Niềm vui của thầy cô và học sinh bậc học mầm non như vỡ oà khi tỉnh Quảng Trị vừa thông qua Nghị quyết thực hiện chế độ lương và hỗ trợ bảo hiểm đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các trường mầm non công lập.
Những trăn trở của cô nuôi…
Có thể nói rằng, trong những năm qua tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đội ngũ làm công việc nấu ăn vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa được xếp vào vị trí việc làm bắt buộc của Nhà nước. Để có được cô nuôi đúng nghĩa, nhà trường phải vận động từ phụ huynh học sinh và cắt giảm chi tiêu để thuê cô nuôi nấu ăn tại các cơ sở giáo dục.
Trường Mầm non Hướng Phùng thuộc xã Hướng Phùng (Hướng Hoá - Quảng Trị) với số học sinh lên đến hơn 400 cháu và chia thành 9 điểm trường. Đây là ngôi trường thuộc xã vùng cao kinh tế gặp nhiều khó khăn, bà con chủ yếu là đồng bào dân tộc nên việc quan tâm hỗ trợ và chung tay với nhà trường trong việc tổ chức lớp học bán trú còn nhiều hạn chế.
Để làm tốt công tác bán trú, lãnh đạo nhà trường đã cố gắng hết sức để hợp đồng với hai cô nuôi tại điểm trường trung tâm, còn các điểm lẻ khác, các giáo viên cắt cử thay nhau nấu cơm nước cho các cháu. Chính vì điều này nên dẫn đến những bất cập và khó khăn đối với các cơ sở trường học.
Không chỉ đối với vùng khó, tại TP Đông Hà, nơi có điều kiện thuận lợi, để đáp ứng việc chăm sóc bữa ăn cho trẻ Trường MN Tuổi thơ, 4 lao động hợp đồng đảm nhận việc nấu ăn hằng ngày. Các lao động này được trả từ 3 - 3,8 triệu đồng/người/tháng và được lấy từ nguồn đóng góp của phụ huynh. Còn các khoản bảo hiểm đều do nhà trường trích kinh phí để đóng cho các cô.
Ước nguyện của đội ngũ lãnh đạo các trường mầm non công lập, các cô nuôi là có chế độ hỗ trợ cho các cô nuôi. Những người hằng ngày nỗ lực rất nhiều để chăm sóc sức khoẻ cho học sinh nhưng lại thấp thỏm, nơm nớp lo âu bởi chế độ, chính sách của mình không được quan tâm. Nhiều cô nuôi tâm sự, việc đảm bảo chế độ, quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài và lương cũng cao hơn phù hợp với nhiệm vụ được giao thì sẽ yên tâm làm việc, từ đó cũng góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng và phát triển thể chất cho trẻ tại trường.
Một quyết định đúng đắn
|
Cô nuôi Nguyễn Thị Minh (Trường Mầm non xã Hướng Phùng - Hướng Hoá) đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho trẻ. Ảnh: Vĩnh Quý |
Trước những khó khăn của cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn cùng với trăn trở của đội ngũ cô nuôi vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa được xếp vào vị trí việc làm bắt buộc theo quy định của Nhà nước. Trong khi đó, áp lực đưa đưa giáo dục mầm non phát triển bền vững, việc thực hiện chế độ lương và hỗ trợ bảo hiểm đối với lao động hợp đồng nấu ăn trong các trường mầm non công lập tỉnh Quảng Trị là một bước đi cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VII đã thông qua Nghị quyết số 35/2018/ NQ-HĐND, ngày 8/12/2018 về thực hiện chế độ lương và hỗ trợ bảo hiểm đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các trường mầm non công lập tỉnh Quảng Trị. Đây là chính sách tạo điều kiện để các cô nuôi trong các trường mầm non bảo đảm được các chế độ và nâng cao mức thu nhập so với trước để ổn định cuộc sống.
Thực hiện chính sách này cũng giúp các trường mầm non công lập bảo đảm đủ người lao động hợp đồng vị trí nấu ăn và 100% người lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh được trả lương và hỗ trợ bảo hiểm từ nguồn xã hội hóa và ngân sách Nhà nước, bảo đảm quyền lợi hợp pháp và ổn định lương cho người lao động...
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Khi chưa có chính sách của tỉnh, các trường mầm non đã rất cố gắng huy động hỗ trợ từ phụ huynh và nguồn xã hội hoá khác để hợp đồng nhân viên nấu ăn, nhằm bảo đảm chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ trong toàn tỉnh. Nhưng thực tế thì đội ngũ này còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định, đồng lương ít ỏi. Đối với các trường vùng đặc biệt khó khăn thì việc các trường hợp đồng nhân viên nuôi dưỡng không thực hiện được vì phụ huynh không có điều kiện hỗ trợ.
Việc HĐND tỉnh Quảng Trị thông qua nghị quyết để hỗ trợ lương và chế độ bảo hiểm cho “cô nuôi” đối với bậc học mầm non trong toàn tỉnh thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, các ngành; là niềm hạnh phúc đối với cô nuôi, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo phụ huynh, nhà trường và đặc biệt là đội ngũ nhân viên dinh dưỡng.
Đây cũng là giải pháp quan trọng để giáo dục mầm non nâng cao chất lượng. Bởi để trẻ phát triển toàn diện ngoài việc có đủ đội ngũ giáo viên, đòi hỏi phải có đội ngũ cô nuôi đủ số lượng và được bảo đảm các chế độ để họ toàn tâm toàn ý với công việc, thực hiện tốt việc tổ chức cho trẻ mầm non được bán trú và học 2 buổi/ngày. Đây cũng là một trong những giải pháp duy trì bền vững chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, góp phần phát triển sự nghiệp GD-ĐT ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.