Sáng 1/12, tại TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ mít tinh cấp Quốc gia hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2018 (ngày 1/12), với chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi lễ.
Đến dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam Marie Odile Emond; Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh Mary Tarnowka; Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Huỳnh Cách Mạng và hơn 2.500 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và nhân dân Thành phố tham gia mít tinh.
Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS đến tháng 12/2017, thế giới đã có hơn 36,9 triệu người nhiễm HIV hiện đang còn sống và khoảng 35,4 triệu người đã tử vong vì AIDS kể từ đầu vụ dịch đến nay. Mỗi năm thế giới vẫn có khoảng gần 2 triệu người mới được phát hiện nhiễm HIV.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả 3 tiêu chí: số người nhiễm mới, số người chuyển sang AIDS và số người tử vong do AIDS.
Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV. Nhiều mô hình hiệu quả của thế giới được ứng dụng tại Việt nam, điển hình là Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, hay việc áp dụng khuyến cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới về điều trị thuốc ARV ngay cho người nhiễm HIV không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4; triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV hoặc việc chuyển đổi mô hình chi trả điều trị HIV/AIDS thông qua Quỹ bảo hiểm y tế...
Mặt khác, Việt Nam đã áp dụng được nhiều sáng kiến mới trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS mà không phải quốc gia nào cũng làm được. Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những điểm sáng về phòng, chống HIV/AIDS.
Mặc dù đã dành được nhiều kết quả, tuy nhiên công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đang phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức, tình hình dịch HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp.
Mỗi năm nước ta vẫn có khoảng hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện; Mỗi năm dịch HIV/AIDS vẫn cướp đi từ 3.000 – 4.000 sinh mạng người Việt Nam. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở Việt Nam. Vẫn còn ít nhất khoảng 50.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình.
Đông đảo người dân tham gia lễ Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2018.
Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy đang có xu hướng gia tăng trở lại. Lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng nhan đặc biệt trong nhóm tuổi trẻ. Thiếu hụt nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống HIV/AIDS cũng là thách thức với công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Trong khi đó độ bao phủ của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS vẫn còn hạn chế. Tình trạng phân biệt, kỳ thị đối xử liên quan đến HIV vẫn còn phổ biến. Điều này cảnh báo dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan hay thờ ơ, không tiếp tục quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Tại sự kiện mít tinh trọng thể hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm nay, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi sự chung tay và hành động mạnh mẽ của cả cộng đồng để mọi người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận các dịch vụ dự phòng không bị lây nhiễm HIV; hành động để người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV; hành động để tất cả người chẩn đoán nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV sớm và tuân thủ điều trị để đảm bảo việc điều trị có hiệu quả; hành động để mọi người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế để có thể điều trị HIV/AIDS lâu dài và bền vững.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề nghị lãnh đạo các ngành, các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS, không lơ là chủ quan. Ngành y tế cần tăng cường cung cấp các dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV của tất cả mọi người dân. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp như bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, Buprenorphine, tư vấn xét nghiệm HIV; mở rộng điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV cũng như dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Đẩy mạnh hơn nữa việc xét nghiệm tải lượng vi rút vì không chỉ là biện pháp chuyên môn kỹ thuật mà cũng là một trong các biện pháp để đo lường mục tiêu 90-90-90. Huy động các tổ chức cộng đồng cùng tham gia cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV. Đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước tiếp tục quan tâm ủng hộ Việt Nam bằng cả nguồn tài chính và kỹ thuật.
Sau lễ mít tinh, các đại biểu tham quan triển lãm các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh; tổ chức các gian hàng giới thiệu hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; văn nghệ hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12; thăm và tặng quà cho các bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạnh./.
Vương Lê