|
Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đề xuất tái khởi động các chuyến bay quốc tế thường lệ. Ảnh: VNA |
Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tái khởi động các chuyến bay quốc tế thường lệ trước hết bằng việc khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo) trong giai đoạn 1 cho các đối tượng là công dân Việt Nam song song với việc tổ chức chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương (Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh...).
Với chuyến bay combo, các hãng hàng không Việt Nam cùng đối tác (doanh nghiệp lữ hành) tổ chức chuyến bay trên cơ sở văn bản đồng ý của địa phương cho tiếp nhận cách ly tập trung (có thu phí) tại cơ sở cách ly do địa phương phê duyệt với chi phí trọn gói gồm: vé máy bay, xét nghiệm COVID-19, khách sạn cách ly và chi phí ăn trong 7 ngày (đối với chuyến bay chở toàn bộ hành khách đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc có chứng nhận khỏi bệnh COVID-19) hoặc 14 ngày (đối với chuyến bay khác), phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly...
Dự kiến các chuyến bay này sẽ được mở tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Australia và các thị trường khác khi có nhu cầu luân chuyển lao động.
Cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay gồm Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh và các cảng hàng không khác (trên cơ sở đồng ý của UBND các tỉnh/thành phố có điều kiện tiếp nhận hành khách đến từ các cảng hàng không trên).
Tần suất khai thác được quyết định theo năng lực tiếp nhận cách ly của địa phương, chỉ được cấp phép bay sau khi phương án tiếp nhận cách ly được địa phương thống nhất.
Với chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất không hạn chế thị trường, áp dụng với khách người nước ngoài có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP được lấy mẫu trong vòng 72 giờ trước chuyến bay đầu tiên trong hành trình vào Việt Nam hoặc theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế; có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát; hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất phát) và phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
Tần suất khai thác (tới mỗi địa phương thực hiện thí điểm du lịch quốc tế trọn gói) trung bình 1 chuyến bay/ngày (tổng cộng 4.000 - 6.000 lượt khách đến trong tháng đầu tiên) và tăng lên 2 chuyến bay/ngày trở lên trong tháng tiếp theo.
Trong giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022), Cục Hàng không đề xuất thí điểm các chuyến bay thường lệ chỉ chở khách có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh COVID-19 vào Việt Nam mà không yêu cầu có văn bản đồng ý cho vào Việt Nam của các cơ quan chức năng (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế).
Thị trường triển khai thực hiện ban đầu là các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Australia và các thị trường an toàn khác không nằm trong khuyến cáo hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với tần suất ban đầu 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.
Hành khách chỉ được chấp nhận làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát khi có xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly 7 ngày tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí (khách sạn) được chỉ định tại một địa phương của Việt Nam, bao gồm phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly.
Tùy theo tình hình thí điểm, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung các thị trường mới, tăng tần suất cho phù hợp với khả năng miễn dịch cộng đồng và nhu cầu thị trường.
Giai đoạn 3 (dự kiến từ tháng 4/2022) tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vaccine đại trà trong xã hội, Cục Hàng không dự kiến sẽ triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine”.
Hành khách trong giai đoạn này là công dân Việt Nam và nước ngoài có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh COVID-19. Thị trường sẽ theo nhu cầu của các hãng hàng không với tần suất ban đầu 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không.
Cuối cùng, giai đoạn khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu, dự kiến áp dụng từ tháng 7/2022 (tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm vaccine đại trà trong xã hội).
Trong giai đoạn này, hãng hàng không được cấp phép bay để mở bán theo nhu cầu và slot được xác nhận. Hành khách được chấp nhận làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát khi có các chứng nhận phù hợp với yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm áp dụng.
Liên quan đến "hộ chiếu vaccine", tại họp báo thường kỳ ngày 21/10 của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về những chính sách, biện pháp của Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi và cấp “thẻ xanh” cho người từ nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 đến Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo tinh thần của Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được các quốc gia và vùng lãnh thổ này giới thiệu chính thức tới Bộ Ngoại giao.
Người mang các giấy tờ này được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày theo Hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, hoặc đã mắc COVID-19 nhưng đã khỏi bệnh.
Bộ Ngoại giao đang cùng lúc trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận tiêm vaccine. Trên thực tế, giấy chứng nhận tiêm vaccine của Việt Nam đã được một số nước công nhận và cho nhập cảnh.
Phan Trang