Hàng hoá xuất khẩu đang đối mặt với khó khăn gì? 

(Chinhphu.vn) – Trước tình trạng xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 đang thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng đề ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị liên quan thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ để ứng phó với những diễn biến khó lường của thế giới.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp về tình hình xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2019. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Báo cáo tại cuộc họp về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng cuối năm 2019 diễn ra sáng 7/8, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương cho biết), hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại do giá của một số mặt hàng giảm sau khi đã đạt ở mức cao trong các năm 2017-2018, cụ thể như nhóm nông sản.

Đi kèm theo đó là sự gia tăng các yếu tố rủi ro, thách thức do bất đồng giữa các nước lớn về định hình thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hay như vấn đề Anh rời khỏi EU vẫn chưa được giải quyết, căng thẳng thương mại mới đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc…

 

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ở mức rất thấp

 

Riêng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Phan Văn Chinh báo cáo hiện kim ngạch này đang ở mức “tăng quá thấp” khi xuất khẩu sang Trung Quốc 6 tháng năm 2019 chỉ đạt 16,68 tỷ USD, tăng 0,3% (tương đương mức tăng 42,7 triệu USD).

Hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh là điện thoại và gạo.

Theo đó, xuất khẩu điện thoại giảm 549 triệu USD. Đây là con số “đóng góp lớn nhất vào sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này”, ông Phan Văn Chinh cho biết.

Xuất khẩu gạo cũng giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 329,3 triệu USD).

Nguyên nhân được Cục Xuất nhập khẩu báo cáo là do thời gian gần đây tồn kho gạo mùa vụ cũ của Trung Quốc ngày càng lớn, tăng từ 76 triệu tấn mùa vụ năm 2014/2015 lên 113 triệu tấn mùa vụ 2018/2019, kéo theo tỷ lệ tồn kho/sử dụng tăng từ 54% niên vụ 2014/2015 đến 79% niên vụ 2018/2019. Do vậy, Trung Quốc vừa đẩy mạnh xuất khẩu gạo vụ cũ vừa giảm mạnh nhập khẩu.

“Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng quá thấp một phần đến từ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 không khởi sắc. Xung đột thương mại Mỹ-Trung làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ yếu đi cũng làm hàng hóa nước ngoài đắt lên tương đối”, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phân tích.

Cùng với thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU giảm so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 20,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản giảm do giá đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu 1,22 tỷ USD. Có tới 6/9 mặt hàng xuất khẩu chính trong nhóm hàng nông sản, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm gồm: thủy sản, rau quả, hạt điều, gạo, cà phê, và sắn.

Phân tích về tình trạng xuất khẩu nông sản giảm, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tình trạng cung vượt cầu, tồn kho ngày càng lớn, kéo giá xuất khẩu giảm. Thêm vào đó, chủ nghĩa bảo hộ diễn biến ngày càng rõ ràng, phức tạp hơn, tác động của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung tới xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và cả một số thị trường khác.

“Chủ nghĩa bảo hộ ở nhiều nước đang ở quá mức cần thiết, xung đột thương mại Mỹ - Trung đang là rào cản cho xuất khẩu của Việt Nam”, ông Chinh nhìn nhận.

Mở rộng xuất khẩu chính ngạch, không để xảy ra tình trạng “giải cứu nông sản”

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, thời gian vừa qua, bối cảnh thế giới phức tạp mà kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng là sự cố gắng lớn của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Tình hình thế giới 6 tháng cuối năm sẽ phức tạp hơn, từ chỗ xung đột thương mại chuyển sang xung đột công nghệ, giờ là xung đột tiền tệ. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá “những xung đột này vượt quá khả năng đánh giá, phân tích”. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu cần tập trung, chủ động vào những việc có thể làm được.

Đối với thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng đánh giá tình trạng xuất khẩu nông sản (mặt hàng rau quả) giảm 1,7% “tuy ít nhưng là tín hiệu cần đặc biệt quan tâm”.

Về mặt hàng gạo, nhu cầu nhập khẩu gạo từ phía Trung Quốc yếu đi là do thị trường này đang chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Do đó, sẽ có những bộ quy tắc kiểm soát hàng hoá ngặt nghèo hơn.

“Đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Bộ NN&PTNT đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường về vấn đề chất lượng, mở rộng hơn diện các mặt hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đường chính ngạch (hiện chỉ có 9 mặt hàng).

Các tỉnh, địa phương, doanh nghiệp cần vào cuộc. Bởi câu chuyện Trung Quốc chuyển sang nhập khẩu chính ngạch đã được Bộ Công Thương cảnh báo gửi tới các địa phương từ năm 2018 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn chủ quan, thờ ơ, không triển khai các điều kiện xuất khẩu theo quy định. Câu chuyện mực tồn ở Quảng Nam là một bài học”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại cuộc họp về việc “phải tổ chức lại, không để tiếp tục xảy ra tình trạng ăn đong như vừa qua”. Không chấp nhận tiếp tục có câu chuyện “giải cứu nông sản” như thời gian vừa qua. Dưa hấu sản lượng hạn chế so với thị trường hay quả cam, con mực… cũng thành ra phải “giải cứu”. "Chúng ta làm quản lý Nhà nước nhưng chỉ đang chạy theo xử lý tình huống”.

Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu, Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị liên quan phải chấm dứt ngay tình trạng “nói giải pháp còn khâu kết nối tổ chức, đảm bảo cho sản phẩm vượt qua hàng rào chính thức vào được thị trường lại không có”.

Mặt khác, người đứng đầu ngành Công Thương cũng nhìn nhận, diễn biến xung đột thương mại Mỹ-Trung “rất đáng quan ngại” và vấn đề này sẽ gay gắt hơn vì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.

“Tuy chúng ta đang nỗ lực đa phương hoá, đa dạng hoá các mối quan hệ nhưng không thể phủ nhận việc Việt Nam đang phụ thuộc vào một số thị trường trọng điểm. Khi các thị trường này biến động là ảnh hưởng ngay đến tăng trưởng thương mại. Do đó, phải chủ động hơn, phải nhạy cảm hơn để có giải pháp ứng phó”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan phải đánh giá lại thị trường, năng lực hệ thống sản xuất, năng lực xây dựng, thực thi chính sách…để đưa ra kịch bản tăng trưởng xuất nhập khẩu ở các thị trường cụ thể, các ngành hàng cụ thể trong những tháng cuối năm. Cục Xuất nhập khẩu phải đánh giá lại các nhóm hàng có nguy cơ bị tranh chấp thương mại để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xử lý.

Không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

Theo Cục Xuất nhâp khẩu, xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 145,1 tỷ USD, thấp hơn khoảng 1 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng đề ra.

Dự báo cả năm 2019 xuất khẩu đạt khoảng 261-262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018. Như vậy, từ nay tới cuối năm, bình quân mỗi tháng xuất khẩu phải đạt khoảng 23,2-23,4 tỷ USD.

Cục Xuất nhập khẩu đánh giá “đây là nhiệm vụ khó khăn bởi lần gần nhất xuất khẩu của Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã từ tháng 8/2018, trong khi đó tình hình kinh tế, thương mại thế giới đang suy giảm”.
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, không điều chỉnh mục tiêu kế hoạch tăng trưởng 6-8% so với năm trước.
Phan Trang
315 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 973
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 973
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87202469