đập. Quá sợ hãi, tất cả bỏ chạy vào rừng.
Các “bảo vệ” vẫn không tha mà mang hung khí đuổi theo để bắt họ trở lại làm việc. Rất may, số người này đã chạy thoát và được các lực lượng chức năng giải cứu. Theo lời khai của các nạn nhân, hiện nay, tại bãi khai thác vàng Khe Muối còn khoảng 170 đến 180 lao động đang làm việc (trong đó có 3 lao động nữ). Họ đã xin nghỉ việc để trở về gia đình, song Công ty TNHH Phước Minh kiên quyết không cho.
Theo trình báo của các nạn nhân, do cuộc sống ở địa phương khó khăn, việc làm không ổn định nên một số thanh niên ở xã A Vao và Tà Rụt hay tụ tập tại trung tâm xã Tà Rụt để uống cà phê. Tại đây, họ đã gặp một người tên là Nhất, tự giới thiệu trú tại bản Ka Hẹp, xã Tà Rụt và một người nữa tên là Giang, tự nhận mình là cán bộ của Công ty TNHH Phước Minh. Qua trò chuyện, Nhất và Giang đã rủ rê họ đi làm với viễn cảnh sẽ được hưởng nhiều ưu đãi từ công ty, như bảo hộ lao động, làm việc theo giờ hành chính, được đảm bảo nơi nghỉ chu đáo, công ty sẽ hỗ trợ tiền ăn...; lương làm việc trong hầm là 7 triệu, còn làm bên ngoài là 4 triệu...
Tin vào lời giới thiệu nên số thanh niên này đã chấp thuận đi làm việc và họ được người tên Giang yêu cầu ký vào đơn xin việc được soạn sẵn phần thủ tục, còn phần nội dung bị bỏ trống. Khi vào làm việc, số thanh niên này tiếp tục được yêu cầu ký vào hợp đồng lao động đã được soạn sẵn nhưng lại không được đọc nội dung. Tuy nhiên, quá trình làm việc, mọi việc đều không đúng như lời mà đối tượng Giang đã hứa.
Tại buổi làm việc với lực lượng chức năng, lãnh đạo Công ty TNHH Phước Minh đã thừa nhận, việc tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được giao cho ông Nguyễn Văn Giang, SN 1967, là cán bộ của công ty còn việc quản lý hồ sơ và con người thì công ty lại giao trực tiếp cho cán bộ phụ trách mỏ. Vẫn còn những câu hỏi mà cơ quan chức năng cần làm rõ là: Việc người lao động không được đảm bảo mọi chế độ, bị đày ải làm việc như khổ sai, bị đánh đập... lãnh đạo công ty có biết và có biện pháp xử lý không? Và, với cách tuyển dụng người như ông Giang, ông Nhất đã làm, có phải là hành vi lừa đảo? BĐBP Quảng Nam đã đề nghị Công an Quảng Nam rà soát lao động tại bãi vàng Khe Muối, tác động để các lao động còn lại được về quê nếu có nguyện vọng.
Nguyễn Thành Phú