Những ngày này, chủ của các cơ sở làm nghề hấp sấy cá khô ở vùng ven biển, chủ yếu tập trung ở xã Gio Việt và Thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) lao đao vì thương lái Trung Quốc từ chối nhập hàng do chính sách nhập khẩu của nước này được siết chặt, yêu cầu sản phẩm phải được đi theo đường chính ngạch có truy xuất nguồn gốc, tem nhãn trong khi các cơ sở đầu mối vẫn chưa thực hiện được.
Hàng trăm tấn cá khô ứ đọng trong nhà lạnh
Theo thống kê các cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô trong địa bàn, tại thị trấn Cửa Việt còn gần 400 tấn cá nục khô, xã Gio Việt hơn 600 tấn cá nục khô còn tồn kho.
Bà Nguyễn Thị Non - chủ một cơ sở thu mua cá ở xã Gio Việt cho biết: “Hiện tại cơ sở tôi đang ứ đọng hơn 40 tấn cá khô, 20 tấn được bảo quản ngay tại kho lạnh của cơ sở, còn lại tôi phải gửi kho ở Thanh Hóa. Giờ như ngồi trên đống lửa vì hàng hóa không bán đi được, bao nhiêu thứ phải lo, ngoài chi phí kho bảo quản cá hơn 40 triệu đồng mỗi tháng, tôi con phải mượn nóng để chi trả tiền cho các chủ thuyền để họ có chi phí ra khơi, cá không bán được nguy cơ vỡ nợ là rất lớn”.
Tương tự, ông Nguyễn Duy Liệu chủ lò hấp sấy cá gần đó, hiện trong kho còn tồn gần 100 tấn cá nục khô. Vì cá được thu mua từ các ngư dân quanh vùng, thuyền ra khơi không có thiết bị giám sát và công đoạn hấp sấy được làm thủ công nên việc chứng nhận truy xuất nguồn gốc và các giấy tờ liên quan đáp ứng yêu cầu để xuất khẩu qua Trung Quốc là không thể. Ngoài việc mỗi tháng phải chi trả gần 100 triệu cho phí bảo quản cá tại kho, việc để lâu trong kho khiến chất lượng cá giảm, dẫn tới hư hỏng phải bán cá xay lỗ hơn nửa giá.
Xưởng, sân phơi vắng vẻ không hoạt động vì cá không bán được
Kéo theo đó, vấn đề giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, lao động hấp sấy mất việc, không được trả tiền do các cơ sở kinh doanh buôn bán ngưng trệ, các chủ tàu thuyền giảm tinh thần ra khơi bám biển vì cá khai thác được không có người mua, hoặc bán với giá thấp.
Ông Nguyễn Thanh Thương, Chủ tịch UBND xã Gio Việt cho biết: “Tính đến nay Gio Việt còn tồn đọng gần 600 tấn cá hấp sấy, ngày 11-7, UBND huyện Gio Linh cũng đã làm tờ trình gửi Sở NN&PTNT Quảng Trị để có biện pháp giải quyết, tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho bà con. Vừa qua cũng tiến hành tổ chức tập huấn cho các chủ tàu thuyền về vấn đề làm sổ hành trình, chuẩn bị cho việc gắn máy hành trình để truy xuất nguồn gốc. Việc không xuất được cá khô khiến giá cá nục tươi giảm còn nửa giá, giá cá nục tươi 15.000 đồng xuống còn 7.000-8.000 đồng/kg, cá tồn kho lâu ngày dẫn tới chất lượng giảm, hư hỏng có thể không bán được".
Ông Thương còn cho biết thêm UBND xã cũng đã làm việc với UBND huyện và các phòng ban chuyên môn kiến nghị tỉnh Quảng Trị có giải pháp hướng dẫn, giúp đỡ tiểu thương đáp ứng thủ tục, xây dựng nhãn mác, thương hiệu cho sản phẩm cá hấp để sớm tiêu thụ và có thể đi ra các thị trường khác.
NGUYỄN HOÀNG