|
Tổ quốc, nhân dân không bao giờ quên những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh nơi biên giới Vị Xuyên, Hà Giang năm 1979. Ảnh: VGP |
Lịch sử nước ta từng ghi vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), 29 vạn quân Thanh tràn xuống phía nam vào đến thành Thăng Long. Khi đó, Hoàng đế Quang Trung hành quân thần tốc từ Nam ra Bắc, vượt phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn. Trong 6 ngày đầu xuân tính từ ngày 30 Tết, năm đạo quân Tây Sơn vừa liên tục mở những cuộc tập kích, đánh vu hồi chớp nhoáng, vừa truy đuổi quân Thanh và định đoạt toàn bộ số phận đội quân xâm lược ở trận Đống Đa, giải phóng kinh thành Thăng Long đúng ngày 5 Tết Kỷ Dậu.
Tròn 190 năm sau, mùa xuân năm Kỷ Mùi 1979, trên toàn tuyến biên giới Tây Nam từ Tây Ninh xuống Kiên Giang, hàng chục vạn quân Khmer Đỏ của Pol Pot xâm lấn biên giới nước ta.
Để bảo vệ đất nước và giúp đỡ nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, chỉ một tuần phản công, quân và dân ta đã đẩy lui Khmer Đỏ về bên kia biên giới và truy đuổi chúng đến tận sào huyệt, lật đổ toàn bộ chế độ diệt chủng Pol Pot.
Nhưng khi biên giới Tây Nam vừa sạch bóng quân Khmer Đỏ thì cũng vào mùa xuân Kỷ Mùi 1979, cả nước lại ra trận bảo vệ biên giới phía bắc.
|
Đường vào Pác Bó (Cao Bằng), điểm khởi đầu đường Hồ Chí Minh thời công nghiệp hóa. Ảnh: Hà Minh Hồng |
Những ngày chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng ấy cũng qua rồi và 40 năm sau - mùa xuân năm Kỷ Hợi 2019, Quốc lộ 1 tấp nập xe cộ ra Bắc vào Nam, đường ven biển khách du lịch đi lại nườm nượp. Đường Hồ Chí Minh thành đại lộ, vượt núi cao vực sâu bằng những cây cầu bê tông thênh thang; đoạn qua Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn xanh mướt rừng cao su đang kỳ khai thác. Quốc lộ 279 mang tên chiến dịch mùa xuân 40 năm trước trở thành huyết mạch từ Đông Bắc sang Tây Bắc, kết nối cả 6 tỉnh chiến trường biên cương năm xưa.
Từ Hà Giang sang Phú Thọ, lên Thái Nguyên, ngược xứ Lạng, xuôi Móng Cái... đường đan xen như mạng nhện. Các quốc lộ, đường liên tỉnh từ Hà Nội lên Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn rút ngắn khoảng cách các thành phố vùng biên và thúc đẩy thông thương đặc sản vùng miền. Cầu vượt và đường cao tốc - “đặc sản giao thông đường bộ” 40 năm nay, đã và đang kết nối các tỉnh, thành phố miền Bắc lại với nhau, làm nền móng hạ tầng chung cho các khu công nghiệp, vùng kinh tế hình thành phát triển.
Đường lên cột cờ địa đầu Tổ quốc qua chợ phiên Lũng Cú (Hà Giang) sặc sỡ sắc màu văn hoá các dân tộc anh em. Ba cửa khẩu quốc tế lớn nhất (Hữu Nghị, Móng Cái, Lào Cai) cùng với hàng chục cửa khẩu quốc tế và quốc gia... đã mở rộng luồng hàng chính ngạch để quản lý tốt hơn hàng tiểu ngạch.
|
Góc chợ vùng Tây Bắc. Ảnh: Hà Minh Hồng |
Đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông… vốn quen sống ở vùng cao, nay nhiều người đã bám mặt đường để buôn bán. Cam Cao Phong (Hòa Bình) trĩu cành vàng cả vườn du lịch sinh thái; rau cải mèo xanh khắp các lối chợ vùng cao; đồi chè Mộc Châu (Sơn La) hình trái tim hấp dẫn nhiều du khách... Sương lạnh núi rừng Mộc Châu xuống 8 độ, Quốc lộ 6 trắng xoá, nhưng trong mù sương, những cành đào theo xe về Hà Nội vẫn nẩy nụ đơm hoa. Bản Lác (thị trấn Mai Châu, Hoà Bình) nằm cạnh Quốc lộ 15 có 8 thôn với 70% người Thái và người Mông, Mường, Kinh, làm du lịch (home stay) và nông nghiệp, khách nước ngoài, khách nội địa đạp xe trong bản từng đoàn… Bình yên mà lãng mạn!
Đi trên miền lịch sử văn hóa Tây Bắc - nơi mặt trận Hoàng Liên Sơn 40 năm trước - qua Lào Cai, Mường Khương, Bát Xát, Cam Đường, Sa Pa, Phố Lu, Bến Đền từng bị tàn phá, 40 năm sau đã thay da đổi thịt nhanh chóng thành các thành phố mới được quy hoạch đẹp lạ lùng. Dấu tích mặt trận xưa giờ thu gọn trong nhiều di tích, bảo tàng, nhà truyền thống.
Vị Xuyên, nơi im tiếng súng muộn nhất (năm 1989) cũng đã qua 30 mùa hoa cải vụ Đông. Người Tày, Dao, Nùng ở Vị Xuyên đã quen với các mô hình nông nghiệp sạch, rau an toàn, VietGAP…Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên còn nhiều ngôi mộ chưa tìm được tên tuổi liệt sĩ, nhưng đài hương được đồng đội dựng cheo leo trên đỉnh Nậm Ngặt 468 đủ nhìn thấy các sườn núi chập chùng nơi các anh đang nằm lẫn vào màu xanh nương rẫy…
Quốc lộ 2, từ cửa khẩu Thanh Thủy cặp xuôi theo dòng sông Lô nối khu kinh tế cửa khẩu mới hình thành về thành phố Hà Giang bao quanh Núi Cấm. Quảng trường 26/3 giữa thành phố vùng biên với tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Hà Giang buổi tối cuối tuần đông vui như hội.
Hành trình từ phương Nam ngược ra Bắc gợi cảm hành trình lịch sử. Chiếc xe đời mới của thế kỷ XXI lướt nhanh trong bóng dáng ký ức xa xưa (thế kỷ XVIII) và ngày qua (thập niên 70-80 thế kỷ XX).
Trong tiếng hát dọc hành trình thực tập thực tế của sinh viên ngành Sử trên xe, nghe thấy nhiều ca khúc về thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, có cả bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác tháng 2/1979. Người đi ra hăm hở với cái rét mùa Đông từ Hải Vân ra Bắc; người đi vào náo nức cùng tiết trời nắng nóng dần từ Cố đô Huế vào Nam. Cả hai đầu biên giới đất nước bình yên nên mùa xuân ở đâu cũng đủ hương vị vùng miền cả nước; người người ở đâu cũng chung niềm hy vọng nối dài mãi những mùa xuân bình yên ấy.
Hà Minh Hồng