Với chủ đề “Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hình thành ý thức bảo vệ môi trường”, Tọa đàm nhằm sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
(Ban Tuyên giáo Trung ương) phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Anh Tuấn)
Đề cập những nội dung đặt ra đối với công tác thông tin, định hướng và tổ chức tuyên truyền nội dung bảo vệ môi trường thời gian tới, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng đề xuất cần tổ chức thường xuyên hơn nữa Giải báo chí về môi trường cấp quốc gia, cũng như có hình thức tuyên dương người dân làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Trong hoạt động báo chí về vấn đề môi trường, đòi hỏi sự trung thực, khách quan, khoa học và cụ thể trong từng sự việc, đồng thời với đó là công tác khen thưởng và xử phạt nghiêm minh.
Từ thực tiễn kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục môi trường, theo ông Huỳnh Phước - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng, các địa phương cần duy trì tốt ngày Chủ nhật xanh, công tác vệ sinh tại cộng đồng; giáo dục môi trường kết hợp giữa chính khóa và ngoại khóa giúp các em học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở có thêm trải nghiệm từ đó hình thành ý thức bảo vệ môi trường sống.
Còn đại diện đến từ trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, cho rằng cần xác định học sinh, sinh viên là nòng cốt trong bảo vệ môi trường, coi công tác bảo vệ môi trường như ngành y tế tức là phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Cả hệ thống chính trị cần phải nhìn thẳng vào thực tế hiện hữu là trong vài năm tới đây, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác sẽ đối mặt với khủng khoảng môi trường, khủng bố môi trường, an ninh môi trường, từ đó cần có cách đối phó phù hợp.
“Hành động xanh bắt nguồn từ nhận thức xanh, gây áp lực khiến doanh nghiệp tự giác bảo vệ môi trường, vai trò nêu gương điển hình trong bảo vệ môi trường tại các cuộc họp tổ dân phố, hội phụ nữ…”, ý kiến đến từ đại diện Khoa Môi trường - Đại học Bách khoa Đà Nẵng đề xuất.
Bên cạnh đó, cần truyền thông cho thấu đáo tới chủ đầu tư các dự án về lợi ích của việc đánh giá đúng, đủ, thực chất tác động môi trường là bền vững, có lợi về mặt kinh tế sau này.
Trước những kết quả tích cực đạt được trong công tác tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường thời gian qua, các đại biểu cho rằng Ban Tuyên giáo Trung ương cần làm cho khát vọng bảo vệ môi trường trong toàn xã hội thực sự “bùng cháy” thông qua định hướng thông tin sát sao, kịp thời, giám sát và phản biện xã hội, đồng thời nhấn mạnh đến vai trò của mạng xã hội và các kênh thông tin khác./.
Anh Tuấn