Hàng hoá không khan hiếm, không tăng giá trên cả nước 

(Chinhphu.vn) - Mặc dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng người dân vẫn giữ tâm lý bình tĩnh trong mua sắm do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của hệ thống phân phối, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ.
Hoạt động thương mại tại các địa phương có dịch bệnh vẫn đang diễn ra bình thường, hàng hoá không khan hiếm, không tăng giá. Ảnh: VGP/Kim Liên.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hoạt động thương mại tại các địa phương có dịch bệnh vẫn đang diễn ra bình thường.

Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Big C, Hapro Mart, Win Mart… đều “đầy ắp” hàng hóa, nhân viên siêu thị luôn sẵn sàng bổ sung thêm hàng. Giá cả của các mặt hàng không tăng giá mà còn có nhiều chương trình khuyến mãi lớn.

Tất cả siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều bố trí nhân viên kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách hàng sử dụng khẩu trang khi vào siêu thị mua sắm, 100% người dân đi mua sắm tại chợ truyền thống, siêu thị đều đeo khẩu trang. Có thể thấy, so với các đợt bùng phát dịch trước đây, người dân đã có ý thức hơn trong việc tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho bản thân, cho gia đình và cho toàn xã hội.
Hàng hoá đầy ắp tại các kệ hàng. Ảnh: VGP/Kim Liên
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ngành công thương Hà Nội cam kết, đảm bảo đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các siêu thị không tăng giá… Hà Nội đảm bảo dự trữ hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân Thủ đô khi dịch COVID-19 quay lại.

Bà Lan cho hay, lượng hàng hóa thiết yếu trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng thường. Dự kiến lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng.

Tại Vĩnh Phúc, Sở Công Thương tỉnh cũng đã làm việc với các chợ, siêu thị trên địa bàn về công tác bảo đảm hàng hóa giúp phòng, chống dịch. Các đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác có cam kết cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tương tự, Sở Công Thương Hà Nam thành lập các đoàn kiểm tra hàng hóa tại các chợ và siêu thị. Nhìn chung tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tại TP. Đà Nẵng, trước thông tin về các trường hợp mắc mới COVID-19 trên địa bàn từ ngày 3/5 đến nay, tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại người dân vẫn mua hàng bình thường, chỉ có số ít người có tâm lý mua hàng dự trữ nhưng vẫn ổn định, không có biến động nhiều.

Tại TPHCM, tình hình thị trường hàng hóa ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả không có biến động. Một số trung tâm thương mại lớn trong thành phố có lượng khách đến mua giảm hơn so với bình thường.

Sở Công Thương TPHCM hướng dẫn các đơn vị đang kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực chợ (bao gồm cả chợ đầu mối), siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Quyết định số 1370/QĐ-BCĐ của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM về việc ban hành “Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ đầu mối, chợ truyền thống (có nhà tầng), siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM”.

Tại Thái Bình, Sở Công Thương đã thành lập đoàn đi kiểm tra các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ để nắm bắt tình hình diễn biến thị trường và chỉ đạo các thương nhân kinh doanh thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch cũng như bình ổn thị trường. Sở Công Thương Thái Bình tiếp tục kích hoạt kế hoạch bình ổn thị trường, đồng thời kết nối với các thương hiệu nổi tiếng như Masan, Vinmart+, Kinh đô, Neptune... và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để cung ứng cho thị trường Thái Bình thông qua các nhà phân phối, các trung tâm thương mại, siêu thị.

Riêng tại Quảng Ngãi, chiều 6/5, nhu cầu mua bán của người dân tăng 30% so với ngày thường do xuất hiện thông tin có ca dương tính mới trên địa bàn, tuy nhiên tới sáng nay (7/5) thị trường đã trở lại ổn định.

“Tại các tỉnh có dịch khác như Bắc Ninh, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Nam,…tình hình hàng hóa trên thị trường cơ bản ổn định; nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi và chỉ đạo các Sở Công Thương địa phương thực hiện các giải pháp bình ổn, khuyến khích doanh nghiệp duy trì dự trữ hàng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết.
 
Người dân đều có ý thức đeo khẩu trang khi đến siêu thị. Ảnh: VGP/Kim Liên
Kịp thời xử lý khi có bất ổn về lưu thông hàng hoá

Liên quan đến việc đảm bảo lưu thông hàng hoá, ngày 1/3/2021, Bộ Công Thương đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ban hành hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng đang có dịch COVID-19.

Văn bản nêu rõ, sản phẩm hàng hóa, nông sản sản xuất và lưu thông trên địa bàn phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động vận tải qua lại, đi, đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, giao thông vận tải và các quy định hiện hành khác.

“Hiện, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung cầu hàng hóa. Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch (nếu có)”, lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin.

Đối với các địa phương có hàng hóa tồn đọng, Bộ Công Thương cũng đã có giải pháp hỗ trợ, ví dụ như tỉnh Sóc Trăng. Tính đến cuối tháng 4/2021, toàn tỉnh Sóc Trăng còn tồn khoảng 50.000 tấn hành tím trong kho và đang vào vụ hành cùng với ảnh hưởng do hành tím được nhập khẩu từ Thái Lan, Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng đánh giá nguồn cung và khả năng tiêu thu đối với mặt hàng hành tím. UBND tỉnh và Sở Công Thưởng tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi 63 Sở Công Thương nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ vào các hệ thống phân phối; vận động cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh mua ủng hộ hành tím giúp đỡ nông dân. Hiện nay, Sở Công Thương đang phối hợp với Bộ Công Thương (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tại phía Nam) và trang thương mại điện tử Sendo.com để xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ hành tím trên “gian hàng Việt”.
 
Phan Trang - Kim Liên
434 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 628
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 628
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87010336